Aa

Thêm hàng nghìn mã số giao dịch cho nhà đầu tư ngoại

Thứ Ba, 15/10/2019 - 06:10

Bất chấp thị trường trong nước "vật vã" trước mốc 1.000 điểm, số lượng nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mở mã số giao dịch chứng khoán vẫn tăng mạnh.

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) vừa thông báo đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 1.080 nhà đầu tư nước ngoài trong quý III.

Trong đó, chủ yếu mã số giao dịch cho nhà đầu tư cá nhân với 948 mã, và bao mã giao dịch cho132 tổ chức. Trong kỳ, có 15 nhà đầu tư nước ngoài bị hủy mã số giao dịch.

Hiện, tổng lượng mã giao dịch chứng khoán hiện hành của nhà đầu tư nước ngoài là 32.098 mã. Bao gồm 4.441 tổ chức và 27.657 cá nhân. Như vậy, 9 tháng đầu năm, Trung tâm Lưu ký cấp tổng 3.100 mã giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo nhận định của đa phần các công ty chứng khoán, thị trường chứng khoán 9 tháng qua không nhiều khởi khắc. Cho đến đầu tháng 10, VN-Index vẫn "vật vã" trước mốc 1.000 điểm.

Kết thúc quý III, VN-Index tăng 11% so với đầu năm. HNX-Index tăng nhẹ 0,79%, còn UPCoM-Index tăng 7,5%. Thị trường quý cuối năm có vẻ cũng chưa nhiều kỳ vọng. CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, Việt Nam đang là thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt trong khu vực ASEAN khi chỉ số VN-Index tăng gần 11% trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn khá nhiều so với S&P 500 khi tăng gần 19% trong năm.

Trong quý cuối năm, từ tháng 10 trở đi, có thể kỳ vọng lợi nhuận tích cực hơn cho đến cuối năm không là điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này.

Trong khi, Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng, kết quả kinh doanh quý III sẽ là thông tin tích cực trong ngắn hạn, hỗ trợ thị trường vượt qua ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. Dù vậy, khi dòng tiền chưa có sự cải thiện mạnh và mức P/E của nhiều cổ phiếu ở mức cao cũng chưa thể giúp thị trường có một xu hướng rõ ràng trong quý IV.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố tác động trong và ngoài nước, BSC cho rằng VN-Index có thể vận động từ 940 - 1.050 điểm quý IV, trong đó vùng giá trọng tâm quanh 980 điểm. VN-Index có thể sẽ hồi phục lên đến 1.015 - 1.025 điểm tháng 10, nếu không vượt được đỉnh ngắn hạn này thì VN-Index sẽ quay lại dao động tích lũy quanh 980 điểm trong tháng 11 và hồi phục dần trong tháng 12.

Trường hợp tích cực, VN-Index đóng cửa trên 1.000 điểm vào cuối năm. Xu hướng vận động vẫn vận động quanh các mã cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu hết room nằm trong bộ chỉ số mới kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn ngoại mới.

Trường hợp tiêu cực, VN-Index có thể giảm dưới 960 điểm khi gặp nhiều thông tin bất lợi từ thế giới và dòng vốn quốc tế chưa đủ sức lan tỏa đến các thị trường.

Diễn biến giao dịch nhà đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm. Nguồn SSI

Trong khi ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích tư vẫn nhà đầu tư cá nhân SSI cho rằng, đối với các yếu tố trong nước, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 21/10 tới 21/11 sẽ đóng góp những diễn biến quan trọng về mặt vĩ mô. Đáng chú ý là khả năng thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi), mang lại những tác động trọng yếu tới TTCK, trong ngắn và dài hạn. 

Riêng tháng 10, kết quả kinh doanh quý III/2019 của các doanh nghiệp niêm yết vốn hóa lớn có thể sẽ định hướng dòng tiền của nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường giai đoạn quý cuối năm vẫn đối mặt với không ít rủi ro. Khởi đầu bằng diễn biến khó lường của hội kiến thương mại Mỹ - Trung, sự mở rộng mặt trận thuế quan của Trump, thời hạn Brexit đang đến gần… cho đến nhân tố quan trọng nhất quyết định xu hướng của TTCK là tăng trưởng kinh tế. Sự bất định và các rủi ro chính sách gia tăng khiến thị trường tài chính toàn cầu trở nên rủi ro. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn chịu áp lực từ tình trạng bán ròng của khối ngoại kéo dài từ tháng 8 đến nay, cùng với ngưỡng tâm lý 1000 điểm. Chịu ảnh hưởng từ những yếu tố nêu trên, VN Index có khả năng vẫn duy trì trạng thái giằng co trong quý IV/2019. Không loại trừ khả năng VN Index có thể vượt ngưỡng cản 1000 điểm nhờ một vài cổ phiếu trụ cột tăng cục bộ, tuy vậy cung chốt lời sẽ gia tăng theo đà đi lên của chỉ số, như những gì đang diễn ra trong các phiên giao dịch đầu tháng 10.

Trao đổi với phóng viên Reatimes, ông Quang Hiệu, chuyên viên cao cấp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán cho hay, diễn biến thị trường chứng khoán trong nước thời gian qua dù không có nhiều biến động nhưng đó là diễn biến chung của thị trường chứng khoán khu vực và quốc tế. Thậm chí xét trong khu vực, tăng trưởng VN-Index vẫn khá khả quan. Và về dài hạn, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, chính sách vĩ mô hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp lớn cổ phần hóa, xu hướng M&A… sẽ đặc biệt hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.

Hơn 50% cổ phần của IVS sẽ được công ty chứng khoán lớn nhất Trung Quốc nắm giữ

Chẳng hạn mới đây, Công ty chứng khoán lớn nhất Trung Quốc - Quốc thái quân an đã “chốt” mua cổ phần chi phối tại IVS công ty cổ phần chứng khoán Đầu Tư Việt Nam (IVS).

Hồi tháng 5/2019, IVS đã thông qua kế hoạch phát hành thêm 35,35 triệu cổ phiếu với mức giá chào bán 10.800 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị 381,78 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ lên 693,5 tỷ đồng. 

Đây là một động thái cho thấy, nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang đặc biệt muốn tiến sâu vào thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top