Aa

Thơ Nguyễn Hồng Hải - Một hành trình hào sảng

Thứ Hai, 23/11/2020 - 20:00

Nồng nhiệt và phiêu bạt. Đó là giọng thơ Nguyễn Hồng Hải. Cách đây 30 năm đã thế. Đến hôm nay tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh” vẫn thế.

Một hành trình hào sảng. Bản giao hưởng của cuộc hành trình này bắt đầu từ những cảm xúc với quê hương thành Tuyên của Hải, với những người thân yêu, rồi đến những miền quê trải dài đất nước, với những bạn bè thân thuộc. 

Và từ đấy đi ra thế giới, rồi lại trở về với chính mình đến mức mong manh. Đến mức có thể lạc đường. Nhưng vẫn bước tới - Vẫn nồng nhiệt - Vẫn phiêu bạt. Trong bài “Không đề” mở đầu tập thơ, dường như Nguyễn Hồng Hải đã đưa ra chủ đề chính cho bản giao hưởng 30 năm của mình:

Bỗng nuối tiếc những mùa mưa nông nổi

Thuở chân trời mờ biếc phía trời xa

Hai mươi tuổi ngỡ tưởng mình giầu có

Đặt cược thanh xuân mua bán cả thiên hà.

Và thế là những con chữ của chương mở đầu vang lên. Ngày ấy, tuổi hai mươi thật hào sảng. Sẽ ngân mãi sự mở đầu này: “Tuổi hai mươi lặng lẽ xòe tay - Anh đi khỏi ngôi nhà mười chín tuổi”. Một câu thơ mô-đéc (moderne) hiện đại. Hằn lên ý chí quyết ra đi như thuở “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, nhưng không gằn, không gân guốc, mặc dù đã “đặt cược thanh xuân”, mà chỉ xem như một sự chuyển rời: “Lặng im nghe ngôi nhà mười chín năm cài cửa - Bài thơ ấy mười chín năm viết dở - Tuổi hai mươi nhè nhẹ chuyển dòng”.

Nhưng đi tức là về. Càng đi lòng càng quay về quê hương xứ sở. Thật may mắn cho đất Tuyên Quang khi có một con dân đắm đuối với mình như Nguyễn Hồng Hải:

Tuyên Quang, Tuyên Quang

Những con đường như máu chảy trong tim

Đi suốt cuộc đời không thể nào quên được

Chiều tìm về sông Lô ngập ngừng bến nước

Nào có ai đợi ta mà cứ bồi hồi.

Giai điệu rưng rưng như được vút lên bởi cả dàn dây réo rắt, đắm đuối đến dại khờ.

Những kỷ niệm được Hải điểm danh trong trí nhớ cứ lấp lánh hiện ra “Một vùng quê quăn queo cỏ cháy”, “Bàn chân tôi vấp vào lau lách tuổi thơ”, “Nắng mênh mang những nương chè đầu vụ”,… ở giữa những kỷ niệm ấy sừng sững lên hình ảnh những người thân. 

Đây là người mẹ “Tuổi bảy mươi mẹ chưa được thảnh thơi” vẫn lần hồi trong mảnh vườn đầy “cỏ mần trầu, lá bưởi, lá sả, hương nhu và bồ kết”. Đấy là người cha mà người thơ có hạnh ngộ lần cuối cùng “được ngồi bên cha để khóc”. 

Đấy là người chị “chân trời lơ lắc”, “thân phận tủi buồn cô đơn ra đi”... Đấy là tất cả “phần cứng” là điểm tựa vững chãi cho cuộc hành trình tiếp tục khi phải nén lòng nói “lời từ biệt”.

Chương tiếp theo của hành trình lại được hiện hữu bằng một chiêm nghiệm của người phiêu bạt:

Đường càng đi càng xa

Đêm mỗi ngày một thẳm

Trái tim như ngọn nến

Ngại ngần mùa thu sang.

Nguyễn Hồng Hải chợt đưa ra một đoạn tam tấu của dòng sông, tình yêu và con đường trong bài thơ “Nói với em” mang mang chất đồng điệu để nhận rõ rằng tất cả đều “Khởi sinh từ trái tim mình”. Cứ thế tinh thần của hành trình được xòe ra nhiều cung bậc. Lúc trong trẻo như ban mai khi viết về nhà thơ Trần Hòa Bình. “Run rẩy anh nhìn. Hạnh phúc về đâu”. Lúc xám ngắt như định mệnh khi viết về nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc “Một người từ phía khu rừng bước ra - lầm lũi - xám đen”. 

Lúc sẻ chia với nhà báo Phạm Thị Thu Thủy về câu thần chú “Vừng ơi! Mở cửa ra”: “Suốt đời loay hoay tìm câu thần chú khác”. Da diết đến tận cùng là những dòng nhớ Ngọc Dũng - người bạn Hà Nội đã vì gia đình sang định cư ở Paris: “Không biết phương trời ấy màu gì - Khiến bạn đam mê nhường ấy - Paris xoáy hút nam châm - Hay bạn buông phận mình như lá…”.

Không chỉ hành trình trong tình bạn, Nguyễn Hồng Hải hành trình qua các vùng khác nhau trên đất nước mình. Hành trình để nhận ra “Chiều Hà Nội quyến rũ đến tận cùng”, Đại Lải “Sương giăng giăng miền lúa nắng xa mờ”, “Chiều Sơn Dương nhấn một cung đàn”, Mộc Châu “Chuếnh choáng nhịp khèn”, “Thăm thẳm quá, đêm nay Mèo Vạc”, Khau Vai “Vọng giữa đại ngàn những phiến đá hanh hao”, “Hải Phòng đón tôi bằng trận mưa tháng bảy”, Đồng Lộc “tắt bớt hộ đi những ngọn đèn”, Quảng Trị “Những cơn gió thổi dọc đêm - như những đoàn quân không ngủ”, Kon Tum “Đỉnh Ngọc Linh mùa Ninh Nơng gọi nhau về hồng hoang”, “Xứ Cheo Reo nắng lửa sắp xa rồi”, và “Biển Quy Nhơn cồn cào trước mặt”, Trường Sa “Ngôi chùa nhỏ là phao nổi tâm linh”, Bạc Liêu “Những cánh chim phiêu bạt như ta”... 

Từ những hành trình trong quê hương, tình bạn, đất nước, bước chân phiêu bạt của Nguyễn Hồng Hải còn ghi dấu trên biết bao nẻo đường của tinh cầu này bởi những chuyến công tác qua năm tháng. Ta lại có thể thấy anh dạt dào với hoa cúc đàn bà ở Stockholm (Thụy Điển): “Những bông cúc đàn bà mong manh thua thiệt - trắng hoang dại ven đường”, những buổi chiều Stockholm “Bước chân phiêu lãng chùng chình”, hay những buổi chiều ở Mediamentorerna (Thụy Điển): “Khi nước mắt nhọc nhằn chưa hết”, hay đêm Copenhagen (Đan Mạch) “Trời rùng rùng những cơn gió” khác với đêm ngoại ô Stockholm “Giai điệu ABBA dắt ta về thuở xưa”, ngơ ngác với Sigtuna (Thụy Điển) “Những tiếng chuông chiều thong thả ngân lên”, rồi lại ngoặt sang cùng với anh ở Vladivostok (Nga) để thấy “Bồ công anh vàng rực tháng tư”...

Bản giao hưởng hành trình bằng thơ của Nguyễn Hồng Hải đã khép lại bằng sự trở về, nhưng lại là sự trở về định cư tại Sài Gòn nắng gió. Và chàng trai xứ Tuyên phải thốt lên nghẹn ngào: “Có những buổi chiều không biết về đâu”. Đấy là tâm trạng ta đã từng thấy ở Thi Hoàng “Có những buổi chiều không biết cất vào đâu”, ở Trịnh Thanh Sơn: “Anh làm sao tiêu hết một buổi chiều”. 

Và thật đồng điệu khi nhà thơ già Xuân Hoàng cũng có nỗi niềm như thế: "Sống ở Sài Gòn rồi sẽ quen tất cả - nhưng làm sao quen nổi một buổi chiều”. Nhưng dù sao thì vẫn phải dấn thân để quen những tất niên “tháng ngày vỡ nát sau lưng”, để nhận ra “đời phiêu dạt thân cò kiếp vạc”, và luôn luôn hiểu “chỉ lơ đễnh một chút thôi, có thể, lại lạc đường”.

Với các nhà thơ, từ tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh” là có thể tự tuyển tập cho mình được rồi. Bởi thế, tuyển tập “Thơ Nguyễn Hồng Hải” cũng không ngoài thông lệ ấy. Có người sau tuyển tập là sự khép lại của sự nghiệp thơ. Nhưng có người đấy vẫn chỉ là sự khép lại một giai đoạn đầu để lại bắt đầu một giai đoạn tiếp theo. Nguyễn Hồng Hải là một trong số những người này. 

Tôi nghĩ với sự nồng nhiệt và phiêu bạt vốn có trong giọng thơ Nguyễn Hồng Hải, anh vẫn đang ước vọng làm thêm một cái gì đó cho mình ở giai đoạn tiếp theo. Nhưng ước vọng thì cứ ước vọng. Còn nồng nhiệt và phiêu bạt như thế này cũng đã đủ lắm rồi cho một hành trình hào sảng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top