Aa

Thanh khoản thị trường sụt giảm, vì đâu?

Thứ Hai, 28/06/2021 - 13:37

Theo chuyên gia, sự dịch chuyển dòng tiền từ nhóm cổ phiếu trụ cột sang các nhóm cổ phiếu khác, kết hợp việc nghẽn lệnh trên HSX vẫn còn những ngày chờ gỡ, đã khiến thanh khoản thị trường sụt giảm.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (26/6), VN-Index đóng cửa tăng 0,75%, dừng tại 1.390,12 điểm cũng là mức cao kỷ lục mới. Chỉ số HNX-Index tăng 1%, đóng cửa tại 318,22 điểm; Chỉ số UpCOM-Index giảm 0,22%.

Thanh khoản thị trường ở mức tương đương phiên trước với tổng giá trị giao dịch đạt 23.500 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 20.700 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng khoảng hơn 80 tỷ đồng trong phiên 25/6. Như vậy, kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới, tuy nhiên, về thanh khoản trên thị trường lại có sự sụt giảm. Riêng sàn HOSE chỉ đạt 16.700 tỷ đồng, giảm gần 50% so với đỉnh (32.000 tỷ đồng) của thị trường cách đó 2 tuần.

Thanh khoản thị trường chứng khoán đã sụt giảm trong những phiên gần đây, dù chỉ số phiên cuối tuần trước vẫn tăng. Thị trường đang lặp lại sắc thái xanh vỏ đỏ lòng
Thanh khoản thị trường chứng khoán đã sụt giảm trong những phiên gần đây, dù chỉ số phiên cuối tuần trước vẫn tăng. Thị trường đang lặp lại sắc thái "xanh vỏ đỏ lòng"?

Lý giải về nguyên nhân thanh khoản thị trường sụt giảm, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc phân tích CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng, trong tuần vừa qua có thể thấy thanh khoản trên thị trường có sự sụt giảm so với 2 tuần trước đây, khoảng 20.000 tỷ đồng so với mức cao nhất từ trước đến nay là khoảng 31.000 tỷ đồng, con số sụt giảm có thể thấy là tương đối lớn.

Tuy vậy, thanh khoản thường duy trì ở mức trên 20.000 tỷ đồng, do đó có thể nói rằng thị trường vẫn đang ở trong giai đoạn thanh khoản cao nhất so với lịch sử thị trường chứng khoán so với trước đây.

Ông Lê Ngọc Nam.
Ông Lê Ngọc Nam - Giám đốc phân tích CTCK Tân Việt (TVSI)

“Việc thanh khoản sụt giảm xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân dòng tiền đã dịch chuyển bớt từ nhóm cổ phiếu trụ như nhóm ngân hàng, nhóm sắt thép, hay nhóm chứng khoán có một giai đoạn hơn 2 tuần chững lại; trong khi đó, dòng tiền chuyển bớt sang các nhóm cổ phiếu thuộc nhóm thủy sản, xuất khẩu, gỗ, phân bón…”, ông Lê Ngọc Nam phân tích.

“Rõ ràng việc dịch chuyển dòng tiền đã dẫn đến có hiện tượng thanh khoản sụt giảm. Tuy nhiên, theo tôi nhận thấy thị trường vẫn đang giao dịch ổn định mặc dù chúng ta chưa qua đỉnh 1.370 điểm một cách thuyết phục. Thị trường vẫn đang trong trạng thái tích lũy và chờ đợi các thông tin sắp tới”, ông Nam cho biết thêm.

Về một số thông tin có thể tác động lên trường, chuyên gia từ TVSI cho rằng, nếu như các nút thắt margin từ phía các CTCK cũng như việc nghẽn lệnh được giải quyết vào thời điểm tháng 7, thì đây sẽ là những thông tin tác động lên thị trường trong 1 - 2 tuần tới.

Trong tuần giao dịch tới, chúng ta đón chào nhiều thông tin như việc nâng cấp được hệ thống giao dịch của HSX, tăng được dung lượng lệnh đối với sàn và có thể nói kỳ vọng vào việc chấm dứt hoàn toàn việc nghẽn lệnh trong thời gian dài vừa qua.

“Ngoài ra thông tin về kết quả kinh doanh cũng bắt đầu có nên nhà đầu tư cần lưu ý. Về diễn biến thị trường tôi cho rằng thị trường vẫn sẽ có diễn biến đi ngang trong khoảng 1.250 - 1.370 điểm, do đó có thể 1 số nhóm ngành có kết quả kinh doanh trước sẽ có tác động tích cực hơn”, Giám đốc phân tích TVSI cho hay.

VN-Index đóng cửa với cây nến hammer với giá đóng cửa xấp xỉ cao nhất tuần, cho tín hiệu rất tích cực, nhất là khi chỉ số bật trở lại từ hỗ trợ MA(10) quanh vùng 1.372 điểm. Biên độ giao dịch nhìn chung vẫn rất hẹp, thanh khoản chưa cải thiện được nhiều so với giai đoạn trước đó. Về khung đồ thị tuần, VN-Index vẫn duy trì cây nến tăng điểm nhưng đà tăng đã chậm lại so với tuần trước đó./.

"Thanh khoản trong ngắn hạn là biểu thị của sự kỳ vọng dòng tiền đầu cơ hơn là dòng tiền đầu tư. Do vậy khi thanh khoản sụt giảm nó cho thấy kỳ vọng ngắn hạn đối với thị trường của giới đầu cơ đã suy giảm ít nhiều. Chi tiết hơn về thanh khoản cần xét 2 vấn đề trọng yếu: Thứ nhất, thanh khoản với so với trung bình 1 - 2 tuần hoặc 1 tháng, do vậy việc sụt giảm thanh khoản trong một phiên không nói lên điều gì; Thứ hai, cần đo chi tiết thanh khoản của những nhóm ngành dẫn đầu thị trường trong sóng trước đây, như nhóm ngân hàng - chứng khoán - vật liệu xây dựng, khi chúng ta đo theo trung bình tuần hay tháng mà thanh khoản sụt giảm thì đây là vấn đề lo ngại trong ngắn hạn của thị trường, khi xuất hiện yếu tố này, buộc nhà đầu tư phải thay đổi chiến thuật đầu tư”, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới CTCK Mirae Asset Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top