Aa

Tạo điều kiện để triển khai các định hướng lớn về phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia

Thứ Hai, 26/06/2023 - 21:59

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang dự thảo Nghị định quy định về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Bộ TT&TT cho biết, ngày 29/6/2006, Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật Công nghệ thông tin trong đó quy định Chính phủ quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng, cập nhật và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia (khoản 4 Điều 58 Luật Công nghệ thông tin năm 2006). 

Ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 714/QĐ-TTg ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Sau 08 năm thực hiện Quyết định số 714/QĐ-TTg, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế - xã hội; thực hiện cải cách hành chính toàn diện. 

Dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia phải được chia sẻ qua dịch vụ chia sẻ dữ liệu và được kết nối tự động giữa các hệ thống thay vì chia sẻ qua việc tra cứu thủ công.
Dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia phải được chia sẻ qua dịch vụ chia sẻ dữ liệu và được kết nối tự động giữa các hệ thống thay vì chia sẻ qua việc tra cứu thủ công.

Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong cả thực tế triển khai và môi trường pháp lý, đồng thời cũng cần cập nhật danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam hiện nay đặc biệt là việc phục vụ công cuộc chuyển đổi số; phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số; phát triển kinh tế số và xã hội số.

Những hạn chế, vướng mắc khi triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia

Theo Bộ TT&TT, từ khi Quyết định 714/QĐ-TTg xác định 6 cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai. Một số cơ sở dữ liệu được triển khai mạnh như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, bảo hiểm. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chưa có sự thay đổi về mô hình nhưng thực hiện mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở dữ liệu quốc gia đều có tiến độ xây dựng và triển khai chậm so với yêu cầu của Quyết định số 714/QĐ-TTg. 

Chưa đồng bộ về mô hình triển khai giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia; chưa xác định rõ vai trò cơ sở dữ liệu quốc gia so với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương. Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xác định rõ vai trò ngay từ đầu nên không có vướng mắc về mô hình triển khai (Phạm vi xác định rõ trong Luật Căn cước với 15 mục tin; mục tiêu đã thể hiện rõ trong Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 - Đề án 896). Đối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác không xác định vai trò rõ ràng. Từ đó việc triển khai các cơ sở dữ liệu chưa có động lực để thực hiện mạnh mẽ.

Chính vì vậy, các cơ sở dữ liệu quốc gia có xu hướng chồng lấn và nhầm lẫn với các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành; phạm vi quá rộng nên khó khăn cho việc triển khai. 

Các địa phương bị động trong việc phối hợp với bộ, ngành khi triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu. Do cơ sở dữ liệu quốc gia triển khai chậm, các địa phương mong muốn chủ động xây dựng các cơ sở dữ liệu nhưng e ngại sự trùng lặp với các cơ sở dữ liệu quốc gia, ảnh hưởng tới chủ trương đầu tư các cơ sở dữ liệu của các địa phương trong khi dữ liệu là cần thiết cho sự phát triển Chính phủ điện tử. 

Nguyên nhân của việc này là do các Bộ triển khai các cơ sở dữ liệu nhưng không xác định rõ phạm vi, phạm vi dữ liệu được quản lý tại Trung ương dẫn đến địa phương không xác định được phạm vi dữ liệu không chồng lấn để chủ động xây dựng.

Dữ liệu dân cư, doanh nghiệp và đất đai là các cơ sở dữ liệu ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử

Để khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế như đã phân tích ở trên, đồng thời cập nhật các nội dung mới phù hợp với sự phát triển công nghệ, thực tiễn thực hiện các mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, việc xây dựng và ban hành một Nghị định quy định về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia là hết sức cần thiết. Trong đó, môi trường pháp lý phải tạo điều kiện để triển khai các định hướng lớn về phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia, cụ thể như:

Xác định việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) là việc xác định và thiết lập, duy trì dữ liệu trọng tâm và quan trọng nhất trong phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số thay vì cơ sở dữ liệu. Dữ liệu quốc gia vai trò ảnh hưởng lớn liên ngành, liên lĩnh vực.

Ưu tiên một số CSDLQG quan trọng nhất để phát triển và hoàn thiện. Theo Nghị định 47/2020/NĐ-CP, dữ liệu dân cư, doanh nghiệp và đất đai là các cơ sở dữ liệu ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Vì vậy, ba loại dữ liệu này cần phải triển khai ưu tiên hoàn thiện sớm nhất. Bổ sung một số CSDL khác có mức độ sử dụng chung cao tạo nền tảng. Dữ liệu đó nếu được xây dựng sẽ tạo tiền đề cho nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều ứng dụng, hệ thống thông tin trong cơ quan nhà nước phát triển mạnh mẽ.

Trong các CSDLQG chỉ ưu tiên xây dựng dữ liệu chủ với phạm vi hạn chế. Do đề xuất phạm vi dữ liệu trong các CSDL rộng. Vì vậy, các CSDLQG khi được ưu tiên triển khai phải trọng tâm trước hết vào việc xây dựng dữ liệu chủ, dữ liệu cốt lõi. Đây là dữ liệu có ảnh hưởng lớn nhất đến toàn bộ cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như các cơ sở dữ liệu trong và ngoài bộ, ngành, địa phương đó.

Dữ liệu trong CSDLQG phải được chia sẻ qua dịch vụ chia sẻ dữ liệu và được kết nối tự động giữa các hệ thống thay vì chia sẻ qua việc tra cứu thủ công.

Để CSDLQG làm cơ sở để thúc đẩy triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL) của các địa phương. Cho phép các địa phương được lưu trữ bản sao của CSDLQG tại địa phương để chủ động việc chia sẻ. Việc lưu trữ bản sao theo phạm vi địa phương thuần túy để giải quyết vấn đề kỹ thuật, thúc đẩy việc chia sẻ và khai thác. Tuy nhiên việc lưu trữ bản sao này phải tuân thủ các quy định của pháp luật tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP và có sự thống nhất với chủ quản CSDL đảm bảo sự đồng bộ, cập nhật và an toàn, an ninh thông tin.

Với các nội dung nêu trên, Bộ TT&TT đề xuất xây dựng Nghị định quy định về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia với mục đích khắc phục những tồn tại, hạn chế trong xây dựng CSDLQG, cập nhật các quy định phù hợp với sự phát triển công nghệ, thực tiễn yêu cầu chuyển; phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số; phát triển kinh tế số và xã hội số; quy định định nghĩa, nội hàm CSDLQG; xác định tiêu chí của CSDLQG; quy định trách nhiệm xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác, sử dụng CSDLQG của các cơ quan từ trung ương đến địa phương.

Bảo đảm tính khả thi khi thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số nói riêng và thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top