Aa

Thị trường chứng khoán giằng co, cổ phiếu bất động sản phân hóa

Thứ Sáu, 19/06/2020 - 05:55

Thị trường biến động nhàm chán với thanh khoản chỉ ở mức trung bình trong phiên 18/6.

Diễn biến giao dịch của thị trường chứng khoán trong phiên 18/6 vẫn đi theo chiều hướng giằng co với sự phân hóa rõ nét ở đa phần các nhóm cổ phiếu. Ngay từ đầu phiên giao dịch, các chỉ số chịu áp lực bán mạnh và đều lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, sự cân bằng đã trở lại giữa bên mua và bán giúp các chỉ số biến động với biên độ hẹp.

HNX-Index và UPCoM-Index kết thúc phiên giao dịch trong sắc đỏ còn VN-Index tăng điểm nhẹ. Các cổ phiếu hỗ trợ lớn nhất vào đà tăng của VN-Index là VCB, VHM, HPG hay PLX, trong đó, VCB tăng 1% lên 85.000 đồng/cp, VHM tăng 0,7% lên 76.500 đồng/cp, HPG tăng 2,1% lên 26.800 đồng/cp.

Dù vậy, áp lực trên thị trường vẫn là khá lớn và đến từ các cổ phiếu như VIC, GAS, VNM, MSN hay HVN. Chốt phiên, VIC giảm 1% xuống 91.000 đồng/cp, GAS giảm 1% xuống 72.200 đồng/cp, VNM giảm 0,3% xuống 115.200 đồng/cp.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 18/6. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa vẫn diễn ra rõ nét. Các cổ phiếu như RCL, LDG, LGL, CIG hay CLG vẫn được kéo lên mức giá trần. TIG tăng đến 6%, SJS tăng 3,3%, SZL tăng 2,9%, SNZ tăng 2,5%. Trong khi đó, HQC và ITA vẫn giảm sàn trong tình trạng dư bán giá sàn ở mức rất cao. 

Cụ thể, ITA khớp lệnh chỉ 2,3 triệu cổ phiếu trong khi dư bán giá sàn lên đến 19,2 triệu cổ phiếu còn HQC khớp lệnh cũng chỉ 1,2 triệu cổ phiếu và dư bán giá sàn 27,6 triệu cổ phiếu. HQC và ITA đang cho thấy bộ mất rất khác khi mà khoảng thời gian trước đó đã có quãng tăng trần liên tiếp với thanh khoản rất cao. Các cổ phiếu bất động sản giảm sâu trong phiên 18/6 còn có OCH, CEO, PXL, DTA, VPH…

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,83 điểm (0,1%) lên 855,27 điểm. Toàn sàn có 186 mã tăng, 176 mã giảm và 69 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,53 điểm (-0,47%) xuống 112,74 điểm. Toàn sàn có 85 mã tăng, 89 mã giảm và 45 mã đứng giá. UPCoM-Index cũng giảm nhẹ 0,11 điểm (-0,2%) xuống 55,77 điểm.

Thanh khoản thị trường vẫn chỉ ở mức trung bình, tổng khối lượng giao dịch đạt 362 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch hơn 5.100 tỷ đồng. Có 3 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường là FLC, DLG và LDG. Trong đó, FLC dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh 14,8 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại sàn HoSE lớn nhất phiên 18/6. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại phiên 18/6 quay đầu bán ròng nhẹ trên HoSE với khoảng 15 tỷ đồng, trong đó, VIC bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất sàn HoSE với 186 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM, VRE và NVL đều có mặt trong top mua ròng của khối ngoại. 

VHM được mua ròng 87 tỷ đồng. VRE và NVL được mua ròng lần lượt 22,4 tỷ đồng và 4,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, cổ phiếu TID trên UPCoM bị khối ngoại bán ròng đến hơn 360 tỷ đồng thông qua phương thức thỏa thuận.

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang nằm trong biên độ với cận trên là ngưỡng 870 điểm (MA20) và cận dưới là ngưỡng 840 điểm (fibonacci retracement 50%) nên rất khó để xác định xu hướng trong giai đoạn này do đây là vùng chuyển giao kỳ vọng giữa bên mua và bên bán trong ngắn hạn, sẽ cần sự bứt phá ra khỏi vùng này để xu hướng mới được hình thành. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 7 phân kỳ so với chỉ số cơ sở VN30 khi giảm trong phiên hôm nay, qua đó nới rộng mức basis âm lên thành 9,68 điểm, cho thấy nhà đầu tư phái sinh nghiêng về khả năng thị trường sẽ giảm trong phiên tới.

SHS dự báo trong phiên giao dịch cuối tuần 19/6, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giao dịch trong biên độ 840-870 điểm (fibonacci retracement 50%, MA20). Nhà đầu tư nên đứng ngoài và quan sát thị trường trong giai đoạn hiện tại và có thể tăng tỷ trọng khi vượt ngưỡng 870 điểm (MA20) cũng như giảm tỷ trọng nếu thị trường thủng ngưỡng 840 điểm (fibonacci retracement 50%).

Trên thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt giảm 0,4% và 0,3%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,1% và 0,6%. Tuy nhiên, Hang Seng của Hong Kong giảm 0,07%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand đều giảm hơn 0,9%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore tăng 0,1% trong khi SET 50 của Thái Lan giảm 0,2%, Jakarta Composite giảm 1,2% và KLCI của Malaysia giảm 1,4%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top