Khảo sát thị trường vật liệu xây dựng tại Hà Nội cho thấy hầu hết các mặt hàng vật liệu xây dựng không tăng giá. Cụ thể, xi măng Hoàng Thạch, Hải Phòng, Bút Sơn, Bim Sơn loại PCB 30 giá 1,3 triệu đồng/tấn; xi măng Tam Điệp, Hoàng Mai, Hà Tiên... loại PCB 40 giá 1,17 - 1,325 triệu đồng/tấn.
Tương tự, sắt thép chủ yếu có mặt trên thị trường là hàng của Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Công ty Thép Việt - Úc, Thép Hòa Phát, Việt - Hàn, Việt - Nhật... Hiện giá bán thép cuộn phi 6,8,10 với giá bán ở mức khoảng từ 12.700 - 13.300 đồng/kg, thép phi 14,16,18 giá từ 189.00 - 315.000 đồng/cây (giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm 10% thuế VAT, chiết khấu bán hàng).
Mặt hàng gạch lát nền cũng không có biến động tăng giá, hiện gạch lát nền Trung Quốc ở mức 160.000 - 180.000 đồng/m2; gạch lát nền của các thương hiệu Việt như: Đồng Tâm, Prime, Viglacera dao động từ 80.000 - 250.000 đồng/m2; gạch lát nền nhập khẩu từ Malaysia, Italia, Tây Ban Nha... dao động từ 400.000 - 1,3 triệu đồng/m2.
Gạch xây dựng loại đặc và gạch tuynel 2 lỗ cũng đang trên đà giảm giá, vào thời điểm đầu năm giá loại gạch này 1.050 - 1.100 đồng/viên, nhưng hiện nay giá bán gạch xây dựng tới chân công trình dao động từ 780 - 900 đồng/viên.
Lý giải của đa số các nhà phân phối cho hay, với xi măng, mặt hàng này khó tăng giá bởi thời gian qua tổng sản lượng sản xuất của các nhà máy xi măng trong nước đạt gần 101,74 triệu tấn clinker/năm, trong khi tổng sản lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu chỉ đạt 98 - 99 triệu tấn. Cung vượt cầu khiến mặt hàng này duy trì giá ổn định.
Đối với sắt thép và gạch cũng tương tự bởi mẫu mã khá đa dạng, thậm chí có hàng chục doanh nghiệp sản xuất trong nước, từ đó tạo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, đó là chưa kể sự xuất hiện của nhiều mặt hàng nước ngoài. Dự kiến từ nay đến cuối năm các mặt hàng này không có nhiều biến động tăng giá.
Nhận định chung về thị trường vật liệu xây dựng, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho hay, trong 7 tháng đầu năm, kết quả sản xuất kinh doanh ngành vật liệu xây dựng có giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản trong thời gian qua có dấu hiệu chững lại; thứ hai là công tác giải ngân vốn và ngân sách còn chậm. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính, giấy phép đầu tư xây dựng của các dự án bất động sản còn nhiều chồng chéo nên nhiều nơi việc triển khai bị chững lại.
So với năm 2018, doanh thu có bị sụt giảm, tuy nhiên con số này cũng không nhiều. Ví như ngành xi măng kết quả trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, thị trường trong nước đạt vẫn đạt 99% (37,3 triệu tấn), xuất khẩu đạt 103% (17,9 triệu tấn), về doanh số chung đạt 103% (55,7 triệu tấn).
“Hy vọng, những tháng còn lại doanh số của ngành này vẫn giữ được các con số ở ngưỡng tương đương năm 2018”, ông Nga cho hay.
Chia sẻ về sự chững lại của thị trường bất động sản có ảnh hưởng đến ngành vật liệu xây dựng hay không, bên lề họp báo Triển lãm Vietbuild 2019, ông Nguyễn Văn Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho hay, ngành bất động sản có thể không đạt đến đỉnh cao kì vọng nhưng cũng không đến nổi thoái trào như những năm trước đây nên ngành vật liệu xây dựng vẫn hoạt động tốt.
Mặt khác, trước sự tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra căng thẳng hiện nay, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm kiếm đối tác và gắn sản phẩm của họ vào thương hiệu Việt Nam để xuất khẩu.
“Vì họ đang thiếu thị trường, họ đang trông chờ vào việc xuyên qua nước này nước kia để chuyển đổi thương hiệu của sản phẩm và xuất sang thị trường bị cấm vận. Do đó, chúng ta phải cảnh giác vì thứ nhất mình sẽ thiệt; thứ hai doanh nghiệp nước ngoài sẽ đánh giá sai về mình, dẫn đến ảnh hưởng đến quan hệ thương mại nếu xảy ra tình trạng hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Cung nhận định.