Aa

Thận trọng với cuộc chơi tiền tệ

Thứ Hai, 11/11/2019 - 06:15

Thị trường ngoại hối quốc tế lẫn trong nước đang có những diễn biến đầy bất ngờ trong thời gian gần đây.

Hoạt động đầu cơ ngoại tệ tận dụng chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ, nếu được lựa chọn, cần rất thận trọng trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ quá dồi dào.

VPBank đã phát hành thành công 300 triệu đô la trái phiếu vào giữa tháng 7/2019. Ảnh: Thành Hoa

Có kích hoạt đầu cơ đô la Mỹ?

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết bất ngờ giảm tới 17 đồng trong tuần trước, rớt xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 9 đến nay và chốt tại 23.138 đồng tính đến ngày 1/11. Nếu xét riêng trong tháng 10, tỷ giá trung tâm cũng giảm 16 đồng, đánh dấu tháng đầu tiên giảm trong 18 tháng qua.

Nguyên nhân chính được cho là đô la Mỹ liên tiếp giảm sâu trên thị trường quốc tế khi giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ lần thứ ba liên tiếp giảm lãi suất cơ bản trong cuộc họp cuối tháng 10 và thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Chỉ số USD Index duy trì sáu phiên đi xuống liên tiếp trong tuần từ ngày 27/10 đến 1/11, rớt từ mốc gần 98 điểm về tận vùng gần 97 điểm, thấp nhất kể từ giữa tháng 7 đến nay.

Trong một diễn biến khác, lãi suất vay mượn tiền đồng giữa các ngân hàng trên thị trường 2 (liên ngân hàng) liên tiếp giảm sâu và đã rớt về thấp hơn cả lãi suất vay đô la Mỹ kể từ tuần bắt đầu ngày 14/10 ở một số kỳ hạn ngắn. Nếu như trước đây, điều này có thể kích thích các ngân hàng vay tiền đồng với lãi suất thấp để chuyển sang mua đô la, vừa cho vay với lãi suất cao hơn để ăn chênh lệch lãi suất, vừa chờ thời cơ đô tăng giá để kiếm lợi nhuận ở cả hai đầu. Nhưng với thực tế hiện nay thì không có nhiều thuận lợi cho một chiến lược kinh doanh như thế.

Cụ thể giá mua bán đô la Mỹ tại các ngân hàng và thị trường tự do vẫn đứng yên trong thời gian qua, cho thấy hiện tượng các ngân hàng đầu cơ đô la Mỹ chưa xảy ra. Đơn cử như tại Vietcombank - ngân hàng mạnh nhất về kinh doanh ngoại tệ, giá mua đô la tính đến cuối tháng 10 vẫn ổn định ở mức 23.145 đồng, giảm 15 đồng so với tháng trước và không thay đổi so với đầu năm. Giá bán ra vẫn giữ chênh lệch 120 đồng tại 23.265 đồng, tăng nhẹ 5 đồng so với tháng trước và chỉ tăng 20 đồng so với đầu năm nay. Trong khi đó, giá giao dịch trên thị trường tự do thậm chí còn giảm mạnh hơn, từ 50 - 70 đồng so với đầu năm.

Dù lãi suất tiền đồng đã rớt về thấp hơn lãi suất đô la nhưng mức chênh lệch vẫn rất thấp, nên chưa đủ mức hấp dẫn để kích hoạt làn sóng đầu cơ của các ngân hàng. Tuy nhiên, nếu chênh lệch này mở rộng thêm trong thời gian tới và ở các kỳ hạn dài hơn, không loại trừ sẽ có những ngân hàng tham gia cuộc chơi.

Rõ ràng thời điểm cuối năm hoạt động nhập khẩu cũng bước vào giai đoạn cao điểm và có thể đẩy cầu ngoại tệ lên cao, diễn biến thường thấy trong giai đoạn trước đây. Ngoài ra, với việc xu hướng giảm lãi suất của Fed có thể sẽ dừng lại sau khi đã giảm đến ba lần trong năm, thì việc kỳ vọng lãi suất không giảm nữa có thể đẩy đô la Mỹ phục hồi trở lại từ mức thấp hiện nay. Với những cơ sở trên, không ít dự báo cho rằng tỷ giá có thể đi lên trong giai đoạn cuối năm nay và do đó càng thêm kích hoạt hành động đầu cơ tỷ giá.

Dù vậy, dự báo cũng chỉ là dự báo và thực tế cho thấy không ít nhà đầu tư đã thiệt hại nặng nề khi tin vào các dự báo. Cần lưu ý là trong chín tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã phải ghi nhận lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm mạnh so với cùng kỳ, hoặc thậm chí lỗ vì dự báo không chính xác diễn biến thị trường ngoại hối trong nước, dẫn đến chiến lược kinh doanh không phù hợp.

Thận trọng với cuộc chơi tỷ giá khi ngoại tệ quá dồi dào

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tổ chức cho rằng tỷ giá đô la Mỹ và tiền đồng trong năm nay sẽ tiếp tục tăng thấp hơn mục tiêu đề ra, cũng như có thể đi ngang trong thời gian còn lại của năm nay.

Nếu nhìn vào diễn biến chỉ số USD Index vẫn đang trong xu hướng giảm từ đầu tháng 10, với tốc độ mất giá gần 3% từ đỉnh cao gần 100 điểm, thì tỷ giá trong nước cũng khó có thể ngược chiều, nhất là khi NHNN với kho dự trữ ngoại hối đã lên đến 71 tỷ đô la có thể can thiệp bất cứ lúc nào nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ trong nước hiện nay quá dồi dào. Đầu tiên là thặng dư thương mại hàng hóa 10 tháng đầu năm tiếp tục mở rộng lên con số 7 tỷ đô la; thứ hai là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 16,2 tỷ đô la; thứ ba là vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua hoạt động góp vốn mua cổ phần tăng vọt 70,5% so với cùng kỳ, lên kỷ lục 10,8 tỷ đô la và cuối cùng là lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong năm nay, theo Ngân hàng Thế giới, ước đạt 16,7 tỷ đô la, tiếp tục tăng từ mức 16 tỷ đô la trong năm 2018.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, cầu vốn ngoại tệ hiện nay cũng không còn cao khi NHNN đã thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ trong năm nay.

Đáng lưu ý là ngay chính bản thân một số ngân hàng cũng đã và sắp nhận được những nguồn vốn ngoại tệ khổng lồ, giúp thanh khoản ngoại tệ tại các tổ chức này càng thêm dồi dào. Trong tình huống này, việc hệ thống ngân hàng đẩy tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng với lý do áp lực thiếu ngoại tệ càng khó được chấp nhận, nhất là khi báo cáo tài chính quý 3 cho thấy hầu hết các ngân hàng đều đang ở trạng thái ngoại hối dương.

Ngày 30/10, nguồn tin của Ngân hàng Quốc dân (NCB) cho biết trong tháng 7 và 8/2019 vừa qua, Ban lãnh đạo NCB đã có buổi gặp gỡ với hai nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Singapore. Và gần đây nhất, ngày 26/10/2019, NCB đã có buổi làm việc với nhà đầu tư Singapore. Hai nhà đầu tư đều mong muốn tham gia mua cổ phần của NCB trong đợt phát hành cổ phiếu mới nhằm tăng vốn điều lệ của NCB.

Trước thông tin trên, cổ phiếu của NCB trên sàn HNX trong phiên giao dịch ngày 1/11 bất ngờ được khối ngoại mua ròng hơn 14,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 131 tỷ đồng và tương đương với 3,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng này là hơn 406,8 triệu cổ phiếu.

Đến ngày 31/10, BIDV thông báo đã hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ hơn 603 triệu cổ phần, tương đương 15% vốn điều lệ, cho đối tác Hàn Quốc là KEB Hana Bank, với số tiền thu về hơn 20.200 tỷ đồng, xấp xỉ hơn 870 triệu đô la.

Sang ngày 1/11, Hội đồng quản trị Vietcombank có nghị quyết phê duyệt phương án thoái vốn tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI). Vietcombank đang nắm giữ 45% cổ phần tại VCLI, 55% còn lại thuộc sở hữu của BNP Paribas Cardif. Đây là động thái tiếp theo sau khi trước đó, vào cuối tháng 9, thông tin cho thấy tập đoàn FWD sẽ ký thỏa thuận thanh toán khoảng 400 triệu đô la cho Vietcombank về việc phân phối bảo hiểm dài hạn với ngân hàng, với một phần của thỏa thuận trên là FWD sẽ mua lại công ty con mang tên VCLI.

Còn MBBank cũng có kế hoạch bán 7,5% vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian còn lại của năm nay, mà theo lãnh đạo của ngân hàng này, dự kiến sẽ chào bán cho một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài, và họ không nhất thiết phải là cổ đông chiến lược của ngân hàng.

Bên cạnh hoạt động chào bán vốn cổ phần, một số ngân hàng cũng thu hút được vốn ngoại tệ qua con đường phát hành trái phiếu ngoại tệ. Sau khi VPBank phát hành thành công 300 triệu đô la trái phiếu vào giữa tháng 7, thì SHB vào cuối tháng 8 cũng cho biết có kế hoạch phát hành 500 triệu đô la trái phiếu quốc tế.

Mới đây, vào giữa tháng 10, đến lượt SeABank cũng cho biết đang lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành tối đa 400 triệu đô la trái phiếu ra thị trường quốc tế. Hay như trước đó vào đầu tháng 6, TPBank cũng lên kế hoạch phát hành 200 triệu đô la trái phiếu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top