Aa

Thanh Hóa: Tìm hướng đi cho doanh nghiệp muốn kinh doanh xe buýt điện

Thứ Sáu, 17/04/2020 - 14:50

Thanh Hóa cần giải quyết dứt điểm kiến nghị của công ty TNHH Phương Hiền về việc cấp phép hoạt động xe buýt điện công cộng trong năm 2020.

Loại hình vận tải khách du lịch bằng xe buýt điện 4 bánh là "xe chở người bốn bánh có gắn động cơ", có kết cấu để chở người, hai trục, ít nhất bốn bánh xe, vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 30 km/h, không quá 15 chỗ (cả người lái). Loại xe chưa có quy định trong luật Giao thông đường bộ, có hình thức kinh doanh tương tự loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt được quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2018 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xe buýt điện được cấp chứng nhận đăng ký, đăng kiểm và chỉ được hoạt động trong phạm vi hạn chế theo quy định.

Thí điểm xe điện 4 bánh và câu chuyện bi hài chỉ có ở Sầm Sơn

Hoạt động thí điểm xe điện 4 bánh chở khách hoạt động tự phát từ năm 2008, trước khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm năm 2012. Hiện tỉnh Thanh Hóa có 3 địa phương (gồm: TP. Sầm Sơn, Huyện Hoằng Hóa, huyện Cẩm Thủy) với 11 đơn vị được phép thí điểm tại các điểm du lịch với tổng số 664 xe điện 4 bánh.

Sau 8 năm thí điểm, hoạt động thí điểm xe điện tại Thanh Hóa bộc lộ nhiều hạn chế, cụ thể tháng 9/2019, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành kết luận 8511/KL-BGTVT về công tác quản lý và hoạt động vận tải bằng xe 4 bánh có gắn động cơ sử dụng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Công tác quản lý loại hình xe điện tại tỉnh Thanh Hóa còn nhiều bất cập.

Kết luận chỉ ra hàng loạt tồn tại trong công tác quản lý và hoạt động vận tải bằng xe 4 bánh có gắn động cơ sử dụng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hiện tỉnh Thanh Hóa có 318 xe điện 4 bánh chưa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của 9 đơn vị tham gia thí điểm. Trong đó, tại thành phố Sầm Sơn hiện đang có 5 đơn vị tham gia thí điểm với tổng số 474 xe điện 4 bánh nhưng có đến 226 xe chưa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BCA và Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT gồm: Công ty TNHH XD&DL Hưng Phong có 150 xe, Công ty TNHH Thương binh 27-7 chiến thắng có 34, Công ty TNHH TM &DVDL Việt Cường có 39 xe, Công ty TNHH TMDV Nam Cường Ngọc có 24 xe…

Tại huyện Hoằng Hóa có 5 đơn vị tham gia thí điểm với tổng số 180 xe điện 4 bánh được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, trong đó có 97 xe đang hoạt động nhưng chỉ có 10 xe được đăng ký, đăng kiểm còn lại 87 xe chưa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

Riêng tại huyện Tĩnh Gia là địa phương chưa được phép tham gia thí điểm xe điện 4 bánh nhưng đang có 52 xe điện 4 bánh của các hộ kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên địa bàn xã Hải Thanh và xã Hải Bình.

Nhốn nháo xe điện tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). (Ảnh: Lê Hoàng).

Còn một số công ty được phép tham gia thí điểm, được phép bổ sung xe điện 4 bánh theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, nhưng các đơn vị không xây dựng đề án hoặc phương án thí điểm xe điện 4 bánh.

Ngoài ra, qua công tác thanh tra, Bộ GTVT cũng đã chỉ ra những tồn tại, thiếu sót như: Nhiều lái xe không có giấy phép lái xe theo quy định, tình trạng vi phạm về đậu đỗ, đón trả khách không đúng theo quy định, hoạt động quá phạm vi cho phép. Tình trạng xe điện chở quá người cho phép, tranh giành khách, ép khách còn diễn ra thường xuyên, công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương còn hạn chế.

Từ những hạn chế đó, đến nay tỉnh Thanh Hóa vẫn cương quyết với ý kiến tiếp tục cho các đơn vị này được phép thí điểm và lộ trình tăng số lượng xe điện mà “bỏ quên” những đơn vị có nhu cầu, đề án cụ thể muốn hoạt động kinh doanh xe buýt điện chở khách trên địa bàn TP. Sầm Sơn.

Còn những vướng mắc nào?

Cũng tại kết luận 8511/KL-BGTVT về công tác quản lý và hoạt động vận tải bằng xe 4 bánh có gắn động cơ sử dụng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Bộ GTVT khẳng định việc lựa chọn đơn vị tham gia thí điểm phải đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các đơn vị có nhu cầu tham gia thí điểm. Hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu tham gia thí điểm xây dựng đề án hoặc phương án sử dụng xe điện 4 bánh hoạt động phục vụ khách du lịch để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Bộ GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có liên quan quản lý chặt chẽ hoạt động xe điện 4 bánh. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chỉ cho hoạt động thí điểm đối với xe điện 4 bánh khi đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và được đăng ký, đăng kiểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời triển khai thực hiện lộ trình tăng xe theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa tại Văn bản số 2273/UBND-CN ngày 28/02/2019.

Hàng chục xe buýt điện của công ty Phương Hiền vẫn phải đắp chiếu do không còn chỗ "chen chân"?

Bên cạnh đó, có nhiều đơn vị có nhu cầu tham gia thí điểm xe buýt điện công cộng, phương tiện tham gia giao thông trong thời kỳ đổi mới thân thiện với môi trường tại TP. Sầm Sơn nhưng chưa được phép hoạt động. Trong đó, Công ty Phương Hiền đã nhiều lần kiến nghị và đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ GTVT cho phép doanh nghiệp được hoạt động thí điểm nhưng đến nay, hàng chục xe buýt điện của doanh nghiệp này vẫn không thể hoạt động do không phải là xe buýt điện?

Xe buýt điện của tập đoàn Mai Linh tại TP HCM. (ảnh internet)

Tại Thông báo số 185/TB- UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng vẫn khẳng định việc giải quyết đề nghị đưa 02 tuyến xe buýt điện của công ty Phương Hiền vào hoạt động trên địa bàn TP Sầm Sơn đã được giải quyết đảm bảo công khai, minh bạch và trên cơ sở quy định của pháp luật; phù hợp với điều kiện thực tế về hạ tầng giao thông TP Sầm Sơn và mật độ phương tiện giao thông.

Ngày 12/6/2017, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT đã ký công văn hỏa tốc số 6192/BGTVT-VT gửi Sở GTVT Thanh Hóa, trong đó có ý kiến đồng thuận đề xuất của Sở GTVT Thanh Hóa đối với việc thí điểm 02 tuyến xe buýt sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, đề nghị Sở GTVT báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi về Bộ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Sau khi có văn bản của Bộ GTVT, công ty Phương Hiền đã ký hợp đồng, đầu tư khoảng 12 tỷ đồng mua 40 xe điện 4 bánh từ nước ngoài (xe Mỹ), hình dáng đẹp, đảm bảo an toàn kỹ thuật, xe đầy đủ thủ tục đăng kiểm được Cục đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT kiểm định...

Tính đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thí điểm loại hình xe điện 4 bánh được 8 năm và vẫn tiếp tục thí điểm cho những năm tới. Như vậy, trên cơ sở thực tế tại địa phương này việc hạn chế tăng số lượng doanh nghiệp muốn thí điểm xe buýt điện thân thiện với môi trường lại không phù hợp với tính khả thi của pháp luật hay chỉ vì lợi ích nhóm mà tỉnh Thanh Hóa vẫn quyết tâm thực hiện thí điểm loại hình xe điện 4 bánh đối với những doanh nghiệp đã được phép thí điểm trước đó?

Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 06/2018/QĐ-UBND ngày 09/03/2018 về việc bổ sung xe điện tại Thành phố Sầm Sơn. Cụ thể, năm 2018 bổ sung thêm 43 xe, năm 2019 bổ sung 50 xe, năm 2020 bổ sung 50 xe.

Thế nhưng, phải nói thêm rằng việc công ty Phương Hiền làm đề án và có văn bản đề nghị tổ chức xe buýt sử dụng xe điện 4 bánh kinh doanh vận tải hành khách du lịch tại Sầm Sơn từ năm 2017. Vậy việc công ty Phương Hiền có đề án cụ thể, chất lượng cũng như kiểu dáng, độ an toàn của loại hình xe buýt điện này được Bộ GTVT thẩm định lại không được UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở GTVT và UBND TP Sầm Sơn chấp nhận cho thí điểm bổ sung đúng như Quyết định 06/2018/QĐ-UBND ngày 09/03/2018 đã ban hành.

Điều đáng nói là, sau hàng loạt kiến nghị của công ty Phương Hiền thì cũng tại Quyết định số 06/2018/QĐ- UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quy định tổ chức và hoạt động xe điện 4 bánh vận chuyển khách trên địa bàn TP Sầm Sơn lại cho rằng, công ty Phương Hiền có nhu cầu hoạt động vận tải khách bằng xe điện 4 bánh trên địa bàn TP Sầm Sơn thì phải thông qua đấu thầu theo quy định của pháp luật. Vậy việc cấp có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa ra phương án đấu thầu thí điểm hoạt động xe buýt điện có được phép theo quy định của pháp luật?

Một số địa phương đã rất thành công trong việc đưa xe buýt điện thân thiện với môi trường vào hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch. (ảnh internet)

Như vậy, việc nghiên cứu, xác định lộ trình tuyến xe buýt nội thị, trong đó có mô hình xe buýt điện tại khu du lịch Sầm Sơn phải cần có sự xem xét phù hợp để đề xuất thực hiện thí điểm nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đồng thời góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và không làm mất đi tính minh bạch, công bằng và tự do kinh doanh của doanh nghiệp (loại hình kinh doanh được pháp luật cho phép).

Năm 2015, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chính thức cho phép loại hình xe điện 4 bánh (hoặc động cơ xăng đối với vùng đảo, hải đảo) được hoạt động chính thức trong khu vực hạn chế tại các tỉnh, thành phố: Khu phố cổ, khu du lịch, di tích lịch sử theo tuyến đường và phạm vi cố định để chở khách du lịch; khu vực cảng hàng không; hoạt động kết nối phương tiện vận tải hành khách đô thị khối lượng lớn.

Trong đó, UBND cấp tỉnh thực hiện việc quy định phạm vi khu vực hạn chế, tuyến đường, số lượng xe được phép đầu tư, hoạt động tại địa phương nhằm đảm bảo phù hợp nhu cầu, cũng như không ảnh hưởng đến TTATGT đô thị. 


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top