Lời tòa soạn:
Có ý kiến cho rằng trong thời gian qua, để trúng thầu dự án, hiện tượng dùng xã hội đen "vây thầu" đang làm nhức nhối dư luận. Vấn nạn này không chỉ diễn ra ở phạm vi một tỉnh mà đã lan rộng ra nhiều địa phương trên cả nước. Dư luận bức xúc đặt câu hỏi, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu, khi một bộ phận doanh nghiệp ngang nhiên dùng "xã hội đen" để "vây thầu"?
Vụ việc có dấu hiệu như vậy tại Dự án đường giao thông vào Khu di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong (Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) là một minh chứng điển hình, đồng thời để lại bài học quản lý trong lĩnh vực đấu thầu.
Một số đơn vị phản ánh, họ bị nhiều thành phần lạ mặt, nghi vấn là xã hội đen "vây thầu" Dự án đường giao thông vào Khu di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành. Điều đáng nói là hiện tượng này diễn ra ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật, ngay tại chốn "công đường".
Một số nhà thầu cho biết, họ bị nhóm thanh niên lạ mặt "làm khó" khi đi mua hồ sơ mời thầu bằng cách "mời" nhà thầu ra khỏi trụ sở để... nói chuyện. Xung quanh khu vực mua bán hồ sơ mời thầu, họ bắt gặp nhóm thanh niên xăm trổ với thái độ không mấy thân thiện. Có cảm giác như nhóm thanh niên này sẵn sàng “nắn gân” khi có nhà thầu nào đó tỏ thái độ hoặc quyết tâm mua bằng được hồ sơ của gói thầu trên?
Trong vai một người đi mua hồ sơ thầu, chúng tôi quyết định thâm nhập thực tế để kiểm chứng thông tin doanh nghiệp đi mua hồ sơ mời thầu cung cấp trước đó.
Tại cổng UBND huyện Thạch Thành, sau khi thực hiện thủ tục đăng ký nội dung làm việc tại cổng, bảo vệ cơ quan hướng dẫn chúng tôi sang phòng tiếp công dân - nơi bán hồ sơ dự thầu. Tại đây, chúng tôi được cán bộ phòng tiếp công dân hướng dẫn các thủ tục mua hồ sơ dự thầu và đề nghị chờ để lấy kết quả. Theo quan sát, bên ngoài phòng tiếp công dân lúc này lãng vãng một số thanh niên lạ mặt. Những thanh niên này quan sát chúng tôi trong suốt quá trình làm thủ tục mua hồ sơ mời thầu.
Không ngoài dự đoán, trong lúc chờ đợi mua hồ sơ, một trong số thanh niên lạ mặt lân la vào phòng chờ tiếp dân, chủ động bắt chuyện, dò hỏi các thông tin của đơn vị đi mua hồ sơ dự thầu. Thanh niên lạ mặt này tự xưng là người đi mua hồ sơ tham gia gói thầu nói trên sau khi chúng tôi gặng hỏi...
Nhận thấy vẻ sốt ruột của chúng tôi trong quá trình chờ đợi mua hồ sơ mời thầu, thanh niên này "mời" chúng tôi ghé quán nước bên đường để nói chuyện cho đỡ buồn. Anh bạn doanh nghiệp đi cùng tôi lúc này tỏ ra khá lúng túng trước lời mời gọi của thanh niên lạ mặt, bởi trong tay chưa cầm được hồ sơ dự thầu.
Để chắc ăn, trước khi đi cùng thanh niên kia, anh bạn tôi không quên căn dặn cán bộ tiếp dân: "Khi nào có hồ sơ thì báo cho chúng tôi một tiếng". Vị cán bộ tiếp dân trạc tuổi 30 gật gù, đồng ý rồi "khuyên" chúng tôi nên nói chuyện với thanh niên lạ mặt kia trước khi nhận hồ sơ mời thầu: "Các anh cứ ra ngồi nói chuyện đi rồi tí nữa xong việc quay lại lấy hồ sơ".
Tại quán nước bên đường, chúng tôi gặp nhóm thanh niên 4 người, xăm trổ đang chờ sẵn. Họ tự giới thiệu là nhân viên của một công ty có trụ sở tại TP. Thanh Hóa đang đi mua hồ sơ dự thầu. Người đàn ông tên N. tự xưng là chủ một doanh nghiệp có tiếng (Doanh nghiệp T.Đ) trên địa bàn chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có mặt sau khi nhận được thông tin chúng tôi đến mua hồ sơ dự thầu.
Sau một hồi dò la tên tuổi, quê quán, đơn vị công tác, người đàn ông tự xưng là chủ doanh tiết lộ, đơn vị ông đang tham gia gói thầu nêu trên, đồng thời không quên "than nghèo, kể khổ" trong quá trình tham gia gói thầu này và mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ từ phía doanh nghiệp khác.
Một thông tin được cho là đáng chú ý do nhóm thanh niên lạ mặt cung cấp đó là, dự án trên có sự "góp mặt" của lãnh đạo (huyện - PV). Khi chúng tôi thử buông lời đề nghị với người đàn ông tên N. về việc "chia thầu", vị chủ doanh nghiệp từ chối với lý do: "Cái này phải do các sếp chứ bọn anh chịu”.
Tiếp đó, vị chủ doanh nghiệp này đề nghị chúng tôi nhường lại gói thầu cho nhà thầu địa phương, không tham gia "đấu" nữa, đồng thời chỉ đạo nhóm thanh niên ngồi cùng bàn chi tiền "xăng xe", bù đắp chi phí đi lại mua hồ sơ thầu cho các nhà thầu. Trước những lời mua chuộc, dẫn dụ của nhóm người này, chúng tôi tìm lý do để rời đi sau ít phút nhằm đảm bảo an toàn, đồng thời bỏ dở việc thực hiện mua hồ sơ mời thầu.
Trước những dấu hiệu lạ từ việc mua bán hồ sơ dự thầu tại huyện Thạch Thành, chúng tôi đã cung cấp thông tin này tới lãnh đạo huyện Thạch Thành và Ban Quản lý Đầu tư xây dựng huyện Thạch Thành, đồng thời đề nghị chỉ đạo làm rõ. Trước đề nghị của PV, ông Phạm Đình Minh, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành đồng ý để chúng tôi trao đổi với Ban Quản lý Đầu tư xây dựng huyện Thạch Thành về dự án nêu trên.
Về những dấu hiệu bất thường khi tham gia mua hồ sơ dự thầu tại Dự án đường giao thông vào Khu di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong, ông Trịnh Cửu Long, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư xây dựng huyện Thạch Thành khẳng định, việc mua bán hồ sơ gói thầu nêu trên được thực hiện hết sức chặt chẽ: "Sắp đại hội nên chúng tôi rất cẩn thận. Chủ tịch huyện rất quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt để không gặp sai sót. Chúng tôi còn trang bị camera để giám sát mua hồ sơ mời thầu để đảm bảo an ninh an toàn".
Tuy nhiên, ông Long cũng thừa nhận có dấu hiệu bất thường trong quá trình mua hồ sơ mời thầu trong ngày đầu tiên mở bán: "Ngày đầu tiên bán hồ sơ mời thầu, anh em bảo vệ thấy có hiện tượng anh em xã hội có mặt tại khu mua hồ sơ mời thầu. Họ đi cùng một số anh em xăm trổ mua hồ sơ. Ngay hôm đầu tiên sau khi phát hiện dấu hiệu trên, chúng tôi đã đề nghị Công an huyện vào cuộc để "dẹp" ngay".
Vị Trưởng Ban Quản lý Đầu tư xây dựng huyện Thạch Thành khẳng định, không quen biết nhóm thanh niên có hành động lãng vãng tại vị trí mua bán hồ sơ dự thầu: "Chúng tôi không biết họ là ai. Sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi yêu cầu bảo vệ thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi thực hiện mua bán hồ sơ mời thầu, đồng thời chỉ đạo, nếu không có việc gì thì không cho các thành phần này vào phòng mua bán hồ sơ. Mấy hôm nay không thấy họ đến nữa". Ông Long phủ nhận gói thầu đã được "chỉ mặt đặt tên" trước khi đấu thầu: "Cái này không có đâu".
Dự án đầu tư đường giao thông vào Khu di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 1989/QĐ-UBND ngày 20/11/2019.
Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 54 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ là 50 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện Thạch Thành và các nguồn huy động hợp pháp khác là hơn 4 tỷ đồng.
Ngày 7/1/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 41/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án. Theo nội dung quyết định, dự án được chia thành 07 gói thầu, với tổng kinh phí hơn 48 tỷ đồng. Trong 7 gói thầu thì gói thầu số 04 (Thi công xây dựng công trình và bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng) có giá trị hơn 45 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 10/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1266/QĐ-UBND phê duyệt bản vẽ thi công và dự toán công trình. Theo nội dung quyết định, tổng dự toán và nguồn vốn thực hiện dự án là hơn 51 tỷ đồng.
Ngày 15/4/2020, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành ban hành Quyết định số 1122/QĐ-UBND phê duyệt dự toán giá gói thầu. Theo đó, gói thầu số 04 (Thi công xây dựng công trình và bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng) được phê duyệt giá trị hơn 45,2 tỷ đồng.
Theo thông tin mời thầu được đăng tải trên mạng đấu thầu quốc gia, hình thức lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án là đấu thầu rộng rãi trong nước. Thời gian bán hồ sơ mời thầu kéo dài từ ngày 22/5/2020 đến 12/6/2020.