Aa

Nhà văn và kẻ trộm

Thứ Năm, 12/11/2020 - 07:00

Người ta quá khó khăn, thiếu thốn, phải đi ăn trộm, nhưng ăn trộm cho vợ, cho con thế, thì nên thông cảm với người ta, đi báo công an bắt người ta làm gì?

Ông bạn tôi, nhà văn Tạ Duy Anh, kể từ khi về định cư ở Hà Nội, là toàn mua nhà và đất ở khu dân lao động ở. Đầu tiên ông ở khu tập thể cũ Tân Mai, sau rồi tiến lên một chút, thì mua được mảnh đất cất lên ngôi nhà ở mạn gần cầu Thanh Trì. Ở những khu như thế thì tha hồ mà tiếp xúc với đời sống của dân nghèo, dân lao động. Cái đẹp cái tốt hòa lẫn với thói hư tật xấu và tệ nạn. Nhưng chả lấy thế làm điều, ông nhà văn này cứ thanh thản, hòa đồng mà sống, mà viết.

Ông Tạ Duy Anh kể cho tôi nghe mấy câu chuyện về ăn cắp vặt, cười ra nước mắt. Có hai chuyện tôi còn nhớ, xin kể hầu bạn đọc.

Câu chuyện thứ nhất: Hồi ấy, ông Tạ vay mượn và bạn bè giúp đỡ thêm, mua được mảnh đất rồi xây lên một ngôi nhà tầng khá ưng ý. Thời gian chưa lâu, vẫn còn nguyên cái cảm giác sung sướng vì thành quả “lừng lẫy” của một tay vốn nhà quê, đã kinh qua các kiểu môi trường công nhân, bộ đội, làm giáo vụ, cuối cùng cũng có đất để vật lên được cái nhà ở Thủ đô, dù chỉ là cái xác nhà không, đồ đạc chưa có gì cả. 

Tranh biếm họa về kẻ trộm (Sưu tầm)

Ông hay thức khuya đọc sách, viết lách, ngẫm nghĩ... Ông sắm một cái đèn pin, để khỏi phải bật điện sợ vợ con thức giấc, mỗi khi giải lao, ông đi loanh quanh mấy tầng nhà, bấm đèn pin lên, soi vào những góc, những gờ, những cửa sổ cửa đi của ngôi nhà mà sung sướng, để biết là đang trong hiện thực chứ chả phải là mơ…

Một tối khuya, có tay trộm đột nhập vào nhà ông. Đang mò mẫm trên tầng thì đúng lúc ông ngồi dậy, bấm đèn pin đi loanh quanh, trèo lên tầng, ngắm nhà. Thấy vậy, tưởng bị phát hiện, tay trộm cuống cuồng nhảy đại ra để chạy trốn và bị rơi xuống cái hố bê tông cao quá đầu người. Việc ấy lại làm ông Tạ giật mình. Soi đèn pin xuống thì thấy tay trộm đang cố nhảy lên khỏi hố mà không được. Tên trộm lẻo khoẻo cứ nhảy lên bám với tới mép hố thì lại rơi xuống. Ông Tạ soi đèn vào phía cạnh hố, nói lớn: “Bên phải có cái gờ đấy, bám vào mà leo lên! Chứ cứ nhảy như thế thì đến sáng cũng không lên được đâu”. Tên trộm bám vào gờ và leo lên được. Ông Tạ lại bảo: “Có vào đây làm với tớ chén trà đêm, xem có cái gì đáng lấy thì lấy, rồi hãy đi”. Tên trộm lắp bắp: “Dạ, không dám ạ!” và biến đi.

Ông Tạ quay người vào nhà, lại cầm đèn pin soi xem những góc, những gờ, những cửa, xong lại ngồi vào bàn, đọc sách và viết lách tiếp…

Câu chuyện thứ hai: Sau khi xây nhà một thời gian thì ông Tạ mua được cái ô tô và tự lái đi làm, đưa vợ con đi chơi. Một buổi chiều, ông Tạ lái xe về nhà sau buổi làm. Rẽ vào ngõ thì thấy bà vợ đang bước đi quày quả, khuôn mặt căng thẳng, tức giận. Ông hạ kính xuống gọi vợ, hỏi đi đâu đấy. Vợ ông nói, ra công an phường báo họ đến bắt trộm. 

Một trong những tranh hí họa chân dung nhà văn Tạ Duy Anh.

Hỏi sự việc thế nào, vợ ông cho biết, có kẻ trộm nhảy vào sân nhà, lấy mấy bộ quần áo của bà phơi trên dây vừa khô, lại còn vơ cả đám đồ lót ở cuối dây nữa. Bà ra thì thấy dây phơi vẫn còn động, kẻ trộm chạy vội còn để rơi lại một cái dép nhựa tổ ong. Bà giữ nguyên hiện trường, chạy ra báo công an phường, từ đây là người ta có thể truy ngay ra tên trộm…

Ông Tạ bước xuống, mở cửa xe bên phải, nói với vợ, thôi bà lên xe, sẵn điều hòa đang mát, đi với tôi về nhà, không phải ra công an phường nữa. Bà vợ ngạc nhiên. Ông Tạ cứ đẩy vợ lên ghế ngồi, tươi cười đóng cửa, rồi lái xe đưa vợ về. Bà vợ phân vân, chả hiểu chồng mình có ý ra làm sao.

Về nhà, Tạ nhặt ngay cái dép tổ ong tên trộm đánh rơi đem bỏ vào trong sọt rác, rồi đưa vợ lên nhà, ôn tồn phân tích: “Thứ nhất, là tôi đang định đi mua cho bà mấy bộ quần áo mới, nay bị lấy mất thế này, thì có điều kiện thúc đẩy để thực hiện ngay. Thứ hai, tay trộm này là đàn ông, nó khó khăn, thiếu thốn, nhưng mà biết thương vợ đấy. Nó lấy quần áo của bà, cái thứ chả thể bán được nữa, lại lấy cả đồ lót, thì chả là lấy cho đàn bà như bà mặc hay sao. Tôi mà gặp được nó, tôi sẽ cảm ơn nó vì giúp tôi dứt khoát trong việc chăm sóc bà hơn. Tôi còn có thể cho thêm nó vài bộ quần áo cũ của tôi nữa. Người ta quá khó khăn, thiếu thốn, phải đi ăn trộm, nhưng ăn trộm cho vợ, cho con thế, thì nên thông cảm với người ta, đi báo công an bắt người ta làm gì”.

Bà vợ ông Tạ nhìn chồng, bỗng nhiên bật cười…

Cũng từ sau đận ấy, tịnh không còn thấy kẻ trộm vặt đột nhập nhà ông Tạ thêm một lần nào nữa. Mà cũng chả làm sao hiểu được căn nguyên của việc ấy là gì mới lạ chứ? 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top