Gọi chuyện nhà đèn bởi Nhà máy đèn Hà Nội là nơi người Pháp sản sinh ra công nghệ điện thắp sáng cho Hà Nội vào năm 1892, với 2 tổ máy điện một chiều, công suất vẻn vẹn 500kw.
Thực ra tôi muốn tản mạn đôi chút về điện của Hà Nội qua các thời kỳ, chứ không phải viết về cái nhà máy đã hơn trăm năm tuổi vắt qua 3 thế kỷ này.
Hà Nội cùng với Hải Phòng có lẽ là nơi sớm có điện nhất trong cả nước. Nhà đèn là cách gọi giản lược của người Hà Nội với địa điểm 69 Đinh Tiên Hoàng, nơi đặt nhà máy đèn đầu tiên và nay là trụ sở của Tổng Công ty điện lực Hà Nội. Một thời và có lẽ phần nào bây giờ, được làm người nhà đèn là một vinh dự tự hào cả về danh tiếng lẫn thu nhập. Câu thành ngữ hiện đại “vua hàn, quan điện” ứng vào với các thành viên nhà đèn này rất ư là chính xác.
Thời mà điện còn phập phù, luôn sụt điện thế và phân phối luân phiên, cắt theo ngày, thì người nhà đèn đúng là quan thật. Vị thế người nhà đèn có thể sánh với các mậu dịch viên hay lái xe thời khó khăn, bao cấp. Không đúng ư, này nhé, do nguồn điện thấp nên các nhà dùng bộ kích tăng điện nên sự cố xảy ra như cơm bữa. Có một anh nhà đèn kịp thời đến ứng cứu là cả một đặc ân. Sản xuất cần điện 3 pha ư, có nội ứng nhà đèn là yên tâm nhiều bề.
Tất nhiên trong những quan hệ này ngày ấy, lành mạnh là đa phần, chủ yếu là cảm tình chứ ít có sự mua bán đổi chác. Tóm lại người nhà đèn là một đẳng cấp không thể bàn cãi.
Lần ngược thời gian của ngành điện Hà Nội, có lẽ đỉnh cao lịch sử phải là Nhà máy điện Yên Phụ. Nhà máy điện Yên Phụ được người Pháp xây dựng năm 1925. Đến năm 1932 đưa vào vận hành đợt một. Những năm sau đó, nhà máy tiếp tục được nâng công suất.
Đây là nhà máy nhiệt điện lớn nhất miền Bắc thời đó với công suất 22,5mw. Điện Yên Phụ một thời gian dài cung cấp điện chủ yếu cho Hà Nội, nhất là giai đoạn chiến tranh. Theo tư liệu thì năm 1946, từ cú cắt điện toàn bộ Hà Nội ở Nhà máy Yên Phụ sau một tiếng nổ lớn chính là hiệu lệnh mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
May mắn là trong cuộc kháng chiến, nhà máy gần như được bảo toàn trọn vẹn, để khi tiếp quản Hà Nội 1954, Hà Nội có điện sử dụng. Việc này là nhờ vào sự bám trụ đấu tranh anh dũng của công nhân nhà máy.
Trong chiến tranh với không quân Mỹ, đây là địa điểm chiến đấu ác liệt. Không ít lần nhà máy bị trúng bom, các công nhân vẫn kiên cường phát điện phục vụ Hà Nội, bất chấp thương vong, nguy hiểm. Tôi nhớ, nhà máy có tường cao bao xung quanh, nghe nói đó là tường bảo vệ chính từ thời kỳ ấy. Sau này lưới điện phát triển, nhà máy được cho ngừng sử dụng vì nhiệt điện chạy than hiệu quả không cao và gây ô nhiễm, bụi khói cho các vùng lân cận.
Bây giờ nhà máy điện Yên Phụ chỉ còn nằm trong sử sách ngành điện. Chỗ đất ấy đã được xây dựng thành trụ sở làm việc của Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Lưới điện Hà Nội hiện đảm bảo đủ điện cho cả thành phố mở rộng với số hộ sử dụng điện lớn nhất nhì đất nước. Hệ thống trạm biến áp, đường dây có điện áp từ 110kv trở xuống đến lưới điện hạ thế (có cả một số trạm 220kv) được phân bố hợp lý khắp nội, ngoại thành.
Chuyện mất điện bây giờ là hãn hữu và chỉ do những sự cố ngoài ý muốn như mưa bão, hay những tác động ngoại cảnh. Thế hệ thiết bị điện bây giờ cũng được đổi mới đồng bộ nên rất khó xảy trục trặc, gây sự cố.
Dạo đi bộ đội về, tôi có một quãng thời gian làm ở nhà đèn nhưng chỉ là dân xây lắp. Nhớ ngày ấy, sức trai ngày ngày đào đường kéo cáp ngầm hay dựng cột điện cũng vui phết. Hệ thống cáp ngầm cao áp đi khắp các phố để đến các trạm hạ thế phân phối nên phải đào bới vỉa hè liên tục.
Đó cũng là hệ quả của việc thiếu quy hoạch đồng bộ. Cáp điện lực vừa chôn xuống, cáp thông tin lại đào lên rải mới. Cái vòng đào xuống, bới lên, vỉa hè lát lại đã thành điệp khúc bị phê phán nhiều năm.
Giá như từ ban đầu xây dựng một hầm dẫn cáp vĩnh viễn thì chẳng bao giờ còn tình trạng giẫm chân nhau như trên. Sau thời gian đó, cáp điện cao áp đã có vỏ bọc an toàn để có thể đi trên cột, nên việc đào đường chôn cáp cũng ít đi.
Thời hiện đại về công nghệ nên người dân sử dụng điện năng gấp nhiều lần trước. Tiện nghi trong từng gia đình nhiều vô kể, từ điều hòa, tủ lạnh, máy giặt đến tivi, bếp điện... Đồ dùng nào cũng điện.
Chả bù cho trước kia, mỗi nhà chỉ một vài bóng đèn, quạt điện. Sang lắm mới có cái tivi. Đến là quần áo cũng dùng bàn là than, tiết kiệm điện triệt để. Giờ đèn đường, đèn trang trí cũng được dùng với số lượng lớn. Đêm về, thành phố sáng trưng rực rỡ chứ không vàng vọt tù mù như thuở nào. Điện năng tiêu thụ nhiều nhưng may mắn là lưới điện Hà Nội càng ngày càng phát triển nên rất ít để xảy sự cố mất điện và nguồn cung cũng tương đối đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu.
Cái tên gọi nhà đèn Hà Nội dần bị lãng quên. Giống như Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy đèn Hà Nội giờ chỉ còn nằm trong lịch sử ngành. Ngay cả dân nhà đèn thế hệ sau cũng khó nhớ được cái tên gọi ấy. Cũng rất ít người còn dùng cách gọi nhà đèn nữa. Quy luật là thế nhưng với Hà Nội thì Nhà máy đèn Hà Nội là một địa danh và là một chứng nhân trong rất nhiều lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn vật.