Ngô Đăng Khoa sinh năm 1952 tại Thanh Hoá. Năm 1972, anh nhập ngũ vào chiến trường B. Lăn lộn qua mấy cuộc chiến, hết biên giới Tây Nam đến biên giới phía Bắc, năm 1983, đang là cán bộ chỉ huy một tiểu đoàn công binh thuộc sư đoàn 314, anh đột ngột xin ra quân. Đã có một đời vợ dang dở ở quê (chị mất vì trọng bệnh), anh tái hôn với một thiếu nữ dân tộc Tày, chị Hoàng Thị Chiên và lấy Bắc Quang (Hà Giang) quê vợ làm quê hương thứ hai của mình. Tại đây chàng cựu quân nhân đã dấn mình lập nghiệp theo con đường kinh doanh.
Từng là lính, thú thật tôi không hiểu được quyết định này của anh. Tôi cũng chưa bao giờ biết lý do việc anh ra quân. Có thể cuộc tình với cô gái Tày lúc đó chỉ 17 tuổi khiến anh đã từ bỏ quân ngũ. Tôi đã nghe chị Chiên kể về những ngày tháng gian khó này. Thật khó hình dung một đại gia thực sự sau này ban đầu lại khởi nghiệp bằng nghề buôn gà vịt.
Từ gà vịt đi lên, hơn 15 năm sau, năm 1999, Ngô Đăng Khoa chính thức thành lập Công ty Dịch vụ Du lịch suối khoáng Thanh Hà (tên ghép của hai quê Thanh Hoá và Hà Giang) với một cơ ngơi bề thế bao gồm cả khu suối khoáng của tỉnh giao cho Công ty quản lý. Đây thực sự là một điểm nghỉ ngơi, du lịch lý tưởng của Hà Giang.
Các thành viên của đoàn phim đã rất lý thú với khu nghỉ này. Họ có thể yên tâm thoải mái với điều kiện nghỉ ngơi chưa bao giờ có được trong khi làm phim. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là người kỹ tính, ông có vẻ băn khoăn khi nhẩm tính con số Ngô Đăng Khoa trợ giúp nơi nghỉ. Một con số khổng lồ lên đến hàng trăm triệu khi đoàn phim quay ít nhất phải trong ba tháng với quân số mấy chục con người. Vẫn điệu cười hà hà thường nhật, Ngô Đăng Khoa bảo: “Bác đừng lăn tăn gì. Em là dân kinh doanh, tính toán nhanh lắm. Không có con số ấy đâu. Phòng ốc có sẵn, suối khoáng có sẵn, chỉ phải chi tiền điện, thêm nữa là tiền củi nấu ăn, nhân viên phục vụ. Tất tật chỉ vài chục triệu đồng”. Nghe có lý, một cách tính tiền đầy tình cảm.
Sau khi thoả thuận miệng như vậy, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần bắt tay cùng tôi làm kịch bản. Hoạ sĩ Trần Hùng cùng quay phim Phạm Quang Minh, những người đặc biệt yêu thích “Ma làng”, hăm hở tác nghiệp. Họ chọn bối cảnh chính ở xã Việt Lâm, huyện Bắc Quang. Cũng là núi là rừng, cũng ruộng bậc thang, cũng những người dân gần giống trong tiểu thuyết.
Những ngày này dù rất bận bịu với công việc (Ngô Đăng Khoa còn kinh doanh nhận thầu công trình, đường sá) nhưng anh tận tình giúp đoàn phim trong việc tìm bối cảnh, liên hệ với địa phương.
Phải công nhận người dân Hà Giang thuần khiết, hết lòng ủng hộ đoàn phim. Chính quyền, từ xã Việt Lâm đến huyện Bắc Quang và cả các cơ quan trong tỉnh, đều nhiệt tình giúp đỡ. Tôi khó lòng quên nổi một buổi giao lưu giữa đoàn phim (chỉ những thành phần chính đi chọn cảnh) với lãnh đạo xã Việt Lâm. Hôm ấy, chúng tôi được chiêu đãi một bữa thịt dê núi tại nhà sàn của một cán bộ xã. Cuộc rượu tưng bừng khiến tất cả nghiêng ngả. Tôi hầu như quên đi bệnh tật, uống như thuở nào còn sung sức. Rượu ngon, bạn hiền, ca khúc nhạc sỹ Trọng Đài phổ thơ Ngô Đăng Khoa, do ca sĩ Mai Hoa hát vang lên da diết:
“Anh chạm vào chiếc lá
Biết là thu qua rồi
Anh chạm vào ngọn gió
Biết là em xa xôi…
Mưa thì quá vô tư
Nắng cứ vàng như lụa
Chỉ anh là lá úa
Chỉ anh là bão giông…”
Có ca khúc này là do đạo diễn Nguyễn Hữu phần nhờ nhạc sĩ Trọng Đài làm nhạc phim (sau này nhóm nhạc của Hồng Quang thay thế).
Đã từng đi nhiều, hầu như khắp đất nước, nhưng tôi phải công nhận không dễ gì có những cuộc rượu vui vẻ như vậy. Nguyễn Hữu Phần là người không biết uống ruợu nhưng lần đầu tiên tôi chứng kiến anh uống như một “tửu đồ” chính hiệu. Cũng trăm phần trăm như ai. Kết quả vị đạo diễn này bất tỉnh nhân sự để rồi đến sáng hôm sau anh bảo tôi: “Bây giờ thì tôi biết vì sao các ông thích say sưa rồi. Mệt bỏ mẹ nhưng sướng!”. Anh nói thêm sướng là sướng ở cái tình của người uống rượu. Nhưng chính từ cái “sướng” đột xuất ấy, một quyết định quan trọng đã làm thay đổi bối cảnh phim “Ma làng”. Sự nhiệt tình của địa phương và bản thân Ngô Đăng Khoa đã khiến các thành viên đoàn phim ý thức nhiều hơn về trách nhiệm với “Ma làng”, giờ đã được họ coi là máu thịt. Lúc này kịch bản đã hoàn tất chỉ còn đợi xong bối cảnh là bấm máy. Đầu tiên là sự ngãng ra của hoạ sĩ và quay phim.
Họ bảo phim của đêm trước đổi mới, nghĩa là nghèo đói, mà bối cảnh thì no đủ, rừng núi tươi tốt như ở Hà Giang thì làm sao tái hiện được, quay lên thì giả khườn khượt, ai xem. Kế đến là đạo diễn. Ông chợt nghĩ ra khó có thể điều động diễn viên được với xa cách địa lý mấy trăm cây số thế này. Và cái lý này mới quan trọng. Có một chút tự ái, mình làm phim Nhà nước đàng hoàng có chế độ hẳn hoi sao lại phải nhờ vả khắp nơi mãi như vậy. Vả lại những người như Ngô Đăng Khoa quá tốt với đoàn phim, sao có thể đành lòng lạm dụng. Chấp nhận khó khăn, khổ sở thiếu thốn, mọi người thống nhất trở về “căn cứ địa phim trường” Lương Sơn (Hoà Bình). “Ma làng” đã nhanh chóng được bấm máy ngay sau đó. Và đó là một quyết định sáng suốt.
Ngô Đăng Khoa buồn thật sự về tin này. Anh về Hà Nội gặp tôi tỏ ý tiếc. Tôi thay mặt đoàn phim cảm ơn anh và nói rõ lý do. Cảm thông nhưng vẫn buồn. Sau này khi Ngô Đăng Khoa bị Công an Hà Giang khởi tố bắt giam ngay sau khi “Ma làng” bấm máy được non nửa thời gian, tôi vẫn không hiểu vì sao đoàn phim lại có một quyết định may mắn đến thế. Vẫn biết là ai làm nấy chịu, cũng không rõ Khoa làm ăn thế nào mà lại có một kết cục bi đát như vậy nhưng chúng tôi vẫn không khỏi giật mình, hú vía. Lòng tốt của anh suýt nữa đẩy chúng tôi vào một tình thế khó xử, thậm chí không tránh khỏi thảm hoạ, vỡ bối cảnh. Dù gì thì vẫn phải cảm ơn anh. Ai cũng thương Khoa nhưng bất lực không thể làm gì.
Cái tin Ngô Đăng Khoa bị bắt đã gây chấn động trong bạn bè văn chương. Anh là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, đồng thời là hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Với hai tập thơ “Hồn quê”, “Mưa nắng quê nhà” đã xuất bản, bằng chất lượng thực sự, tôi tin, nếu không có kết cục kia, chỉ một thời gian nữa, chắc chắn Ngô Đăng Khoa sẽ trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như anh ao ước. Thật tiếc.
Thơ Ngô Đăng Khoa nghiêng về đồng nội, thấm đẫm hồn đất, tình quê, với những tứ thơ chân chất giản dị và những câu thơ mộc mạc chân thành:“
Thơ tôi thơ của quê mùa
Cây sung góc ruộng, khế chua cuối vườn…”.
Bài “Thầy tôi” của anh viết về người cha thân yêu cảm động đến rơi nước mắt dù đó chỉ là một câu chuyện đời thực kể bằng vần điệu. Nhà văn Phù Ninh từng phát biểu rất chí lý về Khoa: “Thằng đó là doanh nghiệp có tiền, nhưng thơ nó hay thật”. Trịnh Thanh Phong kể lại lý do Ngô Đăng Khoa gia nhập Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang vì có tình cảm với Tuyên Quang và muốn có thơ in ở vùng quê hương Việt Bắc. Có lẽ Ngô Đăng Khoa làm doanh nghiệp như một thứ “phu nghiệp”, còn với thơ, đấy là thứ anh theo đuổi suốt đời.
Vợ anh, chị Chiên một lần ngậm ngùi nói với tôi sau khi anh đã mất: “Chỉ thơ là quan trọng với anh ấy thôi…”. Tôi nhìn đôi mắt ngầng ngậng nước của chị, chợt hiểu rằng thơ là gánh nặng của đời anh và đó cũng là khởi nguyên bi kịch. Khi chuẩn bị viết bài này, tôi đã tìm chị để tìm hiểu thêm về đời sống vợ chồng anh. Người đàn bà giờ thay anh điều hành Công ty và gia đình với ba đứa con đã trưởng thành, đầy mệt mỏi không nói gì nhiều. Chị không muốn nói nhưng lại nói ra điều ít người biết: “Thực ra dạo chuẩn bị làm phim “Ma làng”, vợ chồng em giận nhau. Nếu không có vụ anh ấy bị bắt thì bọn em đã ly dị.”. Tôi không thể hỏi gì thêm. Chẳng cần hỏi, tôi cũng mang máng đoán ra sự thể. Đó là bi kịch của người làm thơ có tiền. Nhưng thôi giờ anh đã đi xa, thật xa, nói lại điều ấy chẳng ích gì.
Bẵng một dạo sau khi Khoa bị bắt, vài tháng sau tôi được tin anh đã được tự do, bèn gọi điện hỏi thăm. Không còn hà hà cười như trước, giọng anh buồn bã, mệt mỏi. Khoa hứa sẽ về Hà Nội chơi. Lại bẵng một dạo rồi nghe nói Khoa bị ung thư. Vài cuộc điện thoại thăm hỏi rồi bỗng nhiên một lần anh gọi điện cho tôi bảo lên gấp anh muốn gặp. Giọng Khoa yếu ớt khiến tôi phát hoảng. Tôi cùng Trung Trung Đỉnh vội bổ lên cùng với Trịnh Thanh Phong. Không thể ngờ đó lại là những ngày cuối cùng của Khoa. Anh đã sắp đến giới hạn cuối cùng. Không còn nằm được nữa, anh ngồi thu lu ôm lấy một góc chân giường. Khối u đã di căn phát trướng ổ bụng. Anh hối thúc vợ con làm cơm và ép chúng tôi phải ăn cùng bữa chia tay.
Tôi đã từng tiễn biệt bạn bè, người thân với nhiều cái chết khác nhau nhưng chia tay kiểu này thì thật khó chịu đựng nổi. Mệt nhưng anh nói, có bạn nên rất vui. Hình như Khoa cố gượng gồng để ăn hết đến hai lưng cơm. Anh nói với tôi: “Tiếc là tôi với ông gặp nhau quá muộn, chỉ dăm lần. Nếu sớm hơn thì chúng ta có thể giúp nhau được nhiều”. Lúc này bệnh gan của tôi đang nặng nhưng tôi không thể không uống.
Tôi rót rượu và đặt lên tay anh chiếc chén không cụng tượng trưng, chợt nhớ đến lần đầu gặp nhau mà lòng xa xót. Tôi uống với lời nhủ thầm, chén này tôi uống hộ anh. Chén này, chén nữa… Ruợu vào đến đâu thành nước mắt tràn ra đến đấy. Rồi Khoa bảo, tôi gọi ông lên để tặng ông một món quà. Đó là bình rượu quý ngâm mật, to vật, cỡ dăm chục lít. Ai có thể nỡ lấy đi lúc ấy bình rượu kỷ vật. Và tôi cũng có còn uống được đâu mà lấy. Tôi bảo Khoa, bình ruợu này cứ để ở đây dùng chung. Anh bảo vợ niêm phong lại, ghi tên Đỉnh, Khoa, Tiến. Ai đi trước thì hai người kia chia nhau, tôi ngờ rằng anh và anh Đỉnh sẽ được uống phần của tôi. Khoa thoáng cười. Nụ cười chua chát của một người biết mệnh mình.
Người bệnh ung thư tỉnh táo đến lúc chết. Anh đòi được chôn mình trên lưng chừng núi sau nhà. Nghe kể, trước khi chết, anh đòi mang ra từ Thanh Hoá một số món quà quê chỉ nhìn chứ không ăn. Và nữa, anh đòi nhòm bằng được chiếc quan tài của mình. Thấy rồi thì lặng lẽ gật đầu. Một cái chết được biết trước thật đáng sợ. Một kết cục được nhìn thấy, có lẽ thế còn đáng sợ hơn. Tôi cứ vân vi mãi về chuyện anh bị bắt. Con người thơ trong anh hẳn sẽ vô cùng phẫn nộ với con người đại gia được cóp lại từ những chặng đường kinh doanh của anh. Liệu có thể dung hoà hai con người ấy. Chỉ có anh mới hiểu. Nhưng dù có thế nào thì anh vẫn là Ngô Đăng Khoa, một người bạn để lại nhiều kỷ niệm...
Cái hôm Ngô Đăng Khoa mất, tôi từ Hà Nội lên viếng nhưng không thể đưa Khoa lên núi. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần không đi được, gửi đồ viếng lên. Tôi đặt vòng hoa thay mặt đoàn phim viếng anh. "Đoàn phim “Ma làng” kính viếng!". Không còn từ ngữ nào hơn, cũng không có cách gì khả dĩ hơn để biểu thị lòng thương tiếc của những người làm phim với anh.
Giờ thì “Ma làng” đã phát sóng lâu rồi và anh cũng đã phiêu diêu ở đâu đó thật xa. Vâng! Đó có thể là số phận. Cũng có thể chỉ là những sắp đặt vô tình. Không quan trọng, bởi vì chúng ta đã được sống đầy đủ cuộc sống của chính mình, dẫu đó là hạnh phúc hay bất hạnh. Và những dòng này xin được chắt lại thành một ly rượu mời anh. Một thi sỹ bạc mệnh!