Aa

Tản mạn về gỗ

Thứ Sáu, 24/04/2020 - 07:00

Một lúc nào đó trong đời sống này sẽ không còn đồ gỗ song hành. Sẽ là một thảm họa. Nhưng nếu chúng ta cứ triệt rừng, phá cây với tốc độ như hôm nay thì một ngày không xa thảm họa ấy sẽ đến.

Gỗ là một thứ đồ gia dụng gắn liền mật thiết với đời sống phố phường. Hà Nội có lẽ là nơi tiêu thụ đồ gỗ nhiều nhất đất nước. Người Hà Nội vốn xưa nay có truyền thống sử dụng gỗ trong việc làm nhà cửa và các đồ dùng thiết yếu. Những ngôi nhà cổ của Hà Nội còn rải rác ở một số nơi đều là những ngôi nhà mà gỗ là vật liệu chủ yếu để dựng nhà. Đấy là chưa kể một số lượng lớn đình, chùa, đền miếu được dựng đa phần bằng chất liệu gỗ.

Hà Nội là trung tâm của cả một dải đồng bằng Bắc Bộ nối tiếp với trung du, nơi về kiến trúc truyền thống là các căn nhà gỗ. Những ngôi nhà 5 gian, 3 gian cổ truyền, gỗ là phần kết cấu chính. Rất dễ nhận thấy ở các ngôi nhà này các cột gỗ là phần chủ đạo. Liên kết với cột gồm rất nhiều bộ phận khác nhưng chủ yếu là các vì kèo được liên kết bằng xà ngang, xà ngưỡng liên hoàn tạo thành một bộ khung nhà vững chắc. Tường nhà lúc này chỉ là phần xây dựng khép kín và mái nhà cũng vậy, hệ thống rui mè gỗ là phần đỡ để lợp ngói. Những ngôi nhà truyền thống này giờ còn không nhiều phần vì các kiểu nhà gỗ truyền thống đã lỗi thời và đắt đỏ so với các vật liệu hiện đại khác. 

Những ngôi nhà 5 gian, 3 gian cổ truyền, gỗ là phần kết cấu chính.  (Ảnh: Internet)

Một thời, những khúc sông Hồng đi qua Hà Nội là nơi tập kết gỗ và các vật liệu của rừng như tre, nứa, lá. Mùa hè, đám trẻ con chúng tôi thường ra sông Hồng tắm. Khúc sông từ Chèm, Nhật Tân, Phúc Xá, Phúc Tân, bến Chương Dương, Phà Đen cả một dải dài hàng chục cây số kéo suốt ra ngoại thành là nơi đậu của những bè gỗ nối tiếp. Những cây gỗ to vật cả mấy người ôm được cột vào nhau bằng những sợi mây dai chắc. Trên mỗi bè có một túp lều của người quản bè và lái bè.

Bọn trẻ con phố khoái nhất là đứng ngang thân bè gỗ rồi “bông nhông” xuống nước. Khoái tỷ lắm, trò nhảy bè gỗ. Nước sông Hồng mùa hè mát lạnh như ướp đá sướng đến tê tái da thịt. Trò nhảy bè này nếu là những đứa trẻ ít kinh nghiệm sẽ rất nguy hiểm. Nước chảy xiết có thể cuốn người vào gầm bè nhất là những đứa tồ tẹt không có kinh nghiệm dám nhảy ngược ở đầu bè. Có không ít cái chết thương tâm đã đến với bọn trẻ vì bị cuốn vào gầm bè. Tôi cũng đã bị cuốn một lần uống no nước nhưng may mắn ngoi lên trúng chỗ hai thân gỗ trống thành một cái khe đủ lọt đầu nên thoát chết.

Dạo đó dân cư ở các cánh bãi ven sông đa phần làm nghề đan lát mây tre và chế tác gỗ. Những bãi gỗ được tập kết trên bờ và đi vào các xưởng gỗ để biến thành cột thành kèo thành bàn ghế, giường tủ. Trong mỗi nhà dân nhiều ít đều sử dụng đồ gỗ. Xu hướng hiện đại hóa người ta sử dụng nhiều vật liệu tiên tiến như bê tông cốt thép, những loại gạch lát và nền lát bằng những thứ gỗ nhân tạo gọi là gỗ công nghiệp nhưng với những nhà có điều kiện kinh tế thì gỗ thịt vẫn là vật liệu lý tưởng. 

Gỗ thịt nhất là những loại gỗ tốt như giáng hương, lim làm cầu thang và lát sàn. Cánh cửa, khuôn cửa được làm bằng loại gỗ nghiến, dổi, lim. Giường tủ, ban thờ thì đủ loại gỗ tùy theo ý thích và khả năng kinh tế. Có thể kể như gỗ lát, gụ, gõ, trắc, mun rẻ hơn là những loại gỗ thông dụng như xà cừ, mít và các loại gỗ tạp.

Sưa - Một loại cây gỗ quý (Ảnh: Internet)

Bây giờ rừng đầu nguồn cạn kiệt vì bị khai thác quá nhiều nên cả dải sông trước đây là bè gỗ và vật liệu rừng có bói cũng chẳng ra một bè nào nữa. Trẻ con giờ có ra sông Hồng tắm thì cũng chỉ mon men ven bờ chứ chẳng còn được thụ hưởng những khoái tỷ nhảy bè như xưa. Gỗ hiếm nên người ta nhập gỗ từ Lào thậm chí là từ Nam Phi xa xôi. Trong nội thành để tìm ra một xưởng gỗ là điều hiếm hoi.

Chế tác gỗ bây giờ dồn về các làng ngoại thành thậm chí là ở tỉnh ngoài như Bắc Ninh với trung tâm gỗ nổi tiếng Đồng Kỵ. Phố đồ gỗ ở Hà Nội to nhất và thông dụng nhất vẫn tập trung ở đường La Thành. Tại đây với cả dãy dài các cửa hàng kinh doanh, mọi nhu cầu lớn nhỏ về đồ gỗ đều được thỏa mãn. Người bình dân có thể mua đồ gỗ đóng sẵn bằng những loại gỗ rẻ tiền. Khá giả hơn có thể đặt theo thiết kế của mình. Phố gỗ La Thành có thể ký những hợp đồng lớn về xây dựng nhà cửa bằng chất liệu gỗ cho mọi hạng mục. Cũng vì sự hiếm hoi của gỗ nên nhu cầu sử dụng của người dân bị phân hóa rõ rệt. Những nhà giàu có thu gom gỗ dựng những công trình tuyền bằng gỗ quý xa xỉ. Thú chơi này không được dư luận xã hội ủng hộ.

Đồ gỗ tinh xảo (Ảnh: Internet)

Nói đến gỗ lại nhớ đến những năm tháng đi học, tôi là kẻ chúa nghịch ngợm vào mùa quả sưa hay cùng chúng bạn đốt những quả này để ghẹo mọi người. Hà Nội trồng nhiều sưa. Mùa quả sưa có ở dịp cuối năm dương. Cây sưa còn được gọi là trắc thối có lẽ do quả của nó đốt lên bốc mùi thối hoắc. Ngày đó trẻ con được tự do chơi bời nên cái thú đốt quả sưa thối thành phong trào. Chỉ một, hai quả sưa đốt quăng vào góc phòng là lớp học nháo nhác, tán loạn.

Đám con gái bịt mũi tá hỏa còn cánh con trai thì ngặt nghẽo cười cợt. Khi tìm ra thủ phạm thì ngoài điểm hạnh kiểm kém còn bị ngồi chầu ở phòng hiệu trưởng và sau kết là bàn giao cho phụ huynh xử lý. Gỗ sưa có mùi thơm như trầm nhưng giá trị sử dụng chỉ làm được những đồ mỹ nghệ cao cấp nho nhỏ như đồ thờ cúng và xâu tràng hạt kiểu tâm linh Phật giáo. Một dạo giá gỗ sưa đắt kinh khủng được tính bằng giá bán cân khiến không ít cây bị chặt trộm.

Tản mạn về gỗ là cả một đề tài dài dằng dặc chỉ biết rằng gỗ với đời sống phố phường luôn là những gì mật thiết nhất. Tự nhiên tôi nghĩ một lúc nào đó trong đời sống này sẽ không còn đồ gỗ song hành. Sẽ là một thảm họa. Nhưng nếu chúng ta cứ triệt rừng, phá cây với tốc độ như hôm nay thì một ngày không xa thảm họa ấy sẽ đến.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top