Nhưng rất nhiều thời điểm trong năm 2021, tôi cảm tưởng như thời gian đang ngưng đọng lại. Đó là cảm xúc thực của tôi khi đang ở những thời khắc đó và cả lúc này, khi nhìn lại một năm 2021 đầy xúc cảm: bi thương, tuyệt vọng, lo âu, bế tắc rồi cố tìm ra hy vọng.
Chúng ta vốn đã đón năm mới 2021 trong tâm trạng âu lo, bất an nhường nào. Tâm trạng ấy được kế thừa từ cả năm 2020 ngổn ngang dịch giã. Bởi khi ấy, dù dịch Covid-19 chưa càn quét dữ dội trên đất nước ta, chúng ta mới chỉ lướt qua hai đợt dịch một cách sơ sơ với vài chục ca nhiễm bệnh mà hầu như không có thương vong nào đáng kể, nhưng trên khắp thế giới đang nặng trĩu lo âu. Dịch bệnh tàn phá khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và ngay cả các nước châu Á sát cạnh chúng ta. Căng thẳng. Bất an. Đó là cảm tưởng khi chúng ta đón năm mới 2021. Và cái dự cảm không lành đó đã sớm thành hiện thực. Ngay đầu tháng 2, đợt dịch Covid-19 thứ 3 đã nổ ra trên đất Hải Dương với tâm điểm là công ty Poyun, Cẩm Giàng. Cả nước lại xao động. Ngành y tế lại tập trung, bao vây, cách ly, truy vết, xét nghiệm. Rầm rập ra quân…
Thật may, đợt dịch này xảy ra ở cộng đồng dân cư là công nhân trẻ khỏe nên hầu như không có thương vong gì. Nhưng mối lo vẫn còn đó. Tất cả vẫn phải căng mình chờ đợi. Mọi hoạt động kinh tế xã hội như được đặt trong chế độ chờ trực chiến, sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Cảnh giác cao độ.
Thế nhưng rồi chúng ta cũng không ngăn nổi con virus mang tên “biến chủng Delta” xâm nhập vào. Đợt dịch thứ 4 nổ bùng, tháng 5/2021. Nổ theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bắt đầu là hai tỉnh đang có tốc độ công nghiệp hóa nhanh, dân cư tập trung đông: Bắc Ninh, Bắc Giang. Dịch bệnh lan nhanh trong cộng đồng công nhân công nghiệp và lan ra khu dân cư, với hàng ngàn ca dương tính. Một con số làm choáng váng tất cả chúng ta khi ấy. Và đặc biệt, những ca tử vong đáng tiếc đau đớn đã xuất hiện.
Nhưng không dừng lại ở đó, con virus biến thể Delta quái ác này đã lan ra khắp cả nước mà tâm dịch khủng khiếp nhất nổ ra tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An hồi tháng 7, 8, 9… Cho đến tận bây giờ vẫn chưa dứt hẳn. Với những hậu quả nặng nề. Nó đã và đang lan rộng xuống tất cả các tỉnh miền Tây trù phú của đất nước. Dĩ nhiên là có những ca tử vong, là ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, là đình đốn nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nhưng điều đáng nói nhất ở đây là cách tiếp cận chống dịch của chúng ta. Trong phạm vi bài này, tôi không phân tích về các phương pháp chống dịch của từng thời kỳ. Từ “Zero Covid” sang đến “sống chung với Covid”, hay dở kịp thời, phù hợp ra sao. Việc đó cần một chuyên luận lớn. Mà tôi muốn cùng các bạn nhìn lại, cảm lại những điều mà hầu như ai cũng đã trải nghiệm trong thời kỳ chưa xa. Hầu như vẫn còn là những ký ức nóng hổi khi mà bỗng một hôm thức dậy, bạn thấy ngõ xóm, đường phố, làng quê… nơi mình ở bỗng nhiên đã được giăng dây rào kín. Lệnh cách ly tuyệt đối nội bất xuất, ngoại bất nhập được ban ra. Bàng hoàng. Nhưng phải chấp nhận, bởi đây là lệnh từ Chính phủ: “Chống dịch như chống giặc”! Cưỡng lại lệnh, chẳng hóa ra mình trở thành giặc ư? Mà nhân sinh, nào có ai lại muốn trở thành giặc bao giờ!
Thế là im lặng đóng cửa ngồi nhà. Mà không ngồi nhà cũng không đi đâu được. Mọi phương tiện giao thông công cộng ngưng hoạt động. Các phương tiện cá nhân không được di chuyển. Hàng quán đóng cửa, chỉ còn vài nơi gọi là “hàng thiết yếu” mở bán mà người mua cũng chỉ lơ thơ, bởi ra đường dù đi mua rau cũng phải có giấy phép. Đường phố đang đông vui tấp nập, rộn rã tiếng xe pháo, tiếng nhạc, lấp lóa ánh sáng đèn màu biển hiệu mọi khi, bỗng nhiên như đổi khác. Như trở thành một nơi khác hẳn. Xa lạ. Những người đã sống trong thời kinh tế bao cấp xưa, có cảm tưởng như mình đang lùi trở lại sống ở cái thời gian xa xưa khốn khổ ấy.
Thật lạ lùng, khi mà chỉ bằng vài quyết định hành chính, cả xã hội bỗng nhiên như ngưng đọng, cuộc sống thốt nhiên chậm lại. Chậm hẳn lại. Gần như là trạng thái đóng băng. Đến mức hầu như chỉ đóng cửa ngồi trong nhà với nhau thôi, nhưng mọi người dường như cũng đi nhẹ nhàng hơn, nói với nhau khẽ khàng hơn. Bởi dường như ai cũng cảm thấy có một mối đe dọa vô hình rất kinh khủng đang rình rập ngoài kia, đang chỉ đợi chờ xông vào phá nát nốt cuộc sống gia đình, chốn trú ngụ bình an cuối cùng của mỗi người.
Trong đêm khuya thanh vắng, thỉnh thoảng rú lên tiếng xe cứu thương chạy hộc tốc cùng tiếng còi vang vọng khắp cõi nhân gian... (Ảnh: Internet)
Từng người hầu như rút sâu vào các suy tư của mình. Một cách vô thức họ cùng nhìn lại, điểm lại cách sống vừa qua. Hình như ai cũng thấy mình đã sống gấp gáp quá, vội vã quá. Thậm chí là điên cuồng. Điên cuồng làm việc, ăn, chơi, hưởng thụ… không nghĩ đến ngày mai. Đến khi ngồi yên lặng trong bốn bức tường nhà, nghe thời gian ngưng lại ngoài kia, thấy quả thực có những tham lam, sân si vô nghĩa. Trước mối đe dọa lớn nhất của con người là sinh mạng, là cuộc sống cả xã hội, mới thấy nhiều cái sự tham sân si xưa thực sự là vô nghĩa. Thấy những tham vọng hào nhoáng thực ra chẳng đáng giá bao nhiêu. Và bỗng thấy những điều bình thường của cuộc sống thật sự vô giá làm sao…
Nhưng đến đêm, nếu bạn ở trong những khu vực cách ly phong tỏa thời gian đó, bạn mới thực sự cảm thấy hết cái tàn khốc của bệnh dịch. Trong đêm khuya thanh vắng, thỉnh thoảng rú lên tiếng xe cứu thương chạy hộc tốc cùng tiếng còi vang vọng khắp cõi nhân gian. Lạnh người. Khiến người ta rùng mình đóng chặt thêm cửa phòng, rồi mở mạng đọc báo, lướt "phây". Một thế giới thông tin tràn ngập những cảnh tang thương đau đớn trong dịch bệnh. Nhìn những cảnh tượng đó, con người lại càng co lại, mọi nhu cầu dường như giảm bớt tối đa. Thậm chí có lúc người ta còn nghĩ, còn được thở nghĩa là may mắn lắm rồi…
Thế nhưng cuộc sống là một vòng quay bất tận không ngưng nghỉ của đất trời vũ trụ. Hết ngày thì phải đến đêm. Hết Xuân sang Hè, Thu rồi đến Đông, để rồi lại chuẩn bị đón Xuân sang. Không một ai, không một thế lực nào, không một quyết định hành chính nào ngăn cản được điều đó. Cuộc sống vẫn cứ phải vận hành theo quy luật, thời gian vẫn phải trôi. Nên sau những ngưng đọng của thời gian trước, gần đây chúng ta chợt nhận ra cần phải vận hành cuộc sống kinh tế xã hội theo một cách nào đấy phù hợp với cái gọi là điều kiện "bình thường mới". Chúng ta không thể nào ngăn cản, phong tỏa chết cứng để rồi nhận lãnh hậu quả có khi còn khủng khiếp hơn dịch bệnh gây ra rất nhiều. Con số thiệt hại 37 tỷ đô la mà các cơ quan chức năng đưa ra đã nói lên quy mô tàn phá của nó. Không chỉ là tiền. Nếu kéo dài, nó sẽ là những thiệt hại đổ vỡ về xã hội và chính nhân mạng không tính đếm nổi.
Thật may mắn rốt cuộc đã nhận ra. Nên những ngày cuối năm mùa đông rét mướt, vẫn có những tia nắng vàng rực rỡ. Cuộc sống đang trở lại bình thường dù còn dè dặt. Nhà máy công xưởng đã sản xuất, các hoạt động xã hội đã dần trở lại, đường phố đã trở nên đông vui hơn, không còn mang cái hình ảnh vắng vẻ cô liêu đến mức như siêu thực trước kia nữa. Con người ta gặp nhau đã nhìn thấy nhiều hơn những nụ cười trên môi, ai nấy đều đang hy vọng được trở lại một cuộc sống bình thường trong dòng đời sôi động. Ai nấy đều mong không bao giờ phải trải nghiệm lại cái quãng thời gian mà cuộc sống hầu như ngưng đọng ấy nữa…/.