Aa

Tháng 8 mùa sim, mùa sim đã chín

Thứ Bảy, 21/08/2021 - 06:00

Mùa sim, với những người lớn lên từ vùng quê như tôi mãi mãi là mùa của nhung nhớ, tương tư.

Tôi là đứa trẻ nghịch ngợm. Thuở bé ở chân rú Nghèn nơi nào có bụi sim, bụi mua đều biết. Rú Nghèn thời hoang sơ thật đẹp. Trẻ con thả tru (miền Bắc gọi là trâu), thả bò..., chơi đủ trò đánh đáo, đánh khăng, ô ăn quan, chia phe đánh giặc giả, trọi trúc cúi (trọi đầu gối), trèo lên rú bắt ong, hái sim. Có cả trộm dứa, trộm mít của vườn nhà ông Ca, ông Huyền...

Tháng 8 này mùa sim chín. Sim chín được bắt chéo một vạt áo lên đựng. Khi nắng cảy trôốc mới xuống rú. Cả bọn ùa xuống mấy cái khe nhỏ, vừa qua trận mưa nước chảy róc rách tắm táp và nằm ngửa ra vạt cỏ thưởng thức “thành quả”. Lúc ấy chẳng biết trời Can Lộc quê nhà xanh thế nào? Sau này mới có bài hát có câu “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc” (trích Người con gái sông La, nhạc Doãn Nho).

Sim là mùa ký ức. Ngày xưa bà con quê tôi đã biết hái sin chín bán ngoài chợ. Chợ Nghèn mùa tháng 7, tháng 8 các bà bán từng thúng sim chín mọng. Trên từng thúng, các bà có chiếc lon tận dụng vỏ hộp sữa ông Thọ, hoặc bát ăn cơm, bát gỗ làm dụng cụ đo lường. Mỗi lon 2 xu. Sim, cậy, tầm táo (có nơi gọi là quả keo giậu), bánh đa, bánh đúc... là hàng quà, sẵn chợ quê.

Mỗi bữa đi chợ mẹ thường mua một thứ về thưởng công tôi trông em. Tôi chờ đợi nhất là bơ sim chín. Ai đó nói rằng, những trái sim tím như chắt lọc vị đất, màu nắng và hương gió để tạo cho đời những dư vị ngọt ngào đẹp nhất của thôn quê yên bình. Quả đúng là ngọt ngào.

“Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím/ Áo nàng màu tím hoa sim” (Ảnh sưu tầm)

Mẹ vừa kịp thả cái thúng bên hông - dụng cụ mang đi chợ ngày trước ở làng quê, xuống đất là anh em tôi nhào đến. Mẹ chưa nói đã biết có sim. Sim chín thơm lừng, không dấu được. Đón sim từ tay mẹ, cứ thế mà thả vào miệng từng quả. Chao ơi ngọt! Chao ơi, vừa ngọt, vừa thơm! Sim không như quả khác phải bóc tách, gọt vỏ. Chỉ cần vặt cái tai phía đầu quả là chén. Thường quả chín mọng, tai cũng đã rụng trong quá trình thu hái, đưa ra chợ quê. Sim có hạt, bé tí, hơi chát xít tí tẹo thôi, ăn cả vỏ, cả hạt.

Sau này lớn lên, bàn chân được đi xa hơn tôi mới biết vùng Thượng Can gồm các xã như Trung Lộc, Đồng Lộc, Sơn Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc..., cơ man nào là sim. Sim yêu đất đồi, mọc thành nhiều cụm, nhiều gốc, dần dần cả đồi mọc toàn sim. Sim như người dân quê tôi, như người miền Trung cho dù nắng mưa khắc nghiệt vẫn kiêng cường bám rễ vào lòng đất nghèo nàn, cằn cỗi để sống một cách lặng lẽ, âm thầm. Nhiều khi tôi nghĩ, sim như phẩm chất thủy chung của người dân xứ sở. Hoa bời bời tím, quả nung núc tím.

Thường đầu hè, sim ra hoa. Khi rộ từ thân cành cho đến đầu ngọn, mọc chi chít những nụ là nụ. Khi sim trổ hoa, đồi núi có những ngày tuyệt đẹp, cả khu rừng bao bọc toàn hoa sim. Có lẽ vì hoa màu tím nên hoa sim là biểu tượng mà nhiều đôi trai gái miền quê dùng để bày tỏ tình cảm và cũng là biểu tượng của sự chung thủy “Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím/ Áo nàng màu tím hoa sim”, (Màu tím hoa sim, thơ Hữu Loan).

Sau vài tuần trổ hoa, sim kết trái, quả sim nhỏ như hình con quay gỗ nằm chi chít trên thân cành. Mấy ngày sau, màu hung hung tim tím lộ dần từ cuống quả. Và cũng chỉ đôi ba ngày, màu tím bao khắp vỏ quả sim. Mùa quả ngọt nơi núi đồi đã về đúng hẹn. Mùa sim chín, quả nhiều không kể xiết. Sim càng mọc ở trên núi càng ngọt.

Mùa sim, với những người lớn lên từ vùng quê như tôi mãi mãi là mùa của nhung nhớ... (Ảnh sưu tầm)

Ở quê, sim được coi là một loài cây nam dược quý, nhiều công dụng, có thể dùng tươi hay khô đều được. Người dân vẫn thường mang cây sim về nhà lấy quả, rễ thái nhỏ, phơi khô dành làm thuốc. Những đứa trẻ đi rừng lấy củi chẳng may bị liềm cứa đứt tay, chỉ cần lấy lá sim non nhai nát, đắp vào vết thường cầm máu.  

Hơn mười năm trước sim chín cũng chỉ hái để bán ngoài chợ làm hàng quà. Rồi, không hiểu ai “phát minh” ra quả sim dùng ngâm rượu. Rượu sim uống trong nhà, làm quà tặng, cung cấp cho các nhà hàng ẩm thực. Từ đó sim lên giá. Mỗi vụ sim cữ này, nhân nông nhàn, chịu khó lên rừng hái sim cũng thu hoạch được dăm triệu, thêm vào tiền học hành, mua đồ dùng học tập cho con trẻ. Nói thế, nhưng không dễ, đồi núi bây giờ không còn là của chung, đất đồi đều có sổ hồng, sổ đỏ nên tìm những đồi sim chưa có chủ để hái là chuyện không dễ dàng.

Sim đi vào thơ ca nhạc họa. Mấy ai không thuộc bài thơ “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan cơ chứ?

“Chiều hành quân

Qua những đồi hoa sim

Những đồi hoa sim

những đồi hoa sim dài trong chiều không hết

Màu tím hoa sim

tím chiều hoang biền biệt”

(Màu tím hoa sim, thơ Hữu Loan)

Tâm trạng anh bộ đội hành quân qua những đồi sim, nhớ em gái nhỏ hậu phương, nhớ đồi sim quê nhà nơi họ đã trao gửi tình yêu thật man mác, cảm xúc.

Tác phẩm này đã tạo nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ sáng tác nên nhiều ca khúc về sim, có thể kể đến: "Áo anh sứt chỉ đường tà" (Phạm Duy); "Chuyện hoa sim", "Tím cả chiều hoang" (Anh Bằng); "Màu tím hoa sim" (Duy Khánh & Trọng Khương); "Những đồi hoa sim", (Dzũng Chinh).... Còn nhiều nữa.

Quê hương tôi là vùng bán sơn địa, từ làng ra xã, từ xã ra huyện, tháng 7, tháng 8 về đâu cũng có sim chín. Cả một vùng Trà Sơn chỉ có sim chín và cam vàng. Sau này tôi có viết:

Anh gói gửi em chằng buộc nhớ nhung

bông cỏ thẹn bờ đê khoe sắc tím

tháng 7 mùa sim, mùa sim đã chín

cam trà sơn mọng tép ươm vàng

(Anh gói gửi em)

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Sâm đã phổ nhạc thành bài hát “Gửi em tất cả quê hương” (ca sỹ Trần Lực, Đoàn ca nhạc Quân khu 4 đã thu âm).

Mùa sim, với những người lớn lên từ vùng quê như tôi mãi mãi là mùa của nhung nhớ, tương tư./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top