Kết quả kinh doanh quý III/2018 của một số công ty vốn hóa lớn công bố vào cuối tháng 10 tương đối khả quan; cùng những thông tin từ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã hỗ trợ tích cực cho tâm lý nhà đầu tư. Điều này thúc đẩy các chỉ số chứng khoán tích lũy và hồi phục trong tháng 11.
Tháng 11 ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất vào ngày 19/11 khi VN-Index tăng 1,99% lên ngưỡng 916 điểm nhờ sự nâng đỡ của nhóm ngân hàng, dầu khí. Phiên giao dịch này chấm dứt chuỗi điều chỉnh ngắn hạn trước đó và xác nhận chỉ số bước vào chu kỳ tăng mới trong tháng 11.
VN-Index đóng cửa phiên 30/11 tại mức 926,54 điểm, tăng thêm 11,78 điểm (1,27%) so với phiên cuối tháng 10. Chỉ số khép lại tháng giao dịch trong bối cảnh nhà đầu tư toàn cầu đang hướng về hội nghị G20 với kỳ vọng quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ được cải thiện, hỗ trợ cho tâm lý giao dịch trên TTCK.
Sau tháng 10 mất lần lượt 15,4% và 21,7% giá trị, hai cổ phiếu vốn hóa lớn là VHM và VNM đã tăng điểm mạnh mẽ trong tháng 11, trở thành trụ cột dẫn dắt mức hồi phục của VN Index. VHM được dẫn dắt bởi thông tin kết quả kinh doanh quý 3 còn VNM dù lợi nhuận giảm nhưng lại được nhà đầu tư ngoại mua ròng với giá trị lớn 478 tỷ VND.
Ở chiều ngược lại, diễn biến của GAS hạn chế xu hướng đi lên của chỉ số. Cổ phiếu mất 12.7% giá trị do ảnh hưởng từ biến động giá dầu thô. Giá dầu Brent trong tháng 11 giảm mạnh 22.2% do nguồn cung tăng mạnh từ các quốc gia OPEC và Hoa Kỳ.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng qua kênh khớp lệnh
Trên sàn TP.HCM, chỉ tính riêng kênh khớp lệnh, khối ngoại bán ròng thêm 392 tỷ đồng trong tháng 11, do ảnh hưởng từ giao dịch của VIC khi cổ phiếu này ghi nhận 877 tỷ đồng giá trị bán ròng. Lũy kế từ đầu năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện bán ròng 16,4 nghìn tỷ đồng qua kênh khớp lệnh
Kênh giao dịch thỏa thuận cho thấy những tín hiệu tích cực hơn khi khối ngoại đẩy mạnh mua ròng, tập trung vào MSN. Quỹ đầu tư Amolis Investment thuộc Chính phủ Singapore sau khi mua thỏa thuận 24,5 triệu cổ phiếu (2.200 tỷ đồng) trong tháng 10, tiếp tục mua thêm 27,4 triệu cổ phiếu MSN, tương ứng với hơn 2.270 tỷ đồng trong phiên ngày 1/11 qua đó nâng sở hữu tại MSN lên mức 8,87%, trở thành cổ đông lớn thứ hai sau SK Group.
Trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1,8 nghìn tỷ đồng qua kênh thỏa thuận và nếu tính tổng mức giao dịch qua hai kênh, khối ngoại mua ròng hơn 1,4 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
Sàn Hà Nội cho thấy xu hướng bán ròng rõ ràng hơn của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị bán ròng đạt mức 280 tỷ đồng trong đó 231 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh chủ yếu do giao dịch tại VCG. Vinaconex thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư thông qua đợt thoái vốn của SCIC, đây cũng là nguyên nhân khiến ETF đang nắm giữ VCG bán toàn bộ do room VCG giảm về 0.
Trái ngược với thị trường cơ sở, chứng khoán phái sinh giao dịch sôi động
Giá trị giao dịch bình quân tính trên cả 2 sàn HOSE và HNX trong tháng 11 đạt mức 4,1 nghìn tỷ đồng, giảm 21% so với mức trung bình của tháng 10. Tính tổng cả 3 sàn, thanh khoản thị trường đạt 4,45 nghìn tỷ đồng, giảm 29,7% so với tháng trước đó.
Giá trị giao dịch thị trường cơ sở sụt giảm trong bối cảnh thị trường tương lai tiếp tục hút tiền. Tháng 11 chứng kiến sự khác biệt so với giai đoạn trước đó khi thị trường phái sinh vẫn giao dịch sôi động mặc dù VN-Index và VN30 Index hồi phục.
Hiện tượng này được giải thích thông qua mức biến động trong phiên cao hơn so với các tháng tăng điểm trước đây. Biên độ dao động trong phiên bình quân của tháng 11 là 12,39 điểm, cao hơn đáng kể so với mức biến động trong 2 tháng tăng điểm gần nhất là tháng 9 (10,85 điểm) và tháng 8 (10,72 điểm).
Khi VN30 vận động với biên độ lớn, nhà đầu tư sẽ tham gia thị trường phái sinh với lý do mức dao động lớn đồng nghĩa với khả năng sinh lời cao hơn khi nhà đầu tư dự đoán đúng xu hướng.
Thứ hai, nhà đầu tư sẽ tránh được sai sót khi lựa chọn thời điểm giao dịch cổ phiếu trong khi giao dịch T+0 của thị trường phái sinh cho phép cắt lỗ, hạn chế rủi ro ngay trong phiên giao dịch.
Khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường phái sinh đạt mức 128,247 HĐ/phiên, tiệm cận với mức đỉnh 129,267 HĐ/phiên được ghi nhận vào tháng 7/2018. GTGD đạt mức 11,37 nghìn tỷ đồng/phiên, gấp 2,55 lần so với tổng giá trị giao dịch trên thị trường cơ sở.