Cứ mỗi độ tháng 5 âm lịch, mẹ tôi thường chuẩn bị trước vài đấu gạo nếp cẩm, đồ chín và ủ một mẻ rượu nếp. Mấy hôm sau là thơm lừng khắp nhà. Mùi ngọt thơm của lúa gạo và nồng nồng của rượu khiến mùa hè như có thêm một hương vị mới mẻ. Mà chẳng riêng gì rượu nếp. Thức gì mẹ tôi nấu, tôi cũng đều thấy ngon và nhớ mãi. Mẹ tôi tính tình thường tỉ mỉ, chu toàn và cẩn trọng, nên thức nào, món nào mẹ nấu cũng đậm đà. Hương vị của món ăn phảng phất sự ngọt lành, thơm thảo. Tôi nghĩ, đó là thứ ngọt lành của quê hương được chắt chiu cùng thương lo của mẹ mà thành. Thế nên, lúc gần hay xa, khi còn bé hay tóc đã nhiều sợi bạc, tôi vẫn thường nhớ nhất, thích nhất và thấy hạnh phúc nhất là được ăn những món do mẹ tự tay chuẩn bị.
Lại nói lại về chuyện mùng 5 tháng 5, ở làng tôi đúng là dịp chuẩn bị và đón một cái Tết thực sự. Quê tôi có tục lên rú hái lá mùng 5 và có món “nước lá mùng 5” rất đặc biệt. Người xứ Quảng Trị, quanh năm thường uống thức lá này. Cứ chừng đầu tháng 5 âm lịch, mọi người trong làng bắt đầu rủ nhau lên rú để hái lá mùng 5 và thắp hương phần mộ tổ tiên ở trên rú.
Người tay liềm, tay nón, ai cũng mang về được 1 ôm lá. Mẹ tôi bảo, ngày mùng 5, lúc chính ngọ đi hái lá mà nếu hái cho đủ được 100 loại lá trên rú để nấu nước thì nước ấy chữa bách bệnh. Thế nên, đi hái lá mùng 5 không còn chỉ là một lệ, mà là một niềm vui. Người làng quê tôi còn gửi gắm vào nó cả một niềm mong mỏi về đời sống an lành. Lá từ rú hái về được đem về chặt ra thành từng đoạn chừng hai đốt tay, phơi khô độ 2 đến 3 nắng giữa hè thế này là bỏ túi dùng dần cả năm được.
Khi nào muốn uống thì chỉ cần rửa sạch, bỏ vào nấu sôi khoảng 5 phút là được. Năm nào, dù bận việc hay đi đâu ở đâu, tôi cũng muốn về quê dịp này. Nhớ quê, nhớ rú và nhớ nước lá mùng 5 ngái ngái thơm mùi của quê hương. Nước lá mùng 5 có màu vàng nhạt. Mùa đông, uống một bát nước lá mùng 5 là ấm bụng, cảm thấy chắc dạ, khỏe người. Mùa hè, cũng là bát nước lá mùng 5 ấy, ta lại cảm thấy được thanh nhiệt, dễ chịu vô cùng.
Nhiêu đó, nhưng cũng mới là một phần để chuẩn bị cho ngày Tết Đoan Ngọ ở quê tôi. Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, nhà nhà thường giục con cháu tắm gội sạch sẽ, người lớn dọn dẹp và chuẩn bị bánh trái hoa quả để thắp hương trên ban thờ gia tiên nhà mình, sau đó sẽ cùng nhau thụ lộc, ăn rượu nếp, chè, bánh và trái cây.. Ngày này, người ta dành thời gian để tưởng nhớ tổ tiên và đón mừng một tiết mới, một vụ mùa mới.
Đó là Tết Đoan Dương hay còn gọi Tết Đoan Ngọ. Thế còn ngày này trong sử dân tộc Việt. Ca dao có câu:
Tháng năm là Tết Đoan Dương
Nhớ ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang.
Trước đây, khi còn chưa để tâm tìm hiểu về lịch sử hay đúng hơn là cổ sử của dân tộc, tôi chỉ thầm vui với Tết mùng 5, nước lá mùng 5 và các thức ăn ngày này để “diệt sâu bọ”. Dân tộc mình, từ cây cỏ mần trầu, nhọ nồi, ngũ sắc, râu ngô, lá ổi, lá chanh, lá bưởi, lá nào cây nào cũng có dược tính. Nhưng sâu xa hơn, ngày Tết Đoan Dương mùng 5 tháng năm còn là ngày giỗ vị quốc mẫu Âu Cơ của dân tộc Việt, là một ngày lễ trọng đại trong lịch sử của người Việt.
Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể về sự ra đời của trăm người con trai của Âu Cơ: “Tới đầy tuần sinh nở, vào năm Canh Ngọ ngày 5 tháng 5, đúng ban ngày giờ Ngọ, mặt trời chiếu thẳng. Cái thai thần của Âu Cơ chuyển động, rồng mây đầy nhà, ánh sáng loé lên. Trong trướng, hoàng phi sinh ra một bọc ánh như ngọc trắng, hương lạ thơm nức...
Đầy 100 ngày sau khi bào ngọc nở ra trăm trai, có 8 vị tướng xưng là Bát bộ Kim Cương vâng sắc chỉ của Thượng Thiên Chư Phật Ngọc Đế sai xuống trợ giúp... Trời ban cho Hiền Vương một lệnh long bài, một quả bảo ngọc thần ấn, một viên ngọc trắng, một thanh kiếm thần, một quyển sách trời, một chiếc thước ngọc, để trên âu vàng, tất cả đều đặt trong chính điện.”
Vậy là từ Ngọc Phả Hùng Vương, từ đây, ta có một thông tin rõ ràng minh định cho lời ca dao của ông cha truyền lại. Theo như ngọc phả thì ngày Đoan Ngọ 5 tháng 5 chính là ngày mẹ Âu Cơ sinh trăm người con trai ở Phong Châu. Người con trưởng là Hùng Quốc Vương lên làm vua, lập nên nước Văn Lang. Số 5 là con số trung tâm của Hà thư, chỉ thủ lĩnh.
5 là Ngũ, cũng là Ngọ. Do đó giờ Ngọ, ngày Ngọ, tháng Ngọ, năm Canh Ngọ đều có ý chỉ vua, chỉ thủ lĩnh của cộng đồng dân tộc Việt. Đoan là bắt đầu. Đoan Ngọ là ngày vua ra đời hay ngày lập quốc. Ngày Tết Đoan Ngọ như vậy là ngày tế lễ nhớ đến tổ tiên và cầu chúc cho non sông vững bền, một tục lệ đã có từ hàng ngàn năm nay của người Việt.
Ai ai cũng có một ngôi nhà với ban thờ để thờ tổ tiên của nhà mình, và một ngôi làng, nơi có tổ tiên chung là đức Thành Hoàng làng được kính thờ ở “đền - miếu”. Và việc thờ cúng ấy cùng với những tục ngữ, ca dao, những tích cổ được kể lại truyền từ đời này qua đời khác, những lời hát ru về công cha nghĩa mẹ, về nguồn cội hay đạo lý, những ngày lễ, tết của xóm làng, những tục lệ được lặp lại qua thời gian, v.v... tất cả đều là cách để tiền nhân của chúng ta nhắc nhớ cho con cháu mình, huân tập cho con cháu mình một nếp sống quy hướng về nguồn cội.
Dân tộc Việt Nam ta quan niệm thấy đó là một trọng trách thiêng liêng cao cả cần gìn giữ lưu truyền. Cũng như ca dao, tục ngữ, cũng như những tích cổ hay những tiết lễ, những tục lệ còn lại, thần tích, ngọc phả là những dấu chỉ để cháu con chúng ta hôm nay dần hiểu thêm về nguồn cội dân tộc mình.
Trước kia, tôi chưa biết ý nghĩa trọng đại của ngày mùng 5 tháng 5, tôi chỉ cùng theo thầy, theo mẹ, theo người làng mình mà tiếp nối và vui với điều đó... Nhưng nay hiểu rồi mới lại thêm kính, thêm trân quý biết bao nếp sống mà ngày nay chúng ta còn đang được kế thừa. Đó là nếp sống của một dân tộc luôn dặn dò nhau và dặn dò cháu con nhớ “thắp sáng lòng biết ơn và ý thức về nguồn cội”. Thế nên, tháng 5, Tết Đoan Ngọ diệt sâu bọ, xin chớ quên đó còn là một ngày đặc biệt, là ngày “giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang”./.