Aa

Thị trường địa ốc 2021: Đầu xuôi, đuôi… sẽ lọt

Thứ Ba, 25/05/2021 - 16:30

Thị trường bất động sản trong các quý tiếp theo của năm 2021 sẽ diễn biến như thế nào đang là câu hỏi được các thành viên thị trường quan tâm khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát.

Các chủ đầu tư đang đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án
Các chủ đầu tư đang đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án

Sức đề kháng đã tốt hơn

Quan sát diễn biến thị trường bất động sản thời gian vừa qua và qua trao đổi với một số lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành, có thể thấy, mặc dù làn sóng Covid-19 lần thứ 4 ập đến nhưng không khiến quá nhiều thành viên thị trường lo lắng quá mức như các giai đoạn Covid-19 trước.

Tất nhiên, khó khăn vẫn còn lớn và chưa lường hết được, bởi quy mô và diễn biến đợt dịch lần này được đánh giá ở mức độ rộng và phức tạp hơn, nhưng 3 đợt lây nhiễm trước đó dường như cũng tạo “kháng thể” để doanh nghiệp thêm dày dạn với sóng gió. Hay nói một cách khác, tâm lý của đa số các thành viên thị trường bất động sản, bao gồm cả phía cung và phía cầu, đã dần chuyển sang từ trạng thái “bị động” sang “chủ động” ứng phó, chấp nhận sống chung với Covid-19.

Trao đổi với phóng viên dịp cuối tuần qua, tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản đang triển khai dự án nhà ở thương mại gần 250 ha đất ngay tại thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh cho biết, dù lệnh giãn cách xã hội huyện Yên Phong và nhiều khu vực khác của tỉnh Bắc Ninh có ảnh hưởng một chút đến kế hoạch ra mắt dự án, nhưng về cơ bản, mọi việc vẫn đang trong tầm kiểm soát và doanh nghiệp vẫn chủ động thích ứng được.

“Do có thuận lợi là nhiều khu vực của dự án đang hoàn thiện, khu nhà điều hành rộng nên chúng tôi tập trung anh em công nhân vào hẳn bên trong dự án sinh hoạt và làm việc đề ngăn ngừa lây nhiễm, mọi nhu cầu sẽ được cung cấp đầy đủ”, vị này nói và cho biết, giữa tháng 6 tới, dự án vẫn tổ chức lễ cất nóc như thường, tất nhiên sẽ tính toán quy mô và cách tổ chức phù hợp với diễn biến Covid-19 để đảm bảo phòng chống dịch bệnh ở mức cao nhất.

Trong khi đó, ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán từ các đơn vị phân phối cho thấy, nhiều dự án của chủ đầu tư như Thắng Lợi Group, Hưng Thịnh Land, Nam Long Group, An Gia Group ở cả phía Nam hay Hoàng Huy, Văn Phú Invest, Phú Long (dự án ngoài Hà Nội)… dù phải tạm thời dừng lại để theo dõi thêm diễn biến dịch bệnh, nhưng họ đều có niềm tin thời gian “nghe ngóng” sẽ khá ngắn. Chính vì vậy, đây là quãng thời gian các đơn vị môi giới phối hợp với chủ đầu tư “chuẩn bị sẵn sàng, chi tiết các chính sách bán hàng, kế hoạch phân phối, loại sản phẩm nào ra trước, ra với số lượng bao nhiêu… để ngay khi tình hình dịch bệnh ổn trở lại là cấp tập ra hàng”, một giám đốc sàn môi giới cho biết.

Vị này nói thêm rằng, trong thời gian tạm hoãn ra mắt hoặc mở bán các dự án mới, với khách hàng có nhu cầu, các đơn vị vẫn sẵn sàng phối hợp phương tiện để đưa khách hàng trực tiếp đi khảo sát dự án cũng như có thời gian để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn hơn. Đồng thời, hoạt động trao đổi qua các room trên zalo, viber hay facebook vẫn khá nhộn nhịp nhằm cung cấp kịp thời thông tin về tình hình thị trường cho khách hàng.

Ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land cho biết, hiện tại, những bước đi, kế hoạch triển khai dự án đều khá linh hoạt, uyển chuyển theo diễn biến chung của dịch Covid-19 và hầu hết các chủ đầu tư và đơn vị phân phối đã có phương án dự phòng, tích lũy quỹ hàng để bung ra thị trường ngay khi thời điểm thích hợp. Xét ở góc độ tăng trưởng, ông Giang cho biết, quý II/2021 sẽ vẫn dự báo một bức tranh khá tích cực của thị trường.

Về phía cung, theo ông Giang, nhờ sự cải thiện thanh khoản trong quý cuối năm 2020 và đầu năm 2021, dòng tiền của nhiều chủ đầu tư đã bắt đầu dồi dào trở lại, nhờ đó, các công ty đẩy mạnh hơn tiến độ thi công để có đủ điều kiện bàn giao hàng cho khách hàng vào thời điểm tháng 6/2021 hoặc tháng 7/2021 sắp tới. Trong khi đó, hiện tại, với mặt bằng lãi suất thấp, tín dụng địa ốc cho người mua nhà còn khá cởi mở nên sức cầu còn rất lớn.

Số liệu công bố cuối tháng 4/2021 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, dù chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng tại Hà Nội, nguồn hàng trong quý II/2021 sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định với khoảng 6.000 - 7.000 sản phẩm với đa dạng các phân khúc, trong đó khu vực Bắc và Tây Hà Nội chiếm tỷ trọng nhiều nhất.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARS, nhu cầu và giao dịch thực tế trên thị trường vẫn có tỷ trọng lớn nhất thuộc về phân khúc căn hộ trung cấp 2 phòng ngủ và sắp tới, các chủ đầu tư cũng đẩy mạnh phát triển các loại sản phẩm này.

Theo VARS, tới việc vào cuộc của chính quyền địa phương, giá đất sẽ được kiểm soát và không tăng quá mạnh so với quý I, thậm chí một số khu vực từng sốt ảo sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ. Tuy nhiên, các sản phẩm đất nền chính thống vẫn sẽ được giới đầu tư quan tâm cao, bởi giá trị thực sẽ không giảm, mà còn tăng trưởng cùng với sự phát triển hạ tầng giao thông cũng như quy hoạch phát triển kinh tế tại khu vực có dự án.

Quý II không quá bi quan

Tính đến thời điểm này, đa phần doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã công bố xong kết quả kinh doanh quý I/2021 và cũng đang chuẩn bị ước lượng dần kết quả kinh doanh của quý II/2021. Với những tín hiệu nêu trên, nhiều khả năng bức tranh kết quả kinh doanh quý II/2021 vẫn không xấu như cùng kỳ năm ngoái dù diễn biến dịch bệnh khá tương đồng, thậm chí hiện còn phức tạp hơn.

Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh tái cấu trúc nhằm cắt giảm chi phí vận hành, quản lý doanh nghiệp. Trong quý I/2021, báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp như Vinhomes, Novaland, Nam Long, Hải Phát Invest, Văn Phú Invest, Cenland… có lợi nhuận đột biến ngoài nhờ doanh thu tăng trưởng thì có phần quan trọng từ việc cắt giảm mạnh chi phí quản lý, chi phí bán hàng qua hoạt động cơ cấu lại mô hình kinh doanh.

Từ đầu năm, Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước về giãn nợ, khoanh nợ và Nghị định 52 về gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất… cũng mang lại lợi thế không nhỏ cho bài toán cơ cấu kết quả kinh doanh để giúp các doanh nghiệp có được bức tranh hoạt động sáng sủa hơn. Điều này đồng nghĩa chi phí tài chính của một số doanh nghiệp trong ngành cũng sẽ được kéo giảm trong quý II/2021.

Thống kê khoản mục người mua trả tiền trước các doanh nghiệp bất động sản niêm yết từ các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho thấy, khoản mục này có sự tăng trưởng rõ rệt từ quý IV/2019 sang quý I/2020 và sau đó duy trì ở mức trung bình cao. Đây là tín hiệu cho thấy khả năng bán hàng của các doanh nghiệp được cải thiện, không có sự đóng băng như nhiều lo ngại từ đầu năm 2020. Xét theo tỷ lệ người mua trả tiền trước tăng mạnh nhất trong năm 2020, tốp đầu là những doanh nghiệp bất động sản như Vinhomes, Novaland, Văn Phú Invest, Nam Long, An Gia, DIC Corp…

Người mua trả tiền trước là khoản tiền khách hàng trả trước cho doanh nghiệp hoặc đặt cọc mua sản phẩm và khi dự án hoàn thành, bàn giao thì sẽ được ghi nhận vào doanh thu theo Thông tư 200/2015/TTBTC). Vì vậy, có thể coi khoản mục này là khoản “để dành” của doanh nghiệp trong các kỳ công bố kết quả kinh doanh sắp tới, nhất là theo thông tin nhiều doanh nghiệp cho biết đã bắt đầu có thể ghi nhận vào doanh thu từ ngay quý II/2021.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top