Thị trường chứng khoán có tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp. Kết thúc tuần giao dịch từ 31/5 - 4/6, VN-Index đứng ở mức mức 1.374,05 điểm tăng 53,59 điểm (4,1%) so với phiên cuối tuần trước. HNX-Index tăng 19,3 điểm (6,2%) lên 329,76 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 4,48 điểm (5,2%) lên 90,59 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn HoSE và HNX gia tăng so với tuần trước với trung bình hơn 31.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 16% lên 133.980 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 11,2% lên 4 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 48,3% lên 23.918 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 46% lên 1 tỷ cổ phiếu.
Thị trường tăng điểm mạnh trong tuần qua giúp gần như toàn bộ các nhóm ngành trụ cột đều có mức tăng trưởng tốt. Đối với nhóm bất động sản, sự tích cực cũng diễn ra. Thống kê 113 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán tuần qua có đến 80 mã tăng trong khi chỉ có 24 mã giảm. Đáng chú ý, trong số này có đến 15 mã tăng giá trên 10%.
Tuy nhiên, nếu nhìn theo từng phiên giao dịch trong tuần, nhóm cổ phiếu bất động sản chưa có được sự đồng bộ về đà tăng như một số nhóm ngành khác. Nhiều phiên giao dịch, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản sản lại có sự phân hóa khá rõ nét.
Đứng đầu danh sách tăng giá của cổ phiếu nhóm ngành bất động sản trong tuần từ 31/5 - 4/6 là VHD của CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex với 23,04% từ mức chỉ 11.600 đồng/cp lên 14.273 đồng/cp. Hiện tại, trên thị trường không xuất hiện thông tin nào hỗ trợ cho cổ phiếu VHD, bên cạnh đó, cổ phiếu này luôn có thanh khoản ở mức rất thấp.
FLC của CTCP Tập đoàn FLC đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá của nhóm bất động sản với 17,7%. Giao dịch của FLC luôn duy trì ở mức cao. Nhiều phiên trong tuần, FLC luôn là cổ phiếu bất động sản hiếm hoi lọt vào top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường. Mới đây, HBC công bố thông tin về việc giải quyết tranh chấp với FLC liên quan đến hợp đồng thi công xây dựng công trình vào tháng 10/2014 và tháng 12/2014.
Kết quả đến nay, trên tinh thần tự nguyện, HBC và FLC đã đạt được thoả thuận giải quyết toàn bộ vụ việc. Theo đó, FLC cam kết sẽ thanh toán đầy đủ số tiền được các bên thống nhất trong thời gian 2 tháng. Việc thanh toán được hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/7/2021. Ngày 28/5 vừa qua, HĐXX Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Bản án phúc thẩm để công nhận sự thoả thuận nêu trên của HBC và FLC.
DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh cũng gây chú ý khi tăng 6,3%. Cuối ngày 4/6, FTSE Russell đã quyết định loại cổ phiếu DXG khỏi rổ danh mục của FTSE Vietnam Index tại đợt cơ cấu danh mục quý II/2021.
Chiều ngược lại, cái tên giảm sâu nhất ở nhóm bất động sản là HIZ của CTCP Khu công nghiệp Hố Nai với 26,5%. Cổ phiếu HIZ trong tuần chỉ có 3 phiên xuất hiện giao dịch khớp lệnh. Thanh khoản của cổ phiếu này thường xuyên duy trì ở mức rất thấp. Trước đây, cổ phiếu này cũng rất hiếm khi có giao dịch khớp lệnh.
Các cái tên đứng sau HIZ về mức giảm giá ở nhóm bất động sản là NTB của CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584, V11 của CTCP Xây dựng số 11 hay STL của CTCP Sông Đà - Thăng Long. Cả 3 cái tên này đều đang nằm trong diện bị hạn chế giao dịch tại sàn UPCOM. NTB, V11 và STL đều đang chỉ được giao dịch trong phiên cuối tuần.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn (trên 20.000 tỷ đồng), VRE của CTCP Vincom Retail tăng giá mạnh nhất với 5,4% từ 30.550 đồng/cp lên 32.200 đồng/cp. Tương tự, PDR của Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng tăng 5,1% sau một tuần giao dịch. Tiếp đến là NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va với mức tăng 3,6%. VIC của Tập đoàn Vingroup, THD của CTCP Thaiholdings hay KDH của CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền đều chỉ có mức tăng điểm nhẹ. Trong khi đó, VHM của CTCP Vinhomes giảm nhẹ 0,1%, còn BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp giảm mạnh nhất nhóm này với 3,7%./.