Aa

Thanh Hóa: Nghị quyết 58 là “đòn bẩy” thu hút đầu tư

Thứ Ba, 09/02/2021 - 06:00

Nghị quyết 58 cùng những dấu ấn quan trọng về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư của Thanh Hóa trong thời gian vừa qua, sẽ là nền tảng quan trọng để tỉnh bứt phá về mọi mặt trong thời gian tới.

Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 mở ra thời cơ, vận hội mới hết sức đặc biệt, nổi trội để Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc. Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, nhiều người kỳ vọng Nghị quyết 58 sẽ là nền tảng quan trọng để Nghi Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung tạo ra bứt phá trong thời gian tới.

"Việc Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước hết, đó là sự ghi nhận, đánh giá cao của Trung ương về những đóng góp của Thanh Hóa cho đất nước từ trước đến nay.

Đặc biệt, Nghị quyết đã mở ra cho tỉnh Thanh Hóa những thời cơ, vận hội mới, để Thanh Hóa tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, đột phá, trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đây không chỉ là mốc son trong chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh, mà còn khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thanh Hóa đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết 58, tôi tin rằng, Thanh Hóa sẽ hiện thực hóa được “khát vọng thịnh vượng” và sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” theo lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời", ông Trịnh Văn Chiến, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhận định. 

Trong những năm qua, công tác huy động nguồn lực, đầu tư phát triển đô thị hóa tại Thanh Hóa ngày càng được quan tâm. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển ước đạt 610.000 tỷ đồng, gấp 1,86 lần giai đoạn 2011 - 2015, cao nhất khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước. 

Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Thanh Hóa khoảng 40% trở lên; đến năm 2030 đạt khoảng 50% trở lên. Theo đó, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt 750.000 tỷ đồng trở lên và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 900.000 tỷ đồng trở lên.

Theo đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách, tăng cường thu hút vốn trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư và các nguồn lực trong nhân dân, để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị. Trong đó, tập trung đẩy mạnh hình thức đầu tư PPP cho phát triển đô thị (nhất là đô thị thông minh); phát triển và điều hành tốt thị trường bất động sản. Coi đây là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng các biện pháp kích thích vào đất đai, tạo lập các công trình, nhà xưởng, vật kiến trúc…, từ đó tạo sự chuyển dịch về cơ cấu trong các ngành kinh tế. 

Sử dụng các quỹ đầu tư hiện có, bao gồm quỹ đầu tư phát triển địa phương, quỹ phát triển đất, quỹ phát triển hạ tầng, quỹ phát triển nhà ở…, tạo nguồn kinh phí đầu tư cho các khu vực phát triển đô thị. Theo đó, các giải pháp huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị một cách hiệu quả, bao gồm: Tập trung vào các khu vực và dự án có sức lan tỏa lớn; thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế bằng cách tập trung vào xây dựng 5 yếu tố cạnh tranh như sau: Quy trình nhanh gọn - cơ chế hấp dẫn - hạ tầng đảm bảo - môi trường trong sạch - nhân lực dồi dào.

Với những giải pháp mang tính đồng bộ trong thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng…, Thanh Hóa đã và đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn, hứa hẹn sẽ kích hoạt thị trường bất động sản tiếp tục bùng nổ trong tương lai không xa.

Phóng viên Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp để chia sẻ thêm về câu chuyện này:

PV: Những thành quả đạt được của Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trong thời gian qua đã đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Tiến Dũng: Khu kinh tế Nghi Sơn, một trong những khu kinh tế công nghiệp trọng điểm của quốc gia, được ưu tiên và hưởng các chính sách ưu đãi nhất của Nhà nước. Với diện tích 106.000ha, 22 khu công nghiệp đã được quy hoạch và lợi thế đặc biệt của cảng nước sâu Khu kinh tế Nghi Sơn là khu vực phát triển công nghiệp tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, với trung tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp cơ bản. Đến nay, nhà máy lọc hóa dầu đi vào hoạt động cơ bản đáp ứng được nhu cầu về xăng dầu của các tỉnh miền Bắc, thỏa mãn nhu cầu nội địa về một số sản phẩm hóa dầu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Cùng với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhiều dự án hạ tầng thương mại, công nghiệp được đầu tư trong những năm trước đây đã hoàn thành, đi vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa phát triển. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển khá, nhiều lĩnh vực khởi sắc, đặc biệt là du lịch, xuất khẩu hàng hóa. Hiện nay, Thanh Hoá xác định phát triển “tứ giác kinh tế” gồm: Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Nghi Sơn và Lam Sơn là nhiệm vụ quan trọng, nhằm biến 4 vùng kinh tế có nhiều tiềm năng, thế mạnh trở thành các đô thị vệ tinh, tạo động lực cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Cảng Quốc tế Gang thép Nghi Sơn.

Cũng tại Khu kinh tế Nghi Sơn, nhiều công trình lớn đang hoạt động hiệu quả nhờ những nỗ lực thu hút đầu tư của các giai đoạn trước. Có thể kể đến Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, các hệ thống cảng biển nước sâu…, và gần đây có Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đang xây dựng.

Thống kê giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tại Khu kinh tế Nghi Sơn đã có 122 dự án đầu tư trong nước và 11 dự án FDI cấp mới, với tổng vốn đầu tư 50.875,67 tỷ đồng và 2,8 tỷ USD. Tại các khu công nghiệp có 139 dự án trong nước và 28 dự án FDI được cấp mới với tổng vốn đầu tư 7.651 tỷ đồng và 372,7 triệu USD.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã cấp mới 19 dự án đầu tư, nâng tổng số lên 622 dự án. Trong số này, có 562 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 151.458 tỷ đồng (đã thực hiện 63.597 tỷ đồng) và 60 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 13,45 tỷ USD (đã thực hiện gần 11,2 tỷ USD).

Cũng trong 8 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của Khu kinh tế Nghi Sơn ước đạt 170.067 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 13.000 tỷ đồng (riêng dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn ước đạt 9.800 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,6 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt gần 4 tỷ USD; giải quyết việc làm cho khoảng 90.268 người, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Thực tế trong những năm qua, Thanh Hóa là một trong những địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu về thu hút đầu tư. Riêng Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, sau 14 năm xây dựng và phát triển, Khu kinh tế Nghi Sơn đã và đang khẳng định là một khu kinh tế ven biển có sức hấp dẫn đặc biệt. Đến nay, Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 242 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 136.000 tỷ đồng, 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư 12,73 tỷ USD.

Khu lọc Hóa dầu Nghi Sơn
Khu lọc Hóa dầu Nghi Sơn.

PV: Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 58 về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Liệu đây có trở thành cú hích lớn trong thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới, đặc biệt là đối với Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp không, thưa ông?

Ông Lê Tiến Dũng: Trước hết phải khẳng định rằng, Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 mở ra thời cơ, vận hội mới hết sức đặc biệt, nổi trội để Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Tại dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, ưu tiên thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, tạo động lực mới cho tăng trưởng. 

Xây dựng Đề án phát triển dịch vụ logistics, có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển dịch vụ logistics trở thành đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác thế mạnh cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng, vận tải biển, xây dựng cảng Nghi Sơn thành cảng đầu mối 1A và trung tâm logistics cấp vùng hạng 1 tại Khu kinh tế Nghi Sơn; ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp... theo hướng đồng bộ, kết nối, phục vụ phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế...

Điều này cũng có nghĩa rằng, tỉnh Thanh Hóa sẽ được hưởng cơ chế đặc thù trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có vấn đề thu hút đầu tư. Nghị quyết 58 cùng những dấu ấn quan trọng về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư của Thanh Hóa trong thời gian vừa qua, sẽ là nền tảng quan trọng để tỉnh bứt phá về mọi mặt trong thời gian tới.

Ông Lê Tiến Dũng

PV: Một số ý kiến cho rằng, Nghị quyết 58 là động lực để Thanh Hóa cất cánh trong thời gian tới, nhưng cũng tạo những áp lực nhất định. Còn riêng lĩnh vực thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, ông có nghĩ rằng Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ có áp lực nhất định trong việc thay đổi để thích ứng với vận hội mới?

Ông Lê Tiến Dũng: Ngay từ những năm trước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã thường xuyên dẫn đầu các đoàn công tác đến nhiều nước để tổ chức các hội nghị kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Tại những cuộc tiếp xúc này, nội dung hệ thống dữ liệu, tài liệu tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng đầu tư vào tỉnh được dịch thành 5 thứ tiếng: Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga để phục vụ hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư.

Đồng thời, Thanh Hóa cũng duy trì và thiết lập được các mối liên hệ với các bên, thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Thanh Hóa với các địa phương của nước ngoài, thường xuyên trao đổi để triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ và tạo điều kiện tốt nhất để đón tiếp các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh.

FLC Sầm Sơn
Thanh Hóa luôn đặt tư duy phục vụ lên hàng đầu trong thu hút đầu tư. (Trong ảnh là dự án FLC Sầm Sơn)

Thanh Hóa luôn đặt tư duy phục vụ lên hàng đầu trong thu hút đầu tư. Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh luôn thực hiện “Hai đồng hành” và “Ba cam kết”. Đó là, đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư; khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm, tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. 

Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh chủ động thực hiện “Ba cam kết”, đó là: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; cam kết đồng hành với nhà đầu tư giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án.

Tỉnh Thanh Hoá nói chung, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp nói riêng, luôn mong muốn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư.

Nếu có áp lực thì có lẽ đó là áp lực phải cố gắng hơn nữa, làm tốt hơn nữa trong việc thu hút đầu tư, để Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành “gà đẻ trứng vàng” của tỉnh Thanh Hóa. Điều này cũng có nghĩa rằng, chúng tôi sẽ luôn phục vụ, đồng hành với doanh nghiệp trong việc tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Đồng thời xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó dễ cho nhà đầu tư.

Tiếp tục đưa Nghi Sơn trở thành đầu tàu kinh tế hết sức quan trọng để kéo con tàu Thanh Hóa đi lên là nhiệm vụ, mục tiêu không những chỉ cho riêng Thanh Hóa, mà còn kéo cả kinh tế của các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và các tỉnh vùng Nam đồng bằng Bắc bộ đi lên như đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đã phát biểu trước cử tri huyện Tĩnh Gia cách đây không lâu.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.

Sun Group Sầm Sơn
Tỉnh Thanh Hoá luôn mong muốn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư.

 

Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa Đào Vũ Việt

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top