Chiều ngày 5/1, ông Phạm Bá Oai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ NN-PTNT đã có mặt tại tuyến kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã (xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc) chứng kiến việc thông dòng tuyến kênh bị đứt gãy hôm 27/12/2020, cấp nước trở lại như cam kết của đơn vị quản lý, nhằm kịp thời cung cấp nước cho người dân xuống đồng kịp thời vụ.
Trao đổi với báo chí tại buổi thông dòng tuyến kênh, ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy lợi Bộ NN&PTNT cho biết: Nguyên nhân đứt gãy của đoạn kênh là do nằm trên nền địa chất có cấu trúc phức tạp, một bên là núi, một bên là suối, đất đào và đất đắp không đồng nhất; đặc biệt đây là đoạn kênh đắp nổi, chiều cao lớn (khoảng 6 - 7m), nằm trên lớp đá phong hóa và có cung trượt phức tạp. Quá trình xử lý sự cố chúng tôi cũng đã kiểm tra đánh giá rất kỹ về chất lượng công trình hoàn toàn đảm bảo. Kích thước và kết cấu bê tông đáy và bê tông thành kênh đủ độ dày 12cm như thiết kế.
Ngay sau khi sự cố vỡ kênh xảy ra, sáng ngày 29/12, Đoàn công tác Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Thanh Hóa và các chuyên gia đã đi kiểm tra, đánh giá thực tế để làm rõ nguyên nhân cũng như chỉ đạo các biện pháp khắc phục sự cố. “Với công trình này, nếu xử lý tạm sẽ không đảm bảo an toàn. Do vậy, chúng tôi phải đào móc toàn bộ phần đất yếu phía dưới. Trước mắt, đơn vị xử lý phần kênh để đảm bảo kịp thời việc tưới tiêu, sau đó sẽ làm tiếp phần chân kênh để gia cố bằng đá, tránh sạt lở xói mòn”, ông Đồng Văn Tự cho biết thêm.
Ông Trần Văn Tỉnh, Quyền Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 (thuộc Bộ NN-PTNT), cho biết: Để khắc phục xong sự cố vỡ kênh, đơn vị đã huy động tối đa nhân lực làm việc 3 cả suốt ngày đêm kể từ ngày 29/12/2020. "Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã huy động 8 máy múc, 4 xe lu và khoảng 40 xe tải làm suốt ngày đêm để vận chuyển gần 20.000m3 đất, đá tới san lấp, khắc phục sự cố và đắp kênh xong trong sáng ngày 5/1", ông Tỉnh nói.
Cũng theo ông Tỉnh, trước đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã yêu cầu đơn vị phải hoàn thành khắc phục trong 3 ngày. "Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu chúng tôi đã xin ý kiến Thứ trưởng phải khắc phục trong 7 ngày (tức tới 16 giờ ngày 5/1), vì nền địa chất ở đây rất yếu, nếu khắc phục tạm thời sẽ không ổn, khi vận hành mà gặp sự cố thì thời gian khắc phục sẽ lâu hơn và được Thứ trưởng đồng ý".
Liên quan đến một số vết nứt trên tuyến kênh, lãnh đạo Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 cho biết đã kiểm tra, phát hiện những điểm hư hỏng trên và đã có kế hoạch sửa chữa, khắc phục trong thời gian sớm nhất đảm bảo không để xảy ra sự cố như vừa qua.
Trước đó, vào khoảng 9 giờ 45 phút ngày 27/12/2020, kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã đoạn qua địa phận thôn Minh Lãi (xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc) bất ngờ bị đứt gãy, tụt sâu khoảng 1,5 - 2 m. Trước sự việc trên, Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 đã thông báo cho chính quyền địa phương, đồng thời huy động lực lượng lập hàng rào, cắm biển cảnh báo để người dân được biết để phòng tránh.
Theo Bộ NN-PTNT, dự án hồ chứa nước nước Cửa Đạt gồm 2 hạng mục công trình gồm: Đập đầu mối và hệ thống kênh chính. Hợp phần công trình đầu mối hoàn thành vào tháng 11/2010 và Hợp phần Hệ thống kênh chính hoàn thành toàn bộ vào năm 2017. Trong đó, hợp phần hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc dự án hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa được Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2542/QĐ-BNN-XD ngày 26/10/2011.
Đoạn kênh bị vỡ có chiều dài 70m (từ vị trí K5+170 đến K5+240) thuộc hạng mục cầu máng Sông Âm trên kênh chính Bắc sông Chu - Nam sông Mã. Đoạn kênh này được chính thức bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2014.
Trong hơn 6 năm, hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã đã vận hành đảm bảo đúng năng lực thiết kế, phát huy tốt hiệu quả cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống hạn, dân sinh và chưa có sự cố. Tuy nhiên, vào khoảng 9 giờ 45 ngày 27/12/2020 tại vị trí K5+170 đến K5+240 đã xảy ra sự cố trượt khối đất dưới đáy kênh dẫn đến sự việc vỡ kênh.