Aa

Thanh Hoá: Từng bước phục hồi hoạt động du lịch trong thời gian tới

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Hai, 20/12/2021 - 13:35

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch Thanh Hóa đang từng bước đưa ra các giải pháp nhằm phát triển du lịch trong trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh".

Trên cơ sở phục hồi nền kinh tế và tạo đà cho ngành du lịch phục hồi trở lại, cũng như đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đang tranh thủ những thời điểm dịch bệnh được khống chế và tận dụng cơ hội, huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để phát triển du lịch theo hướng an toàn, bền vững.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, việc bảo đảm an toàn điểm đến và an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) cần thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh để tổ chức quán triệt, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch thực hiện nghiêm túc, triệt để, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, đảm bảo an toàn hoạt động du lịch. Đồng thời, cần ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho lực lượng lao động ngành du lịch để sẵn sàng cho việc mở cửa và phục hồi ngành du lịch an toàn.

Cùng với đó, cần sớm ban hành bộ tiêu chí an toàn đối với khách du lịch, các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, kiểm tra và công nhận các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch “Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19” và được phép đón tiếp, phục vụ khách du lịch.

Từng bước phục hồi hoạt động du lịch trong thời gian tới.
Tỉnh Thanh Hóa đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để mở “chiến dịch” tiêm chủng vắc-xin COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay, nhằm tăng độ bao phủ vắc-xin Covid-19 để đạt “miễn dịch cộng đồng”.

Ngoài ra, ngành cũng sớm công bố công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông danh sách các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch được công nhận đảm bảo an toàn đón tiếp, phục vụ du khách; xây dựng và công bố các “tuyến du lịch xanh” để chào bán, thu hút khách du lịch.

Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp khôi phục du lịch Thanh Hóa trong trạng thái bình thường mới (do UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 7/10/2021), nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch đều thống nhất cho rằng, Thanh Hóa cần chủ động chuẩn bị các điều kiện để từng bước phục hồi ngành du lịch trong trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.

Trước hết, tỉnh cần tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Cụ thể là tập trung đầu tư các dự án giao thông kết nối các trọng điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, như tuyến đường cao tốc nối Ninh Bình - Thanh Hóa, đường ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, Đại lộ Nam sông Mã, dự án đường Quốc lộ 1A nối với các khu, điểm du lịch.

Tiếp đến, tỉnh Thanh Hóa chú trọng đầu tư các dự án phục hồi, tôn tạo di tích văn hóa lịch sử, nhằm bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch. Tiêu biểu là các dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo khu Phủ Từ, trưng bày, quản lý, dịch vụ và cảnh quan di tích lịch sử Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc (756 tỷ đồng); bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng Miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung (giai đoạn 2 - 457 tỷ đồng); tu sửa cấp thiết tường thành đá Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (14 tỷ đồng); bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (giai đoạn 1 thuộc nhóm dự án số 3, có kinh phí 745 tỷ đồng); tu bổ, tôn tạo, phục hồi các hạng mục công trình Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (188 tỷ đồng); tôn tạo Khu Tượng đài Bà Triệu, thuộc Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu (187 tỷ đồng)...

Để du lịch từng bước phục hồi trở lại và thu hút du khách cần đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Do đó, tỉnh Thanh Hóa cần tạo điều kiện để thúc đẩy nhanh các dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn. Điển hình là dự án Sầm Sơn golf links và Khu đô thị sinh thái FLC - giai đoạn 2 của Tập đoàn FLC (6.218 tỷ đồng); Khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch biển Hải Tiến (3.200 tỷ đồng)... và một số dự án có quy mô lớn đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục đầu tư, như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp Bến En (4.960 tỷ đồng) và Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn (giai đoạn 1, khoảng 10.000 tỷ đồng) của Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời; Khu đô thị sinh thái, du lịch ven sông Mã (2.200 tỷ đồng) của Tập đoàn FLC...

Cùng với đó, tỉnh cũng cần chú trọng đầu tư đổi mới, sáng tạo, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đặc sắc, nhằm đáp ứng được xu hướng mới của thị trường. Hình thành liên minh kích cầu du lịch với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Kêu gọi, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch chung tay, hưởng ứng, phối hợp xây dựng các chiến dịch kích cầu du lịch với phương châm “Tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm”, bảo đảm tiêu chí an toàn, hấp dẫn khách du lịch. Chuẩn bị sẵn sàng nội dung, kịch bản và điều kiện cần thiết tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ khách du lịch khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Đặc biệt, để phục hồi trở lại hoạt động du lịch trong bối cảnh “sống chung” với dịch bệnh hiện nay, cần gắn kết chặt chẽ và hiệu quả với chương trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển du lịch. Theo đó, ngành du lịch cần chú trọng triển khai các sản phẩm thực tế ảo, thực tế tăng cường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu cập nhật, số hóa dữ liệu du lịch Thanh Hóa phục vụ công tác tuyên truyền trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế điện tử thông qua mã QR Code; đăng ký điểm đến, dịch vụ an toàn trên bản đồ ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”; chào và bán dịch vụ online, thanh toán trực tuyến (không dùng tiền mặt)...

Để quảng bá rộng rãi thông điệp truyền thông “Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn”, ngoài các kênh truyền hình Trung ương, địa phương và báo chí, cần chú trọng tuyên truyền trên các website và mạng xã hội như facebook, youtube, twitter, zalo... Đặc biệt, Thanh Hóa cần sớm xây dựng bộ nhận diện, gồm hình ảnh thương hiệu (logo) và khẩu hiệu (slogan); sản xuất các ấn phẩm, vật phẩm phục vụ quảng bá thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Căn cứ tình hình diễn biến của dịch bệnh để lựa chọn cách thức tổ chức và tham gia tổ chức (trực tuyến hoặc trực tiếp) các sự kiện xúc tiến, tuyên truyền, giới thiệu về du lịch Thanh Hóa.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm và môi trường du lịch thân thiện, thì chất lượng nguồn nhân lực được xem là nhân tố chìa khóa. Chính vì vậy, ngành du lịch cần quan tâm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch (bàn, bar, bếp, lễ tân...); các lớp nâng cao trình độ ngoại ngữ, các lớp du lịch cộng đồng, văn hóa ứng xử... cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch và người dân tại các địa phương làm du lịch./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top