Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tiếp tục khởi sắc và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đạt kết quả khá, nhiều chỉ tiêu tăng mạnh so với cùng kỳ như: Sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi, sản lượng thủy sản tăng 5,1% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 24,28%, có 19/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 35,9%, giá trị xuất khẩu tăng 24,6%; khách du lịch gấp 3,2 lần, tổng thu du lịch gấp 2,8 lần; vận tải hành khách gấp 5,4 lần, vận chuyển hàng hóa tăng 18,8%, doanh thu vận tải tăng 53,4%.
Thu ngân sách Nhà nước tháng 10 ước đạt 3.102 tỷ đồng, lũy kế 10 tháng năm 2022 ước đạt 43.061 tỷ đồng, bằng 145% dự toán và tăng 60% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước đạt 26.078 tỷ đồng, bằng 140% dự toán và tăng 48% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 16.983 tỷ đồng, bằng 154% dự toán, tăng 82% so với cùng kỳ.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; các cấp, các ngành đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; tập trung triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Tính đến 20/10/2022, giá trị giải ngân ước đạt 6.973 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Ảnh hưởng của bão số 4 đã gây thiệt hại về tài sản, sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng tại một số địa phương, ước tính thiệt hại khoảng 376 tỷ đồng; xảy ra tình trạng biển xâm thực tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hoá, ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người dân. Tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện còn rất chậm; kết quả giải phóng mặt bằng đạt thấp so với kế hoạch; tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, dự án ODA còn thấp; việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...
Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với những kết quả đạt được trong tháng 10/2022. Đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là những hạn chế liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công... Qua đó yêu cầu các ngành, các địa phương, các đơn vị có liên quan phải thẳng thắn nhìn nhận, đưa ra các giải pháp khắc phục.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh, 2 tháng cuối năm 2022 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là 2 tháng quyết định sự thành công và việc hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra, vì vậy các cấp, các ngành, các địa phương phải thể hiện quyết tâm cao hơn nữa, thống nhất quan điểm chỉ đạo, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch thực hiện phù hợp và sát với thực tiễn ngành, địa phương.
Trong đó tập trung hoàn thiện các quy hoạch như quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040; Kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2025 cấp tỉnh, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện để sớm được phê duyệt thực hiện.
Các ngành, các địa phương chuẩn bị sớm, đủ, đúng chất lượng các nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2022. Đồng thời tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Cùng với đó, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầy tư công và công tác phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư. Trong quá trình triển khai thực hiện, những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền cấp nào, ngành nào thì cấp đó, ngành đó phải chủ động tập trung tháo gỡ. Nhiệm vụ này phải được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, thiên tai, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết để có các biện pháp xử lý kịp thời. Nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, chú trọng công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra. Tiếp tục củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.