Đê tả sông Chu đoạn qua huyện Thiệu Hóa có chiều dài 11,2km làm nhiệm vụ chống lũ bảo vệ tài sản, tính mạng cho hàng chục nghìn hộ dân sống dọc tuyến đê này. Đây không những là tuyến đê trọng yếu của tỉnh Thanh Hóa mà nó còn có sức ảnh hưởng lớn trong công tác phòng chống lụt bão của Chính phủ.
Do tuyến đê được xây dựng từ lâu thêm việc ảnh hưởng từ mùa mưa bão năm 2017 nên đã được Trung ương và tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý cấp bách với tổng mức đầu tư gần một trăm tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương.
Được biết, tuyến đê tả sông Chu đoạn từ K19+800 - K22 và đoạn từ K25 - Km34+100 chạy qua huyện Thiệu Hóa do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Tân Thành 1 và Công ty TNHH Hòa Bình. Tổng số vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng.
Dự án được khởi công xây dựng từ đầu năm 2019 và hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng tháng 4/2020. Tuy nhiên sau hơn 1 tháng đưa vào sử dụng tuyến đê sung yếu này đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Ghi nhận của phóng viên tại tuyến đê này cho thấy, Nhiều điểm mặt đê bị bong tróc, vỡ nát, nhiều điểm lún sâu, bong tróc tạo thành ổ gà với độ rộng gần một mét và sâu gần 10cm. Có những điểm mặt đê hiện đang bị nứt toác, mặt đường nhựa dồn về 1 phía tạo thành sóng trâu, khiến cho nhiều phương tiện giao thông qua lại khó khăn, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào.
Được biết, Chủ đầu tư đã triển khai lắp đặt biển báo và xây dựng cột giảm tải trọng xe lưu thông trên mặt đê nhưng khi phóng viên có mặt vẫn ghi nhận được hàng chục lượt xe trọng tải lớn chở vật liệu đi lại trên tuyến đê này mà không hề bị cơ quan chức năng có thẩm quyền đến kiểm tra, xử lý.
Theo phản ánh của người dân, với một tuyến đê mới được nâng cấp và đưa vào sử dụng chỉ trong thời gian ngắn nhưng đã xảy ra tình trạng trên đang khiến cho hàng trăm hộ dân nơi đây vô cùng lo lắng vì đây là tuyến đê chống lũ rất quan trọng.
Ông Nguyễn Bá Trình, một người dân sống tại xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa bức xúc: "Hàng ngày có đến hàng trăm lượt xe quá tải chở vật liệu xây dựng đi lại trên tuyến đê này nhưng không bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Việc xe quá tải lưu thông trên đê không những gây mất an toàn cho người tham gia giao thông, nhất là các e học sinh mà còn gây nên tình trạng hư hỏng mặt đê.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa kiểm tra lại chất lượng công trình này. Với một dự án đê trọng yếu cấp quốc gia, vốn đầu tư không hề nhỏ thế nhưng dự án mới đưa vào sử dụng được vài tháng đã hư hỏng là chuyện không bình thường".
Lý giải cho vấn đề này, đại diện Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: “Công trình xử lý cấp bách để tả sông Chu từ K19+800 - K22 và tuyến K25 - Km34+100 đoạn qua huyện Thiệu Hóa được nghiệm thu bàn giao tháng 4/2020, tuyến đê này được thiết kế với tải trọng cho phép xe đi trên đê không vượt quá 12 tấn.
Theo trình bày của đơn vị thi công, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là hàng ngày có rất nhiều xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng vượt quá tải trọng cho phép chạy trên đê khiến mặt đê láng nhựa bị bong tróc, hư hỏng.
Chúng tôi cũng đã nhận được văn bản của các đơn vị thi công kiến nghị lên Chủ đầu tư yêu cầu việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng xe chở quá tải trọng lưu thông trên đê”.
“Sau khi nắm bắt được tình hình và công tác kiểm tra thực tế, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã gửi hàng loạt văn bản đến Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, UBND huyện Thiệu Hóa, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa quan tâm tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng và UBND các xã liên quan có biện pháp xử lý tình trạng xe tải trọng đi tến tuyến đê này.
Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu nhà thầu thi công khẩn trương tổ chức sửa chữa, khắc phục ngay phần mặt đê đã bị hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông và phát huy hiệu quả của công trình”. Đại diện Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết thêm.