Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xác định là một trong những động lực quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng đồng bộ về giao thông và các khu công nghiệp, cùng cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng, Thái Nguyên được đánh giá là một trong những địa phương thu hút vốn FDI hiệu quả nhất trong số các tỉnh miền núi phía Bắc.
“Đầu tàu” Samsung
Bắt đầu thực hiện dự án FDI đầu tiên vào năm 1993, Thái Nguyên đã có bước tiến dài trong lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu tư quan trọng này. Hiện nay, toàn tỉnh có 211 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng mức đăng ký đầu tư 10,72 tỷ USD.
Có thể thấy, việc thu hút vốn FDI của Thái Nguyên được chia thành hai giai đoạn. Từ năm 1993 đến 2012, trung bình mỗi năm, tỉnh chỉ cấp giấy phép cho một vài dự án, quy mô vốn cũng tương đối hạn chế. Bước đột phá bắt đầu từ năm 2013, khi Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) quyết định triển khai Tổ hợp công nghệ cao Samsung chuyên sản xuất điện thoại di động và sản phẩm điện tử tại Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên).
Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) được thành lập với vốn đầu tư ban đầu 2 tỷ USD. Chỉ sau một năm, SEVT đã nâng quy mô vốn thêm 3 tỷ USD. Liên tục sau đó, Samsung đầu tư các dự án mới và tăng cường mở rộng quy mô sản xuất tại Thái Nguyên. Cho đến thời điểm hiện tại, số vốn đầu tư của Samsung tại Thái Nguyên đã đạt trên 7,5 tỷ USD (chiếm khoảng 70% tổng số vốn FDI còn hiệu lực trên địa bàn).
Sau hơn 10 năm, SEVT đã trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới, với tổng cộng gần 1 tỷ sản phẩm. Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam khẳng định: Việc đầu tư xây dựng nhà máy tại Thái Nguyên là lựa chọn sáng suốt. Chính phủ Việt Nam đã có chính sách thu hút cởi mở và nhiều hỗ trợ để Samsung hoạt động hiệu quả.
Còn ông Lee Jae Yoon, Giám đốc phụ trách mua bán hàng và xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV) nhấn mạnh: Trong năm 2023, mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nhưng nhờ sự hỗ trợ, đồng hành của tỉnh Thái Nguyên nên SEMV đã phục hồi như trước khi có dịch COVID-19, thậm chí còn tăng sản lượng. Công ty mở rộng thị trường sang Trung Quốc và Hoa Kỳ, doanh thu cả năm đạt 1,9 tỷ USD, cao hơn 20% so với năm 2022.
Với vai trò “đầu tàu” trong khối các doanh nghiệp FDI trên địa bàn, Samsung có đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu ngân sách của tỉnh. Trong năm 2023, cả 2 công ty của Samsung tại Thái Nguyên đều nằm trong top 10 doanh nghiệp nộp ngân sách nhiều nhất. Cụ thể, SEVT đứng đầu với số tiền thuế là 4.183 tỷ đồng và SEMV đứng thứ 4 với 442,5 tỷ đồng.
Tạo hiệu ứng lan tỏa
Nhờ sự dẫn dắt, hiệu ứng thu hút đầu tư từ Samsung - tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới, nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ cho Samsung và các nhà đầu tư FDI khác đã lựa chọn Thái Nguyên là "bến đỗ" để xây dựng nhà máy.
Công ty TNHH KSD Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy) là một trong những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ đầu tiên cho Samsung tại Thái Nguyên, với sản phẩm chủ lực là sạc điện thoại di động. Hiện nay, Công ty có khoảng 1.100 lao động.
Đại diện Công ty TNHH KSD Vina cho biết: Trong quá trình triển khai dự án, đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền và các cơ quan chuyên môn của tỉnh. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị luôn ổn định, kể cả trong bối cảnh kinh tế những năm gần đây có nhiều yếu tố bất lợi. Mức thu nhập bình quân của người lao động trong Công ty đạt 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, từ đầu năm 2021, Tập đoàn Trina Solar (Trung Quốc) đã quyết định triển khai Dự án Nhà máy phát triển năng lượng tại Thái Nguyên, với tổng mức đầu tư 203 triệu USD. Nhà máy chuyên sản xuất tấm tế bào quang điện (pin năng lượng mặt trời) và tấm module năng lượng mặt trời, với quy mô trên 594 triệu sản phẩm/năm.
Nhận thấy Thái Nguyên là địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi, Tập đoàn Trina Solar tiếp tục triển khai Dự án Công ty TNHH Trina Solar Wafer (Việt Nam) có tổng mức đầu tư 275 triệu USD, mục tiêu là sản xuất thanh silic đơn tinh thể và tấm silic đơn tinh thể; quy mô sản xuất trên 643 triệu sản phẩm/năm. Hiện nay, cả 2 nhà máy này có hơn 3.000 lao động; sản xuất theo quy trình công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Cuối năm 2023, Tập đoàn Trina Solar đã đề xuất đầu tư thêm 420 triệu USD cho giai đoạn 3 của dự án vào Thái Nguyên - đây là mức đầu tư lớn nhất của tập đoàn này tại nước ngoài đối với lĩnh vực quang điện.
Sự có mặt của các doanh nghiệp FDI đã giúp kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên bứt phá ngoạn mục, tạo việc làm cho khoảng 100.000 lao động; đưa ngành công nghiệp của tỉnh tăng trưởng nhanh về tốc độ và giá trị, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh cũng thúc đẩy chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực và có tác động lan tỏa công nghệ nhất định tới khu vực doanh nghiệp trong nước.
Với chính sách cởi mở, thông thoáng và đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn chủ động thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư; thường xuyên đối thoại, chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp… sẽ giúp thu hút thêm nhiều dự án FDI vào địa bàn.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt 27,1 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm trên 95%. Toàn tỉnh có 41 dự án FDI được cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 253,38 triệu USD; 17 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 136,23 triệu USD.