Mất việc làm là trở thành người thất nghiệp, dù anh là ai, chị là ai. Dù có học gạo hay ít học gạo, thất nghiệp coi như một bước trượt, trượt dài khi cơ nhỡ. Nhiều năm sau, khi nhìn lại lần thất nghiệp ngày trẻ, sau nhiều thất vọng, ưu phiền, tôi nhận ra: Phải cảm ơn thất nghiệp đã cho tôi nhìn thấy một khả năng khác, ẩn giấu trong con người của mình. Khả năng viết. Nếu không, thì bây giờ tôi vẫn chỉ là một người đàn bà nội trợ mà thôi.
Mới đây, tôi nhận được điện thoại của đứa cháu tên Thuận. Thuận vừa ba mươi tuổi, con một người bạn học cùng thuở đại học với tôi. Cháu gọi hỏi thăm, rồi rụt rè ngỏ ý muốn mượn ít sách tiểu thuyết văn học để đọc, cũng ý tứ, đối thoại xem tôi có ngại “Cô Vy” không? Dĩ nhiên có đồng minh đọc sách, tôi đồng ý ngay.
Khi đến mượn sách, cháu mới giãi bày: “Trung tâm ngoại ngữ nơi cháu dạy học không có lương ba tháng rồi, mấy thầy giáo nước ngoài cũng không có lương nốt. Họ không đủ tiền thuê nhà trọ, nên đã về nước từ cuối tháng hai, khi nạn dịch còn nhẹ, ít ca nhiễm bệnh... Còn mấy cô giáo đi dạy hợp đồng, một cô có chồng chỉ làm thợ cắt tóc vỉa hè ở khu Bách Khoa, cũng thất nghiệp nốt, khách chưa vội cắt tóc. Hàng ngày hai vợ chồng trẻ thất nghiệp, nhưng chi tiêu vẫn đều đặn như vắt chanh, con thì vẫn phải ăn, lúc sụt sịt đau ốm vẫn cần thuốc men. Nếu trong nhà không có số dư thì phải nghĩ đến bán nữ trang mà cô vợ có, đó là ít của hồi môn mà mẹ đẻ cho”.
Ấy là nhà vợ chồng trẻ còn có của ăn của để. Riêng Thuận không còn mẹ để về với mẹ, nên cháu thấy bơ vơ, cháu tìm sổ điện thoại của mẹ, tìm tôi để mượn sách văn học về đọc. Tiêu thời gian có ích bằng cách đọc sách trước đèn, tôi có thêm người bạn thích nhìn mặt chữ. Tôi biết cháu Thuận, con trai duy nhất của bạn tôi, hồi mẹ Thuận ốm đau, cháu là đứa trẻ hiếu đễ và rất chăm đọc sách y khoa để học cách chữa chạy cho mẹ. Cháu hay dùng thời gian rỗi để đọc, ghi chép và còn tự học ghi ta.
Nhà con một, mẹ mất sớm, cháu thu xếp dọn dẹp nhà cửa, sống độc thân. Phải nói rằng người bạn tôi có một người con rất biết tự lập, tự trọng. Cháu nói cháu thích đọc sách giấy hơn ngồi trên bàn máy vi tính. Nếu dịch giã không được đi lại, cháu sẽ đọc và học thêm một ngoại ngữ. Thời gian này cháu sẽ cố học bù đắp thêm kiến thức còn đang bị rỗng. Tôi mừng nhất là cháu dùng thời gian rỗi cho việc hữu ích, đọc sách, nghe nhạc, học ngoại ngữ và làm việc nhà. Lúc mẹ cháu còn sống cũng dạy cháu nấu nướng nên cháu tự nấu ăn, không ăn cơm hàng, quán, cũng đỡ chi tiêu một khoản.
Rồi cháu Thuận cũng thú nhận với tôi, khi mới nghỉ dạy không lương, cháu cũng lo lắng, hoang mang: "Cháu muốn hỏi bác, nghe nói hồi trẻ bác cũng từng một lần thất nghiệp. Bác có “sốc” không? Có cảm thấy bơ vơ không?”. Tôi ngớ ra, đời tôi, đâu phải chỉ có một lần thất nghiệp. Tôi từng thất nghiệp đúp, và cũng có nhiều ngày “sốc” như cháu: “Có chứ, hồi đó bác về “vườn”, kỹ sư xây dựng, làm tới 20 năm mà được lĩnh có hơn triệu bạc, theo Nghị định 176 năm 1991”.
Nghị định 176 khi tinh giảm biên chế đã đẩy bao nhiêu số phận con người ra khỏi biên chế Nhà nước. Tôi thành dân thường, không lương hưu và ra sống bên lề xã hội. Bạn của tôi, tên T. ở cùng Công ty Xây dựng Số 1 Hà Nội, vốn là kỹ sư kinh tế học trường Đại học Kinh tế Quốc dân, về 176 giảm biên chế, giờ bán rau ở góc đường phố Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bạn rất chăm đọc sách báo, cứ Tết nhất tôi mừng tuổi bạn toàn báo Tết mà bạn vui mừng như trẻ thơ. Vì người bạn T. bán rau vất vưởng ấy mà năm nào tôi cũng cặm cụi viết báo Tết để có báo tặng bạn. Nghị định 176, bạn tôi về nghỉ việc, rồi không chồng, không con. Một kỹ sư kinh tế thản nhiên bán rau, đưa hành lá rau thơm cho quán phở, quán bún qua ngày. Giờ đã ngoài 70, chấp nhận vui vẻ bán rau vỉa hè.
Còn một người bạn nữa, cũng là kỹ sư thi công, từng thi công Cung Văn hóa Hữu nghị. Sau khi về 176, lĩnh "một cục", rồi bạn đi làm thuê cho cửa hàng may tư nhân, phụ việc thùa khuy áo và khâu gấu áo dài. Đến khi gặp một đại dịch, cửa hàng đóng cửa, bạn đi lễ chùa cầu công ăn việc làm, rồi chẳng hiểu cơ duyên nào khiến bạn xuống tóc đi tu ở một ngôi chùa khá xa Hà Nội. Ngôi chùa ấy duy nhất không có hòm công đức, thầy và các tiểu chỉ trồng rau trồng quả, bữa cơm chay trường qua nhiều năm tháng, vẫn ổn. Đó là số phận người bạn mà tôi nghĩ tới phía sau sự thất nghiệp, đã đẩy họ trượt dài trên nhiều lối rẽ khác nhau.
Còn tôi, lấy chồng nhà văn, làm nội trợ. Nhưng bù lại, bước trượt này cho tôi một kinh nghiệm quan sát vỉa hè, chợ búa. Những năm đi làm cửu vạn, chỉ là khuân vải ở chợ Bắc Qua cho một chị bạn buôn sỉ, cứ sau một ngày khuân vác, dù mệt chân tay nhưng đầu lại rất nhẹ, lại có tiền tươi thóc thật cho gia đình. Thực tế đời sống chợ bán buôn, lại có hàng trăm số phận con người được phơi bày, không giấu diếm. Qua cách tám chuyện của bao nhiêu người buôn kẻ bán, tôi đã lắng nghe và thực sự làm giàu cho vốn sống của mình. Sau này kể lại chuyện cho chồng nghe, anh ấy viết lại thành truyện ngắn toàn những điều tôi kể hàng ngày.
Vốn là nàng thất nghiệp, tôi từ một người đàn bà nội trợ, trở thành một nhà báo hợp đồng. Thân phận hợp đồng ở cuối thế kỷ XX mới kinh khủng, tôi hứng đủ thứ thua thiệt, không bảo hiểm, không thưởng, chủ yếu chỉ sống được bằng bài viết. Tôi thất nghiệp ngay cả lúc người chồng của tôi về thế giới bên kia, đối mặt với trắng tay, con dại. Ngước lên chẳng có ai ruột thịt, cúi xuống có cậu con mới học cấp hai.
Thất nghiệp đã dạy tôi không được khóc, tốt nhất là lầm lũi đi làm thuê, rồi viết báo để sống. Tôi nói với Thuận: “Thất nghiệp đã giúp bác nhận ra, mình sống được là nhờ chữ. Đam mê chữ và thích đọc chữ”. Thất nghiệp, còn cho tôi cúi xuống biết ơn những người thầy không đứng trên bục giảng, thầy dạy tôi viết báo qua cách biên tập của họ.
Thay cho lời cảm ơn thì tôi chịu đi nhiều lắm, đọc nhiều lắm, để viết “chất” hơn. Rồi bất chợt nhớ, nhà văn Tô Hoài từng dặn: “Khi viết báo, cháu phải chịu khó ghi chép và quan sát, viết báo chăm chỉ như người thợ dệt vải tấm, không thể giàu có nhưng đủ no”. Thế là tôi đã tập tọng viết để có gạo và no bụng. Viết báo đúng là một nghề rất cần sự chuyên nghiệp. Tôi mày mò, đọc bạn, và phải học từng ngày. Phải lăn lóc trên những chuyến đi độc lập, ghi chép bằng hình ảnh và bằng tư liệu. Học cả khi thất bại, khi bài “đổ” dài dài? Đúng là cơm áo không đùa với khách thơ? Đáng đời tôi lắm!
Nhưng còn một chuyện, dù không thất nghiệp cũng cần nhớ như nhớ hằng đẳng thức đáng nhớ vậy, đó là lời mẹ tôi dạy khi kiếm ra đồng tiền đầu tiên: "Khi con làm ra tiền, tiền mồ hôi nước mắt thì không được hoang toàng, phung phí. Kiếm 10 đồng chỉ nên tiêu 6 đến 7 đồng, nên bớt lại 2 đến 3 đồng phòng khi ốm đau. Nếu không, đi vay thiên hạ sẽ muối mặt lắm”.
Tôi không rõ muối mặt khi vay tiền sẽ ra sao? Nhưng đừng bao giờ chạm đến muối mặt. Lời mẹ tôi dạy thấm vào tôi, thay cho lời tự trọng khi đi vào cuộc sống. Nhưng cần thiết nhất, vẫn là sự bình tâm trong mọi việc lớn, việc nhỏ. Cần thiết học cách chi tiêu. Cần thiết cư xử sao cho thuận, sao cho phải phép trong gia đình, họ mạc. Đó là điều làm vợ đến buổi xế chiều, ai đó cũng vẫn phải học như thường.
Tôi nói với Thuận, thay lời người mẹ: “Thực ra đến độ tuổi nào đó, con người phải vấp ngã, sau trả giá mới sống khác đi được. Điềm đạm hơn, bình tâm hơn và đừng để sự rối trí của mình ảnh hưởng sang người xung quanh”. Lúc ấy, có lẽ cháu tìm sách hay để đọc, sách hay âm nhạc đều là người bạn tri kỷ và chung thủy nhất, mỗi khi cô đơn.
Rồi hạn dịch được đẩy lùi, cháu và đồng nghiệp vẫn có nghề dạy trẻ, cuộc sống sẽ trở lại, hồi sinh. Mọi khó khăn, khổ nạn chỉ là nhất thời. Cõi người không thiếu gì những phiền muộn lo lắng như bão giông, rồi bão dịch sẽ tàn, con người đi qua mọi kiếp nạn sẽ mạnh mẽ hơn, có thể tìm thấy một khả năng khác, một năng lượng mới và cuộc sống nhất định sẽ chỉ ra lối rẽ, cho dù: “Kiếp người là một gánh lo hãi hùng” (thơ Lý Phương Liên).