Sáng 31/5, tại TP. Thanh Hóa, UBND tỉnh và Sở Xây dựng đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040. Hội thảo cũng có sự tham gia của nhiều diễn giả là giáo sư, tiến sỹ đầu nghành trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch của cả nước.
Hiện nay, TP. Thanh Hóa có quy mô dân số 500.560 người, diện tích tự nhiên 145,4km2 với 34 phường, xã là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, nhưng là đô thị lớn của cả nước. Trước nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040.
Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 do Viện Quy hoạch kiến trúc Thanh Hóa là đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch chung.
Dự kiến sau khi được điều chỉnh Quy hoạch chung, TP. Thanh Hóa sẽ có quy mô 228,28km2, dân số 850.000 người. Mục tiêu đưa thành phố Thanh Hóa trở thành trung tâm kinh tế, xã hội của tỉnh, là cực tăng trưởng mới trong tứ giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Thanh Hóa. Đồng thời là trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung bộ với các vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc Việt Nam và vùng Đông Bắc Lào. Xây dựng thành phố Thanh Hóa là trung tâm kết nối giữa Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp Lam sơn – Sao Vàng, hình thành trụ cột công nghiệp liên kết với TP. Sầm Sơn và dải ven biển Quảng Xương, Hoằng Hóa hình thành trụ cột về du lịch…
Quy hoạch mở rộng đô thị nhằm thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Định hướng phát triển đô thị mạnh về dịch vụ thương mại, bất động sản với tầm nhìn là một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc, phù hợp yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sau phần trình bày của đơn vị tư vấn, hội thảo đã được nghe phát biểu tham luận của 6 diễn giả là các giáo sư, tiến sỹ, kiến trúc sư đầu ngành trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị. Các diễn giả tham gia hội thảo nhấn mạnh một số nội dung quan trọng cần làm rõ trong đồ án như: Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa cần làm rõ phạm vi mở rộng, danh xưng của thành phố, thời gian quy hoạch...
Theo đó, việc đặt tên mới Đông Sơn cho thành phố trong điều chỉnh quy hoạch là phù hợp, vừa nêu được lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất. Cấu trúc đô thị thành phố được nghiên cứu, hình thành dựa trên đặc điểm về điều kiện tự nhiên, môi trường, yếu tố văn hóa, lịch sử và mối quan hệ vùng….
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến băn khoăn về vị trí trung tâm thành phố và đề xuất quy hoạch địa điểm mới, băn khoăn về quy hoạch mới chưa đề cập đến phát triển giao thông đường thủy, mở rộng cảng Lễ Môn, chưa nêu rõ nét hệ thống đường sắt đô thị, vấn đề giải quyết môi trường nước. Cùng với đó là vấn đề quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp chưa tương xứng, việc quy hoạch mở rộng nghĩa trang chưa phù hợp...
Ngoài ra, trong quá trình phát triển cần bảo đảm chặt chẽ quỹ đất xây dựng đô thị, đảm bảo không gian, cảnh quan, môi trường, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để hướng tới đô thị thông minh, phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Việc quy hoạch cần có bản đồ đánh giá quỹ đất thuận lợi cho xây dựng các khu vực sẽ phát triển trong, ngoài ranh giới thành phố hiện hữu. Cùng với đó, làm cơ sở cho việc xác định quy mô quỹ đất phát triển cho các khu chức năng của đô thị, theo từng giai đoạn và thể hiện trên hệ thống bản đồ quy hoạch của Bộ Xây dựng.
Trong quy hoạch cần phải đánh giá hiện trạng để làm rõ cơ sở lựa chọn phát triển đất xây dựng đô thị. Dự báo phát triển phù hợp nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế nhưng vẫn đảm bảo môi trường sinh thái, văn hóa, xã hội…