Aa

Tết của tuổi thơ tôi

Thứ Năm, 23/01/2020 - 12:20

Có lẽ ai sinh ra trong cái thời 7X, 8X như tôi thì cũng có những ký ức tuổi thơ về Tết không bao giờ phai...

Đầu tiên phải kể đến những ngày đầu tháng Chạp, thời tiết lạnh dần, mặt đất nứt nẻ, gió đông xoáy lá tre thành những cuộn tròn. Chỉ sướng bọn trẻ con, chỉ cần một mồi lửa là khói lên nghi ngút, mùi lá cháy thơm kèm tiếng nổ lách tách rất vui tai. 

Nhà tôi ở Xốm, cách làng pháo Bình Đà cỡ 7km. Khoảng cách ấy chẳng là gì so với niềm háo hức được đi mua thuốc pháo. Vậy là chân dép tổ ong chúng tôi chạy bộ qua vài con đường và mấy cánh đồng trơ gốc rạ, đi đến đâu lạnh quá lại đốt rơm sưởi ấm. Hai nguyên liệu chính phải mua là ngòi pháo và thuốc pháo. 

Ảnh: Internet

Về nhà, những trang vở cũ điểm 9 điểm 10 cũng thành vỏ pháo hết. Cuốn pháo phải thật chặt tay để nổ cho đanh, cho giòn. Và những cây pháo cứ thế hình thành, 3 tầng rồi 5 tầng hình tháp. Tầng dưới to, tầng trên nhỏ. Pháo nhỏ xen với pháo đùng, rồi trên cùng là pháo cối to bằng cái lon sữa bò. Màu hồng điều là cái màu sắc quyến rũ của mỗi cây pháo khi dựng lên hoành tráng.

Không khí Tết được cảm nhận rõ nét bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Ông Công, ông Táo cưỡi cá lên trời báo cáo mọi hoạt động của gia đình. Thành tích học tập cũng như việc giúp đỡ bố mẹ gặt hái, chăn bò của tôi cũng được báo cáo tường tận thì phải!

Ngoài chợ, đào quất bày bán la liệt, hoa đủ màu sắc. Nhiều nhất là hoa thược dược và violet. Nhà ai cũng phải có một bình thược dược thật to mới gọi là có Tết. Quê tôi giống như các tỉnh nông thôn miền Bắc khác, trước năm 2000 thì còn nghèo. Cả năm có khi gia đình chỉ lo kinh tế để làm giỗ Tết. Nhưng tinh thần Tết vì thế mà tuyệt vời, ngoài một cái Tết no đủ còn là một sự khởi đầu mới với nhiều hy vọng.

Ngày gói bánh chưng là ngày vui nhất trước Tết. Những chiếc lá dong được mẹ tôi rửa từ hôm trước để cho ráo nước. Gạo nếp là nguyên liệu chính, bỏ thêm chút muối để lớp vỏ bánh có chút vị đậm đà. Những miếng thịt lợn được thái đều cỡ ba ngón tay được tẩm với muối và tiêu đen. Đậu xanh được nắm thành những quả tròn như chiếc bát con. Lạt buộc luôn sẵn sàng vừa dẻo vừa mỏng. Và rồi cả nhà ngồi quây quần gói bánh. Bánh đùm (gói bằng 3 lá), bánh hòm (bánh khuôn 4 lá) lần lượt được ông tôi và các chú thoăn thoắt đôi tay xếp lên ngay ngắn. Trẻ con thường được gói cho những chiếc bánh xinh xinh từ những chiếc lá nhỏ...

Và cuối cùng là nổi lửa lên. Gốc tre tạo ra những ngọn lửa xanh, trấu ủ cho bếp giữ được nhiệt và than hồng. Rất nhiều câu chuyện được ông tôi, bố tôi kể lại từ ánh lửa bập bùng ấy. Thật chẳng có cách giáo dục nào ăn sâu vào tâm trí con người bằng những kinh nghiệm sống, bằng lịch sử và cách hành xử được truyền lại trong khoảnh khắc ấy. Bếp lửa bánh chưng như thắp sáng và làm nồng ấm truyền thống gia đình, cộng đồng và thức tỉnh những người có hành vi không tốt trong năm qua.

Ảnh: Internet

Bánh chưng cùng với gà luộc, xôi, chè... là những món chính được bày vào mâm cúng tất niên. Bữa cơm được coi như cuối cùng của năm cũ được hạ xuống sau lễ. Cả nhà ngồi quây quần với nem rán, dưa hành, canh măng, miến gà, rau sống..., bữa ăn kết thúc cho một năm đã qua với bao kỷ niệm.

Đùng đùng đùng, tiếng pháo xé tan màn đêm u tối. Những tia chớp chớp từ bốn phương tám hướng, khói bốc lên, mùi thơm lừng thuốc pháo. Khoảnh khắc đó được cho là đẹp nhất và hùng tráng nhất. Cây pháo cuốn nổ giòn giã, vỏ pháo tung lên, "tan xác" những điểm 9 điểm 10. Hương được thắp lên cùng bài lễ đêm giao thừa. Ai cũng rùng mình vì cái lạnh, hai tay xoa vào nhau khấn lễ cho khúc giao mùa. Khi trời đất sang canh cũng là lúc mỗi người thêm một tuổi. Một năm mới bắt đầu với nhiều hy vọng, với tình yêu và sự cố gắng.

Quê tôi có một đêm giao thừa như thế, mọi người tạm chợp mắt để chuẩn bị một ngày đầu Xuân năm mới với thật nhiều lời chúc tốt đẹp...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top