Chịu nhiều lực nén trong năm 2020...
Năm 2020 là một năm đầy biến động và khó khăn đối với Đà Nẵng. Sống chủ yếu nhờ vào hoạt động du lịch, dịch vụ vậy mà đại dịch đi qua đã khiến thị trường này gần như “ngủ đông” trong suốt một năm liền.
Ngành du lịch bị ảnh hưởng, kinh tế của TP. Đà Nẵng cũng có nhiều biến động, khi lần đầu tiên địa phương có tốc độ tăng trưởng âm 9,77%. Kéo theo đó là sự ảm đạm của thị trường bất động sản.
Theo báo cáo của DKRA, trong năm 2020, nhìn chung thị trường bất động sản Đà Nẵng sụt giảm mạnh về nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ. Tỷ lệ tiêu thụ đất nền trên nguồn cung mới chỉ đạt 2% so với năm 2019, giá bán thứ cấp giảm trung bình khoảng 5 - 20% nhưng thanh khoản rất hạn chế.
Còn tại phân khúc nhà phố, biệt thự, hầu như không có dự án nào mới mở bán. Giao dịch trên thị trường chủ yếu là ở nguồn cung đã mở bán từ những năm trước đó. Không ít chủ đầu tư đã điều chỉnh giảm giá bán sơ cấp, đồng thời đưa ra các gói hỗ trợ hấp dẫn nhằm kích cầu thị trường nhưng tình hình vẫn không chuyển biến tốt hơn. Cùng với đó, giao dịch thứ cấp cũng kém sôi động, nhiều khách hàng chấp nhận giảm giá, cắt lỗ hoặc giảm một phần lợi nhuận để thu hồi vốn. Mức giảm ở một số dự án lên đến 500 - 800 triệu đồng/căn, song lượng tiêu thụ chỉ bằng 23% cùng kỳ năm trước.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, với những lực nén này trong năm 2020, thị trường bất động sản Đà Nẵng gần như rơi xuống đáy nhưng lại là cơ hội để thanh lọc đầu tư, tạo sức bật mạnh mẽ trong năm 2021.
… Và tạo sức bật mạnh mẽ năm 2021
Trước những khó khăn từ năm cũ, cùng diễn biến dịch bệnh có thể còn kéo dài, Chính phủ và chính quyền TP. Đà Nẵng đã có nhiều chính sách nhằm cải thiện đầu tư, phát triển thị trường bất động sản thích nghi trong bối cảnh mới.
Đơn cử, ngày 15/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành thành phố quốc tế, một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; cửa ngõ tuyến hành lang kinh tế Đông Tây; điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm du lịch, dịch vụ, kinh tế biển của Việt Nam và Đông Nam Á…
Theo đó, thành phố sẽ tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, song song mở rộng thu hút đầu tư, phát triển loạt đô thị trọng điểm, củng cố vị thế điểm đến hàng đầu trong mắt nhà đầu tư trong ngoài nước.
Ngoài ra, đầu tháng 3/2021, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng đã ký quyết định phê duyệt danh mục 57 dự án trọng điểm ưu tiên thu hút đầu tư. Trong đó có dự án hệ thống giao thông vận tải công cộng khối lượng lớn như hệ thống tàu điện ngầm, xe điện bánh sắt tramway tổng mức đầu tư dự kiến 54.500 tỷ đồng; dự án tàu điện kết nối từ sân bay Đà Nẵng, qua trung tâm thành phố đến Hội An theo tuyến đường ven biển đến phố cổ Hội An với vốn đầu tư dự kiến 7.497 - 14.995 tỷ đồng. Bên cạnh đó, địa phương còn kêu gọi đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, một trong 3 cảng trọng điểm nhất của quốc gia.
Ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo có 6 dự án, gồm: Trường đào tạo liên cấp quốc tế (huyện Hòa Vang, diện tích 1,8ha); Trung tâm đào tạo kỹ năng quốc tế (huyện Hòa Vang, diện tích 46ha) tổng vốn đầu tư dự kiến 227,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó dự án Khu đô thị đại học (quận Ngũ Hành Sơn, diện tích 20ha) vốn đầu tư dự kiến 342 tỷ đồng, trường Đại học Quốc tế (huyện Hòa Vang) tổng vốn đầu tư dự kiến 1.138 tỷ đồng...
Về lĩnh vực y tế, có dự án Trung tâm điều trị ung bướu quốc tế chất lượng cao quy mô 500 giường bệnh có tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 11.000 tỷ đồng. Về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại có 11 dự án được ưu tiên thu hút đầu tư.
Ngoài ra, yếu tố thu hút đầu tư quốc tế vào Đà Nẵng cũng đang được coi trọng và đẩy mạnh. Bên cạnh việc thương hiệu Arevo (Mỹ) đề xuất đầu tư 135 triệu USD phát triển dự án có quy mô 10,6ha tại khu công nghệ cao Đà Nẵng, thành phố cũng cấp phép đăng ký đầu tư cho 6 dự án lớn khác, trong đó có 3 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gần 150 triệu USD từ Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Chính nhờ những chính sách hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư cùng việc đồng bộ hoá hạ tầng giao thông đã giúp nền kinh tế Đà Nẵng nói chung và ngành bất động sản nói riêng có nhiều tín hiệu phục hồi tốt.
Theo số liệu từ Batdongsan.com.vn, trong quý I/2021 nhu cầu tìm kiếm, đầu tư bất động sản tại Đà Nẵng tăng 32% so quý IV/2020. Đây là điểm sáng đầu tiên, đặt nền móng cho những phục hồi về sau. Nhiều chuyên gia cũng dự báo, bất động sản Đà Nẵng sẽ phục hồi lại tính thanh khoản và tăng nhiệt trở lại ngay từ quý II năm 2021. Đặc biệt, "hộ chiếu" vaccine đã được thông qua, sẽ là một bước thúc đẩy lớn cho sự hồi phục và phát triển kinh tế, giúp bồi đắp giá trị bất động sản tại Đà Nẵng.
Trong bối cảnh bất động sản vẫn được xem là kênh đầu tư hấp dẫn, mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong khoảng thời gian hơn 10 năm trở lại đây tại Việt Nam, các chuyên gia dự báo, thời gian tới ngày càng nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển hướng về Đà Nẵng - một thành phố có vị thế số 1 tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nếu bỏ qua cơ hội “bắt đáy” để đón đầu thời cơ tăng giá mới, thì không ít nhà đầu tư sẽ phải tiếc nuối.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Landora Group nhận định: “Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản Đà Nẵng đã có hai năm nằm “vùng đáy” và năm 2021 chính là “đáy” của một chu kỳ tăng trưởng mới - thời điểm không thể tốt hơn để vào thị trường. Đầu tư bất động sản Đà Nẵng ở thời điểm hiện tại chính là cơ hội “vàng” lần thứ 2 cho các nhà đầu tư. Cơ hội bằng “vàng” lần đầu tiên là thời điểm năm 2016, trước khi thị trường bứt phá và tăng giá mạnh mẽ”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng: “Cuối năm 2020, nhiều nhà đầu tư tập trung tại các dự án ở miền Bắc và miền Nam. Tôi nghĩ thời gian tới những thị trường này sẽ bão hòa. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ quay về miền Trung mà Đà Nẵng là nơi có thể đem lại lợi nhuận tốt cho họ khi giá đang thấp và sẽ tăng mạnh khi dịch Covid-19 kết thúc”.
Tuy là điểm đầu tư hấp dẫn trong năm 2021 nhưng giới chuyên môn cũng đưa ra nhiều lời khuyên. Thị trường bất động sản Đà Nẵng vừa trải qua khó khăn nên sẽ có những cuộc thanh lọc, vì vậy người mua nhà cẩn trọng hơn trong lựa chọn các dự án có pháp lý vững chắc, chủ đầu tư uy tín, chất lượng xây dựng được chú trọng. Sự khó tính của khách hàng buộc các doanh nghiệp phải nghiêm túc hơn trong tìm kiếm định hướng phát triển bền vững cho sản phẩm bất động sản. Theo đó, những dự án vừa đáp ứng nhu cầu an cư, vừa đầu tư sinh lời và phải đảm đảo yếu tố được sở hữu lâu dài, đề cao kết cấu công trình, tính thẩm mỹ sẽ là phương án lựa chọn an toàn mà người mua ưa chuộng./.