Aa

“Tăng trưởng 9% trong 6 tháng cuối năm là một thách thức lớn”

Hà Thương (Thực hiện)
Hà Thương (Thực hiện) ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 14/08/2023 - 06:00

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, mục tiêu tăng trưởng 9% cho 6 tháng cuối năm là một thách thức lớn. Để đạt được điều này thì xuất khẩu, BĐS phải hồi phục; đầu tư công phải đẩy mạnh.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra ngày 5/8, với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng năm 2023 không đổi, theo đó đặt mục tiêu cho 6 tháng cuối năm là 9%.

Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã phát đi nhiều tín hiệu khởi sắc hơn khi bước sang quý III. Tăng trưởng kinh tế 3 tháng gần đây đều ghi nhận tháng sau cao hơn tháng trước. Dù vậy, giới chuyên gia vẫn cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 9% trong 6 tháng cuối năm là điều không hề dễ dàng. 

Chia sẻ với Reatimes, TS. Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia kinh tế, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, đây là một thách thức lớn. Chỉ có 1 kịch bản cho điều này có thể xảy ra là các ngành công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải hồi phục mạnh mẽ; việc giải ngân vốn đầu tư công phải hiệu quả và thị trường trái phiếu, bất động sản phải được tháo gỡ khó khăn nhanh chóng. Trong đó, cần tập trung mạnh nhất vào giải ngân đầu tư công, bởi chính sách tài khoá Việt Nam còn nhiều dư địa mở rộng. 

Chính sách tiền tệ đã bão hoà

PV: Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, tăng trưởng kinh tế 3 tháng gần đây đều ghi nhận tháng sau cao hơn tháng trước. Sự khởi sắc này giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng qua đạt 374,3 tỷ USD, chỉ còn giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại hàng hóa trong 7 tháng ước tính xuất siêu 15,2 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,3 tỷ USD). Vốn đầu tư công thực hiện trong 7 tháng đầu năm cũng tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trướcước đạt 41,3% kế hoạch.

Theo ông, những con số này có đang cho thấy nền kinh tế trong nước đã bắt đầu phát đi những tín hiệu khởi sắc hơn, tích cực hơn 

TS. Nguyễn Hữu Huân: Đúng là như vậy. Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục so với đầu năm và khi chính sách tiền tệ bắt đầu phát huy tác dụng của nó (do độ trễ của chính sách thường từ 1 đến 2 quý) thì tăng trưởng cuối năm dự báo sẽ khả quan hơn. 

Tuy nhiên thẳng thắn mà nói, để nền kinh tế cán đích 6,5% trong cả năm 2023 như mục tiêu Quốc hội đề ra là rất khó, và cần phải có nhiều giải pháp căn cơ hơn. Nhất là phải đẩy mạnh chính sách tài khóa từ giờ cho đến cuối năm, vì hiện tại theo tôi nhận định, chính sách tiền tệ đã bão hòa và cho dù có tiếp tục giảm lãi suất đi chăng nữa thì cũng không tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế.

Nền kinh tế đang trên đà hồi phục so với đầu năm 2023. (Ảnh: PLO)

PV: Lý do gì khiến ông nhận định chính sách tiền tệ đã đạt đến ngưỡng bão hoà?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành thì chính sách tiền tệ đã bão hoà, tức là không còn nhiều dư địa để nới lỏng. 

Thứ nhất là do lãi suất đã về trước thời điểm chúng ta thắt chặt tiền tệ. 

Thứ hai là cho dù lãi suất có giảm xuống nữa nhưng doanh nghiệp và người dân không đủ điều kiện vay vốn trong tình hình khó khăn hiện nay thì nguồn vốn tín dụng cũng khó có thể hấp thụ trong nền kinh tế. 

Bên cạnh đó, cũng phải nhắc đến độ trễ của chính sách tiền tệ. Lãi suất điều hành đã giảm khá mạnh kéo theo lãi suất huy động giảm sâu, song lãi suất cho vay chưa giảm tuyệt đối ngay do dòng vốn giá cao mà ngân hàng huy động trước đây chưa được tiêu thụ hết.

PV: Vậy ông có khuyến nghị gì cho việc điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn tới?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Chúng ta đang thay đổi trạng thái từ thắt chặt sang nới lỏng trong chính sách, và việc đổi trạng thái đang diễn ra khá nhanh thể hiện quyết tâm vực dậy nền kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý việc sử dụng liều lượng phù hợp các thang thuốc cho nền kinh tế. Vì nếu kê toa quá liều, có thể gây ra tác dụng phụ. 

Ví như năm 2022, chúng ta thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt và chuyển trạng thái quá nhanh cũng đã gây ra các khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Bởi vì việc tạo ra một “cú shock” trong nền kinh tế không phải là cách tốt nhất để kiểm soát lạm phát. 

Tương tự như vậy, trong năm nay chúng ta cũng cần điều hành chính sách một cách hài hòa hơn, tránh các “cú shock” không đáng có. Đặc biệt là khi thực hiện nới lỏng quá mức, và chênh lệch lãi suất trong nước và nước ngoài không quá cao thì vấn đề về tỷ giá và lạm phát có thể quay trở lại nền kinh tế. Điều đó sẽ làm cho chúng ta cứ phải loay hoay trong việc lựa chọn lạm phát hay tăng trưởng trong việc điều hành kinh tế.

Chính sách tài khoá còn nhiều dư địa mở rộng

PV: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra ngày 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng năm 2023 không đổi, theo đó đặt mục tiêu cho 6 tháng cuối năm là 9%. Để đạt được kịch bản này thì theo ông, Việt Nam cần làm gì?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi chỉ có 1 kịch bản cho điều đó có thể xảy ra là các ngành công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hồi phục mạnh mẽ do sức cầu thế giới quay trở lại, cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, các giải pháp tháo gỡ cho thị trường trái phiếu, bất động sản phải mang lại tác dụng mạnh mẽ. Có như vậy, chúng ta mới có khả năng đạt được tăng trưởng bình quân 9% trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, đây thực sự là một thử thách rất lớn đối với chúng ta. Bởi vì tăng trưởng kinh tế luôn có độ trễ, và nó sẽ hồi phục từ từ, nên chắc chắn quý III tốc độ tăng trưởng sẽ ở mức vừa phải và kỳ vọng quý IV sẽ phải là một sự tăng trưởng vượt bậc trên 9% thì chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Chính sách tài khoá Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa mở rộng nên việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là hợp lý và cần thiết. (Ảnh: TTXVN)

PV: Như ông nói thì có 3 động lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra là ngành công nghiệp xuất khẩu hồi phục, đầu tư công giải ngân mạnh mẽ và thị trường trái phiếu, bất động sản được tháo gỡ khó khăn. Ở động lực đầu tiên, chúng ta không thể chủ động do phụ thuộc sức cầu thế giới. Nhưng với hai động lực còn lại, chúng ta có thể quyết định và làm chủ, thưa ông?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Dù vậy nhưng không dễ! Từ đầu năm đến nay, chúng ta vẫn đang đẩy mạnh đầu tư công và cố gắng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hồi phục thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhìn vào chuyển biến của các thị trường và kết quả giải ngân đầu tư công thì hoàn toàn chưa như kỳ vọng. 

Tất nhiên, dù kết quả chưa như mong đợi thì chúng ta vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh  thực hiện các động lực tăng trưởng. Bởi suy cho cùng, đây là cách duy nhất để đạt được mục tiêu đề ra. 

Trong đó, quan trọng nhất vẫn là giải ngân vốn đầu tư công. Trong một nền kinh tế mà cầu tư nhân yếu, bên cạnh việc kích cầu tư nhân, thì theo học thuyết Keynes, Chính phủ cần phải tăng chi tiêu của khu vực Chính phủ để góp phần làm tăng tổng cầu của toàn bộ nền kinh tế. Tức là phải  giải ngân vốn đầu tư công một cách mạnh mẽ hơn nữa. 

"Trong một nền kinh tế mà cầu tư nhân yếu, bên cạnh việc kích cầu tư nhân, thì theo học thuyết Keynes, Chính phủ cần phải tăng chi tiêu của khu vực Chính phủ để góp phần làm tăng tổng cầu của toàn bộ nền kinh tế. Tức là phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công một cách mạnh mẽ hơn nữa. 

Hơn hết, chính sách tài khoá Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa mở rộng nên việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là hợp lý và cần thiết".

TS. Nguyễn Hữu Huân

Hơn hết, chính sách tài khoá Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa mở rộng nên việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là hợp lý và cần thiết. 

Tiếp đến là nỗ lực hỗ trợ thị trường trái phiếu, bất động sản. Cần đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn về pháp lý và dòng vốn, giải quyết vướng mắc cho các dự án bất động sản để đưa thanh khoản thị trường này trở về. 

Ngoài ra, mọi chính sách cần có sự phối hợp hài hòa thì mới góp phần tạo ra hiệu ứng tăng cường, giúp cho Chính phủ đạt được mục tiêu vĩ mô nhanh hơn và hiệu quả hơn.

PV: Với lĩnh vực bất động sản, ông nghĩ sao về khả năng hồi phục trong nửa cuối năm 2023?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, bất động sản sẽ hồi phục dần dần trong nửa cuối năm nhưng để thị trường này thực sự khởi sắc thì cần giải quyết tốt các vấn đề về pháp lý cho các dự án lớn.

Cùng với đó, một điều quan trọng không kém là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận với dòng vốn tín dụng ngân hàng, thị trường tài chính. Bởi vì đa số các doanh nghiệp đã mất khả năng vay vốn do không đủ điều kiện về tài sản đảm bảo cũng như chứng minh nguồn thu để trả nợ. Và nếu không có vốn thì giống như cơ thể thiếu máu, các doanh nghiệp sẽ chết dần chết mòn và lây lan sang toàn bộ nền kinh tế./.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top