Cuối năm, công việc bộn bề. Đường phố người xe đi như nước chảy…
Từ nhà, đến công sở, vào cơ quan, mình chưa vào loại công to việc lớn gì, vậy mà nhìn đâu cũng thấy thứ phải làm. Thứ thì phải thanh lý để kết thúc, thứ thì phải bàn bạc, ký kết để mở ra, làm tiền đề cho năm tới…
Lại còn giao đãi, gặp gỡ. Vừa đến nhà tang lễ cúi mình viếng một đời tận tụy là qua dự đám cưới của đôi trẻ với bao hy vọng phập phồng. Tối hôm trước mới ồn ào rượu mừng thằng bạn đại tá, vừa được đóng chức chỉ huy trưởng, vào thường vụ, chỉ nay mai là lên tướng. Trưa hôm sau đã vào viện, lặng lẽ ngồi cầm tay một thằng bạn học khác dính u ác, chắc chẳng còn sống được bao nữa…
Nghĩ mình cũng đã cố gắng, cũng bươn chải, làm đây làm đó, đối này xử nọ thế mà rồi cũng vẫn cứ có lúc bị điều tiếng, xuôi chí nhạt lòng…
Điện thoại có tin nhắn: “Tớ đang về làng. Làm ít đồ nhắm. Chiều có về quê uống rượu được không?”. Đấy là tin nhắn của doanh nhân Vũ Duy Hải, ông chú họ trẻ của tôi. Ông này là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VINACAM đóng ở Sài Gòn, tốp 500 doanh nghiệp lớn, chuyên nhập khẩu phân bón cho vùng Nam bộ, dưới trướng hàng ngàn nhân viên, mà cuối năm vẫn thư thái về quê uống rượu ư? Tôi bốc máy: “Có đồ nhắm gì đấy? Mà sao đang bận bịu thế này lại vẫn về làng được?”. Ông Hải trả lời: “Tớ mang nửa con lợn rừng ở Đồng Nai về. Đám anh em làng tối qua quây đồng Giật, được hơn năm chục chuột đồng, đã thui rơm, chuẩn. Còn chạch om củ chuối, cá mương kho nồi đất… Về uống rượu đi. Những lúc tối mắt mũi mà về làng thì mới thú”.
Nghe thấy sướng. Giờ ở làng đồng đã gặt xong, mênh mông gió thổi… Chuột đồng vừa lớn, lại ăn đẫy mầm rạ, nõn rau ruộng đẫm sương, thơm mùi rơm mới thui, rượu nút lá chuối, bạn hiền nâng tận môi…
Tôi gọi thi sĩ đồng hương Trần Anh Thái. Ông này có tập trường ca nổi tiếng với cái tên ngạo nghễ “Đổ bóng xuống mặt trời”, là đại tá ăn lương tướng, từng tháp tùng Thủ tướng đi nước ngoài, trưởng ban báo Quân đội nhân dân, mới nhận chân Tổng biên tập một tờ báo mới. Cách đây mấy tháng, trong cuộc rượu, anh Thái hỏi: “Có nơi mời anh làm Tổng biên tập, chuẩn bị ra báo, chú thấy thế nào?”. Tôi khuyên: “Bác không làm được đâu. Lo trên dưới, ngang dọc, lo trị sự, tổ chức, lo quảng cáo, tuyên truyền… Bác là thi sĩ lớn, đâu có giỏi nhịn nhường?”. Thái gật gù: “Họ chi vài tỷ. Thôi được, để anh bàn kỹ với chú rồi tính!”. Ánh mắt lão có vẻ giận vì nghĩ tôi coi thường. Rồi lão vẫn nhận chân Tổng, ra mắt hoành tráng ở trụ sở to. Tôi đến dự, nâng chén: “Chúc bác làm Tổng mạnh giỏi được… 6 tháng!”. Thái cười khặc khặc: “Biết thế, biết thế!”. Không ngờ bây giờ nghe phôn, lão Thái reo lên: “Về làng uống rượu hả? Hay quá. Anh đang ở cơ quan! Đi ngay, đi ngay!”.
Ngồi trên xe đường liên huyện về làng, Trần Anh Thái luôn nhổm người lên phóng mắt ra ruộng đồng đang bảng lảng sương đông, rồi thì thào: “Về làng chú mà anh vẫn sướng. Cứ nghĩ về quê, là mình run lên. Mỗi lần về làng là thấm thêm được một cái gì đó vào mình. Lạ thế!”.
Tôi đã có bao nhiêu lần về làng, cũng mỗi lần một xúc cảm. Ngày trước, từ Hà Nội đi về làng, phải mất cả ngày, từ sáng tới tối mịt. Tôi sinh ở quê. Vài tuổi theo cha phiêu bạt tận rừng xanh núi đỏ Tây Bắc. Lần về quê đầu tiên một mình là đang học đại học. Bà ngoại lui cui đi chợ mua cho thằng cháu xa món quà mọn là mấy con bún về chấm nước cáy.
Cái đận đang sinh viên, học bổng được chuyển thành tấm phiếu ăn, bị móc túi nẫng mất. Tôi méo mặt không biết làm sao. Bốn thằng bạn thân góp lại một mâm cho năm thằng ăn. Xuất ăn tập thể lưng bụng, lại phải chia ra, trai mới lớn mặt xanh xao… Được một tuần, tôi trốn vé ca nô Phà Đen về làng. Thấy tôi thờ thẫn, bác gái Can hỏi, tôi kể sự tình. Bác la lên: “Rõ khổ cháu tôi!” rồi chạy đi kể với mấy nhà trong họ. Chiều tối, mấy chị, mấy bác đến nhà bà ngoại tôi, mỗi người cho một, hai bò gạo và mấy hào. Tôi lên trường, lại xôm, cơm mới thơm nức mũi.
Hồi tôi cưới vợ, nhà nghèo đông anh em, bố mẹ ở xa. Tôi nói với vợ chưa cưới: “Em là lá ngọc cành vàng, trâm anh thế phiệt, anh hai bàn tay trắng, đi xin việc bằng xe đạp nhà em, đói má em cho cơm ăn, rét ba em cho áo mặc. Giờ, anh nghĩ quá”. Người yêu tôi bàn: “Hay để em đưa cho anh chút tiền, anh làm dăm mâm cơm. Cưới cơ quan có bánh kẹo rồi. Xong, mình về ở với ba má”. Tôi suy tính rồi quyết định chạy về làng. Tôi lại kể lể sự tình với chị Lạng. Nghĩ rồi chị bảo: “Để chị tính cách giúp chú”. Chị chạy một vòng trong họ. Rồi bác Xứng, bác Can, bác Đoan, chị Lạng và vợ chồng dì Tặng chú Sở, mỗi nhà cho tôi một con gà và vài cân gạo, đủ năm mâm cơm cưới vợ. Bà ngoại tôi cười vui: “Nhà còn con gà choai, bà thịt mời các bác đến mừng cho cháu mai lên Hà Nội cưới vợ nhé”.
Sau này, bố mẹ tôi nghỉ hưu, từ Tây Bắc về làng sống. Tôi đã gắng gỏi và trời cũng thương, nên cuộc sống có tươm tả hơn. Mỗi bận về làng, cha tôi vẫn nặng ký ức thời nghèo khó, chạy đi chạy lại, dặn chỗ này nhắn chỗ kia để có rượu thịt đủ đầy cho con cái và bạn bè thoải mái. Giờ cha tôi khuất núi, về làng thì vẫn có nhà sẵn sàng cơm rượu cho mình…
Tôi còn nhiều lần về làng. Mỗi khi có niềm vui gì đó, dù nho nhỏ thôi, thì cũng về thắp hương thầm kính cáo trước tổ tiên đã phù trợ rồi ra chùa làng thăm viếng. Hay khi mình bị hiểu lầm, thị phi, không muốn tỏ bày với ai, thì lại chạy về làng, đưa tay khoát xuống mặt ao soi mình, vẫn thấy trong veo thơ thới…
Bây giờ, chạy xe về làng, mất chừng hai giờ, uống rượu chừng đó thời gian rồi lại ngược lên, sáng vẫn đi làm. Ông Sản, ông Viển, hai tay đầu bếp trứ danh của làng đã chế biến món chuột đồng thau tháu thành món chuột quay ăn với lộc non cây sắn thuyền cổ thụ, sao mà ngon đến vậy? Tiệc rượu làng tôi không thể thiếu món gỏi lòng sụn lợn cùng món rau diếp thái nhỏ ăn với cà chua chưng. Rượu cất từ nếp cái gieo ở ruộng chùa mềm như lụa chảy… Cách xa làng non trăm cây số, đống công việc bộn bề và ngùn ngụt ở phố kia bỗng chẳng là cái gì to tát…
Trên đường quay về Hà Nội, tôi hỏi Trần Anh Thái về công việc tổng biên tập, Thái nói tỉnh bơ: “Anh không muốn làm nữa, chán lắm”. Tôi hỏi: “Em chúc bác làm sáu tháng cơ mà, giờ mới được ba?”. Thái bảo: “Tính từ lúc có giấy phép, thì cũng đủ sáu tháng rồi. Giờ lên sẽ nghĩ kế bàn giao lại để làm thằng nhà văn, đi về làng mình và các làng khác, viết thôi”. Chẳng biết Trần Anh Thái có làm như vậy thật không. Nhưng tôi tin là anh trọn tình yêu với làng.
Làng là một nơi làm cân bằng hồn vía cho ta trong cái thời nhiều biến động này và về làng uống rượu là một cái thú thanh tao. May sao, trong thời hiện đại, nhiều chúng ta còn có làng!