Đề xuất đánh thuế sở hữu và thừa kế bất động sản để giảm giá nhà
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng đánh thuế sẽ giúp giảm giá nhà đất. Việc kết thúc các cuộc thanh tra doanh nghiệp địa ốc cũng giúp "phá băng" cho thị trường.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học kinh tế Quốc dân (NEU), giá nhà đất đã tăng 50% trong khoảng thời gian 2020 - 2022. Nhiều người coi đây là kênh đầu tư để bảo toàn vốn và coi giá trị của bất động sản tương đương với vàng ròng.
Tuy nhiên, tình hình ngành địa ốc Việt Nam đã ngày càng xấu đi từ nửa cuối năm ngoái. Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tổng nguồn cung căn hộ trong năm 2022 chỉ tương đương hơn 20% so với năm 2018.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong năm ngoái cũng chỉ khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch. Con số này bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018.
Đứng trước tình trạng này, ông Hoàng Văn Cường đã kiến nghị một số giải pháp ngắn hạn và dài hạn đối với thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2023.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thiếu nhà ở xã hội, đề xuất "rã đông" dự án nhà vừa túi tiền
Một trong những biện pháp khả thi là tập trung tháo gỡ pháp lý cho bất động sản thương mại vừa túi tiền.
8% doanh nghiệp bất động sản niêm yết mất khả năng trả nợ lãi vay.
Đây là số liệu được đưa ra trong ấn phẩm "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2022" vừa được công bố ngày 21/4, tại Hội thảo khoa học Quốc gia "Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 - Ổn định và phát triển thị trường bất động sản".
Thay mặt nhóm tác giả, GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết, năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Kết quả nghiên cứu một số doanh nghiệp phát triển bất động sản điển hình trên thị trường cho thấy, chỉ số ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) đạt 11% năm 2022, giảm mạnh so với mức 14,95% năm 2021. Hiệu quả sinh lời trên mỗi đồng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bất động sản chỉ cao hơn mức 10,14% năm 2017 và thấp nhất kể từ năm 2018.
Tương tự, với hiệu quả sinh lời trên tổng tài sản, chỉ số ROA (tỷ số lợi nhuận trên tài sản) của doanh nghiệp bất động sản trong mẫu phân tích đạt 4,03% năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức 6,45% năm 2021, và đồng thời là mức hiệu quả sinh lời thấp nhất kể từ năm 2018. ROA của doanh nghiệp nhóm bất động sản cũng thấp hơn mức bình quân toàn ngành (quy mô mẫu trên 1000 doanh nghiệp) là 5,15%.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cuộc "tái xuất" của condotel và kỳ vọng sinh khí mới cho ngành du lịch
Với Nghị định 10, câu chuyện condotel bỗng "nóng" lên sau tháng ngày bị lãng quên. Kéo theo đó, bất động sản nghỉ dưỡng có động lực tăng trưởng trở lại và ngành du lịch có cơ hội đón nhận luồng sinh khí mới.
Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2014 và nhanh chóng "nở rộ" trong vài năm sau đó, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng condotel hay còn gọi là căn hộ du lịch đã từng có những tháng ngày huy hoàng.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), chỉ tính riêng tại Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc và Hạ Long, trong giai đoạn 2015 - 2018 đã có khoảng 30.000 sản phẩm condotel được tung ra thị trường. Thời điểm đó, nguồn cung này được so sánh tương đương với tổng lượng sản phẩm đất nền - một sản phẩm đầu tư truyền thống tung ra trong vòng cả một thập kỷ.
Trong đó, riêng giai đoạn 2016 - 2017, sự "lớn phổng" của condotel còn bứt tốc hơn nữa khi tổng nguồn cung trên cả nước năm 2016 đã lên tới 16.000 căn. Đến năm 2017, con số này thậm chí đã tăng lên thành 22.837 căn.
Chia sẻ với Reatimes trong những tháng năm rực rỡ của “đứa con lai” này, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho biết thị trường condotel chính là kết quả của 3 thị trường quan trọng, bao gồm thị trường bất động sản, thị trường tài chính và thị trường du lịch.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Môi giới bày trò gian lận, trục lợi nhà ở xã hội tại TP. Thủ Đức
Dự án Thủ Thiêm Green House, do Công ty Cổ phần ThuThiemGroup làm chủ đầu tư, có mục đích phục vụ cho công nhân đang được nhiều môi giới "bày trò" gian lận khi giới thiệu ai cũng có thể mua, bởi có dịch vụ "lo tất".
Dự án nhà ở xã hội Thủ Thiêm Green House gần đây được nhiều môi giới chào bán rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Dự án được quảng bá là sở hữu vị trí đặc địa, tọa lạc trên mặt tiền đường Đồng Văn Cống (quận 2 cũ), TP. Thủ Đức. Từ dự án, cư dân có thể di chuyển đến trung tâm TP.HCM, trung tâm TP. Thủ Đức và các quận lân cận đều thuận tiện.
Tọa lạc ở vị trí "đất vàng" của TP. Thủ Đức, nhưng giá bán chỉ 25 triệu đồng/m2, tức dao động từ 1,7 tỷ đồng (căn 58m2) và trên dưới 2 tỷ đồng cho căn hộ 64m2. Mức giá trên hiện đang gây sốt, bởi ghi nhận chỉ thấp bằng 1/3 giá thị trường tại khu vực quận 2 cũ.
Theo tìm hiểu, dự án này có tên chính thức là "Nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân thuê thuộc Cụm công nghiệp tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức", được UBND TP.HCM công nhận chủ đầu tư, tại Văn bản số 5152/UBND-ĐT ngày 11/12/2019. Diện tích khu đất được công nhận là 20.875m2 thuộc Cụm công nghiệp, tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần ThuThiemGroup có trách nhiệm thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư theo quy định của Luật nhà ở số 65/2012/QH13 và các quy định của pháp luật có liên quan, được hưởng ưu đãi của chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội theo quy định.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhà đầu tư quốc tế tiếp tục đổ vốn vào thị trường bán lẻ Việt Nam
Việt Nam được đánh giá vẫn là thị trường bán lẻ rất nhiều tiềm năng và đó là lý do ngày càng có nhiều thương hiệu bán lẻ quốc tế tìm đến dải đất hình chữ S.
Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam sở hữu nguồn cầu nội địa mạnh mẽ, ngành bán lẻ Việt Nam ít bị phụ thuộc vào các yếu tố nước ngoài. Hơn nữa, khó khăn trong việc di chuyển quốc tế đã thay đổi thói quen tiêu dùng người Việt. Do không thể bay ra nước ngoài, họ đã thay đổi thói quen mua sắm trong nước nhiều hơn.
Điều này phản ánh ở các chỉ số tiêu dùng hàng hóa bán lẻ của Việt Nam. Điển hình, theo báo cáo quý I/2023 của Savills, doanh thu bán lẻ Hà Nội đạt 184 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng 2,3% so với cùng kỳ do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, vật liệu sản xuất, giao thông, vui chơi giải trí và du lịch đều tăng. Điều này có thể ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của người tiêu dùng, với việc người tiêu dùng ưu tiên hàng hóa thiết yếu hơn phục vụ nhu cầu mua sắm cá nhân. Các nhà bán lẻ có thể cần điều chỉnh chiến lược của mình để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường với áp lực chi phí ngày càng tăng.
Cùng với đó là nguồn cung 1,7 triệu m2 tăng 1% theo quý và 4% theo năm. Nguồn cung tăng trưởng trung bình 4%/năm trong 5 năm vừa qua. Trung tâm mua sắm duy trì tỷ trọng nguồn cung lớn nhất với 962.400m2 (56%); tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khối đế bán lẻ đã vượt xa các trung tâm mua sắm kể từ năm 2019. Phân khúc này chiếm 15% thị phần.