Aa

Tết xong, mới nói chuyện Táo

Thứ Hai, 17/02/2020 - 06:30

Mới nhất, người ta chế ra một cái "máy" thả cá. Chỉ cần đổ cá vào miệng phễu, cá sẽ theo đường ống tuột xuống sông...

Cái tín hiệu thông báo Tết sắp về là việc người người nhà nhà cúng ông Công ông Táo. Những ngày ấy chợ bán đầy cá. Những năm gần đây, cá chép đỏ lên ngôi, đỏ lòe cả chợ ngày 22, 23, mặc dù đây là giống cá mới vào nước ta, chứ xưa nay, vẫn chỉ loại cá chép cũ, vẩy ánh bạc lưng đen, đuôi hoe đỏ chứ làm gì có loại đỏ toàn thân thế, vậy nên, nếu cụ Táo có muốn lên thiên đình, nhìn thấy phương tiện lạ, chưa chắc cụ đã dám đi.

Thêm nữa, không phải ai cũng biết ông Công ông Táo là gì. Bây giờ cũng đang cãi nhau loạn xạ là sao lại ghép hai ông này với nhau, trong khi ngày xưa chỉ nói tới ông Táo, ngày 23 là ngày Táo lên chầu trời.

Và quả là, rất nhiều người cúng 23 tháng Chạp, tiễn Táo lên trời nhưng... không biết Táo là ai. Thấy người ta cúng thì mình cũng cúng. Search bài cúng trên mạng, hoặc thậm chí ra chợ hỏi mua đồ cúng Táo, thế là người bán đưa cho trọn bộ, trong đó có cả... bài cúng, cách thức cúng, ngoài đồ hàng mã ấy thì còn những gì. Tết mà, Táo mà, nói bao nhiêu trả bấy nhiêu. Nên hàng mã phát triển... phi mã là thế.

Những năm gần đây, cá chép đỏ được các gia đình ưa dùng vào ngày cúng ông Công ông Táo. (Ảnh: Internet)

Ngày xưa, hồi tôi còn nhỏ ấy, lang thang sau foocbaga xe đạp của ba mẹ sơ tán hết vùng này đến vùng khác ở miền Bắc thời chiến tranh phá hoại, ở nhờ rất nhiều nhà dân, cái mà tôi còn nhớ là, các nhà nông thôn ngày ấy không có bàn thờ ông bếp như bây giờ hầu như nhà ai cũng có.

Bếp hồi ấy là những gian rất nhỏ vuông góc với nhà chính tạo thành chữ L, thường liền với chuồng bò chuồng lợn, rất ít nhà có bếp riêng. Đồ để nấu là rơm hoặc rạ. Mỗi khi nấu thì ra cây rút vào. Thường người đảm thì ước lượng thời gian nấu để rút một lần là đủ, bởi đang nấu mà thiếu thì chỉ có thể nhờ người khác đi rút chứ mình không thể bỏ bếp mà đi được.

Rơm rạ với nhà nông nó như bếp ga với nhà phố bây giờ. À mà còn hơn thế, bởi nó còn là thức ăn dự trữ cho trâu bò, là thứ để lợp nhà, để trộn với bùn trát tường, để bỏ vào chuồng trâu, chuồng lợn làm phân, nhiều việc lắm. Cây rơm còn là chỗ các cặp tình nhân nông thôn chui vào tâm sự...

Nấu rơm rất vất vả, không quen không nấu được. Đồ lề đi kèm để có thể nấu là cái que cời và cái ống thổi. Anh nào sứt môi hoặc rụng răng cửa mà thổi lửa thì chết cười.

Một món nữa luôn được bếp ban tặng là... bụi, chính xác là tro. Thôi thì đầy đầu đầy áo, nấu xong bữa cơm, người vụng sẽ có mái tóc trắng như tóc bạc...

Tóm lại, nếu trí nhớ của tôi vẫn ổn, thì ở các vùng nông thôn miền Bắc thời ấy tôi không thấy bàn thờ ông Táo.

Giờ, xài bếp từ, bếp hồng ngoại, tình hình là cũng khó có chỗ cho Táo trú ngụ. Ngay nhà tôi, sau khi nghiên cứu mọi nhẽ, tìm tòi đủ thứ vẫn không có chỗ đặt ban thờ ông bếp, bèn phán vợ: Không cần làm ban thờ, mà ngày 23 mình cúng lập bàn thờ mới, và cúng cả trên bàn thờ chính nữa. Sang năm lại mần như thế...

Cúng xong thì đi... thả cá. Năm nào đấy, có hai cái chết thương tâm xung quanh việc thả cá để ông Táo cưỡi lên trời bẩm báo Ngọc Hoàng, của một chị phụ nữ đi thả cá và đặc biệt là cháu sinh viên về quê ăn Tết đã cứu được cả ba mẹ con cô giáo, còn mình thì chết. Cái chết này đã gây xúc động rất mạnh trong cộng đồng.

Các sinh viên cầm biển vận động "Thả cá đừng thả túi nilon" trên cầu Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Internet)

Ấy là chưa kể bao nhiêu thói xấu của người Việt lộ hết ra ở đấy: Vất cả bao nilon xuống sông. Rất thành kính nhưng thậm chí thả cá thì không thèm mở miệng túi. Gọi là thả cá nhưng có khi thả vào... bể. Rồi người thả cứ thả, người bắt cứ bắt, bắt công khai ngay trước mắt người thả, bằng xiệt điện, như hài kịch Pháp cộng bi kịch Anh cộng lại...

Tóm lại nó tồn tại đầy chất bi ai hài hước. Và cá thả ngày 23 là để ông Táo cưỡi chứ không phải phóng sinh, thế nhưng có những người mua cả tạ cá để phóng sinh. Cá muốn sống phải có kỹ thuật nuôi thả, chứ mua cá bán ở chợ rồi thả thì 10 con chết 9 là cái chắc. Chưa kể dân xiệt điện, như nói ở trên, coi đấy là mùa thu hoạch. Mà đa phần cá bán để mua về thả cho Táo cưỡi là cá nhỏ, tầm hai đến ba ngón tay, trong khi Táo, đường đường là những vị bệ vệ, cứ nhìn đôi hia với bộ quần áo mũ mão bán ngoài chợ mua về cho các ngài mặc thì biết, vậy thì các ngài cưỡi thế nào?

Mấy năm nay có hành động đẹp, là các cháu sinh viên, mặc áo mưa giữa rét buốt mưa phùn, 23 tháng Chạp ngoài Bắc rét lắm, đứng ôm biển: "Thả cá không thả túi nilon". Mới nhất, người ta chế ra một cái "máy" thả cá. Chỉ cần đổ cá vào miệng phễu, cá sẽ theo đường ống tuột xuống sông...

Thế tức là, có hẳn một công nghệ cho Táo lên chầu trời. Dân gian cũng hay dùng từ "chầu trời" để chỉ người chết, hoặc định kết liễu động vật nào đấy "cho nó chầu trời". Ở đây, cá chép đưa ông Táo lên chầu trời mang ý nghĩa khác...

Tết xong mới nói chuyện Táo, nhưng nó lại không chỉ Táo...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top