Giải mã cơn sốt bất động sản tại Thanh Hóa gần đây
Từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường bất động sản Thanh Hóa luôn ở trong tình trạng "đất sốt sình sịch" kéo từ thành thị cho đến các vùng nông thôn ở các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Như Thanh… khiến nhiều người đua nhau mua đất, làm môi giới hoặc lướt cọc kiếm lời đã làm biên độ giá bất động sản tăng chóng mặt so với thời điểm cuối năm 2020.
Cá biệt đất ở khu vực ven biển như Sầm Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn và khu vực miền núi Như Thanh, Thọ Xuân…, giá đất tăng từ 30 - 70% trong vòng 1 đến 2 tháng. Đặc biệt, nhiều cuộc đấu giá đất chỉ 30 đến 50 lô đất nhưng số lượng hồ sơ tham gia đất giá lên đến hàng nghìn bộ, giá đất sau khi đấu tăng gấp 3 - 5 lần…
Nguyên nhân của hiện trạng trên được các chuyên gia kinh tế nhìn nhận:
Thứ nhất, nhiều dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng khu du lịch, đô thị và đầu tư công được triển khai rầm rộ trải khắp các địa phương trong tỉnh. Cụ thể, trong mấy năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa triển khai nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm kết nối vùng và khu vực như: Tuyến đường bộ ven biển, cao tốc Bắc Nam, đường nối thành phố Thanh Hóa với sân bay Sao Vàng…
Nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư được triển khai theo hình thức đầu tư công hoặc các dự án đô thị do doanh nghiệp làm chủ đầu tư thực hiện với hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ, hiện đại đã kéo giá trị và giá cả bất động sản tăng theo.
Thứ 2, thu hút và xúc tiến đầu tư trong vài năm lại đây của tỉnh Thanh Hóa rất lớn, nhiều dự án được triển khai thi công rầm rộ, mạnh mẽ. Đồng thời, sau kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp thành công, bộ máy tổ chức chính quyền ổn định dẫn đến việc triển khai các thủ tục, thi công các dự án đã thu hút được một cách nhanh chóng, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế và kéo theo sự tăng trưởng biên độ giá bất động sản tại các địa phương đó.
Thứ 3, giá đất theo quy định của Nhà nước tăng dẫn đến giá đất trên thị trường cũng tăng theo. Việc khung giá đất trong trong thời kỳ 2020 - 2024 tỉnh Thanh Hóa tăng đã kéo theo các chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chi phí sử dụng đất đai tăng theo dẫn đến giá trị bất động sản trong dân cũng theo đà tăng cao.
Thứ 4, diễn biến cung - cầu đang bị thao túng, thời gian gần đây ở các mặt bằng đô thị tại TP. Thanh Hóa hoặc các trung tâm huyện, thị trong tỉnh thường là những nơi có mức giá bất động sản phát triển nhanh, giá cả tăng cao do nhu cầu về đầu tư và kinh doanh lớn.
Do mức giá tăng cao và nhanh đồng thời nguồn cung ít đã đẩy các nhà đầu tư kéo nhau về những địa phương vùng ven hoặc khu vực được quy hoạch các dự án lớn như: Sầm Sơn, Như Thanh, Nghi Sơn, Hoằng Hóa… Bên cạnh đó, giới đầu tư đang có sự so sánh về biên độ giá giữa thành thị và những khu vực này dẫn đến việc tăng giá đất là yếu tố tất yếu. Song song với đó là xu hướng đầu tư theo đám đông đã khiến dòng tiền đổ vào một cách ồ ạt tạo nên cơn sốt đất diễn ra nhanh chóng.
Thứ 5, tất cả các dòng vốn, lợi nhuận từ nguồn đầu tư khác đổ dồn vào đầu tư bất động sản, do bất động sản là tài sản thực, lợi nhuận đầu tư trong nhiều năm trở lại đây luôn ở mức cao đã kéo theo dòng vốn từ lãi suất cho vay ngân hàng thấp, chứng khoán, tiền ảo, vàng và dòng tiền nhàn rỗi trong nhân dân đổ dồn vào.
Thứ 6, công khai quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tại nhiều địa phương trong giai đoạn mới gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn và tầm nhìn tiếp theo, việc đó đã tạo nên chất xúc tác để kích thích thị trường bất động sản phát triển.
Thứ 7, vào thời kỳ cuối năm 2020 và đầu những năm 2021 nhiều tín hiệu tích cực về việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã tạo nên tâm lý đầu tư ổn định, nhiều dự án khu đô thị, dự án dân cư, du lịch mới bung hàng ra thị trường kéo theo làn sóng đầu tư bất động sản diễn ra sôi động đã tạo nên cơn sốt đất thời gian qua.
Ngoài ra, còn yếu tố khách quan khác như: Một số đối tượng “cò đất” tung tin quy hoạch, dự án mới để tạo cơn sốt, đẩy giá đất lên nhanh. Hiện tượng các “cò đất” thực hiện các “giao dịch ảo” “bán cọc” giữa cá nhân với cá nhân, công ty môi giới này với công ty môi giới khác nhằm tạo “sóng” và đẩy ra thị trường với giá cao.
Giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng khi dịch Covid-19 được kiểm soát…
Nhằm tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, hướng đến thị trường nhà ở và bất động sản trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, bền vững, minh bạch, tránh hiện tượng bong bóng, sốt ảo, đầu cơ thổi giá đất để trục lợi.
UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh chỉ đạo về việc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.
Đến nay, sau khi bị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa ra khuyến cáo cộng với đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đây thì thị trường bất động sản Thanh Hóa cơ bản lắng dịu, những địa phương xảy ra hiện tượng sốt đất rơi vào trầm lắng, các giao dịch hầu như giảm hẳn hoặc quay lại mức bình thường trước khi sốt đất xảy ra.
Một số chuyên gia kinh tế và chuyên gia bất động sản dự báo giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng trở lại sau khi tình hình dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay khi thị trường bất động sản Thanh Hóa đang có nhiều biến động lớn, giá bất động sản tăng sốt chủ yếu ở phân khúc đất nền còn lại ở những phân khúc khác hầu như ít xảy ra hiện tượng “sốt đột ngột” trên.
Do vậy, để xảy ra hiện tượng bong bóng bất động sản trên thị trường Thanh Hóa gần như khó diễn ra. Song, sẽ có tình trạng cắt lỗ cọc, bỏ cọc hoặc bán ngang giá ở một số trường hợp đi vay mua đất nền, nhưng sẽ khó có hiện tượng bán lỗ, bán tháo sản phẩm bất động sản ra thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản SB Land nhận định: “Hiện tại, nền kinh tế tỉnh Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn đổi mới cục bộ, nhiều ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… tăng trưởng nhanh đạt được những thành quả quan trọng.
Hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối được triển khai, xây dựng gấp rút và đi vào hoàn thiện đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế của tỉnh kéo theo sự tăng trưởng của giá bất động sản trong thời gian tới đây.
Nhiều dự án bất động sản lớn đang được triển khai thi công như Sun Group, FLC, Flamingo... vẫn giữ được niềm tin cho khách hàng, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh vào thị trường bất động sản Thanh Hóa.
Nhu cầu mua bất động sản ở thực còn rất lớn, trong khi các dự án từ thu hút đầu tư ở những năm trước như các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất có lượng lao động lớn đang được nhà đầu tư tiến hành khởi công, thi công đang là điều kiện dẫn đến nhu cầu về nhà ở cho lao động tăng cao trong thời gian tới.
Nếu như tình hình dịch bệnh Covid-19 được tỉnh Thanh Hóa kiểm soát tốt như hiện nay đó cũng là yếu tố mang tính khách quan nhằm tạo niềm tin đối với nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài tỉnh đến Thanh Hóa.
Hay như mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định về việc phê duyệt danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 trên địa bàn là 864 dự án với tổng diện tích đất thực hiện đấu giá là 748,23ha - đó cũng sẽ là một nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Thanh Hóa tiếp tục “nóng” trong năm 2021".