Theo đó, các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động rà soát lại toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến các dự án đầu tư trọng điểm tại vùng Đông Nam của tỉnh để xác định rõ các tồn tại, vướng mắc, thiếu sót; đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án khu công nghiệp
Đối với Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Anh - Hàn Quốc sẽ giao cho Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai chịu trách nhiệm làm việc với Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh - Hàn Quốc; hỗ trợ, đôn đốc nhà đầu tư sớm triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên phần đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, làm việc với Công ty Điện lực Quảng Nam để thống nhất chương trình, nội dụng về phương thức, kế hoạch cấp điện cho các nhà đầu tư thứ cấp khi thu hút, đầu tư vào khu công nghiệp.
Bên cạnh đó làm việc với Sở Giao thông Vận tải và UBND huyện Núi Thành để xem xét quy mô, cấp đường của tuyến đường trục chính nối từ Quốc lộ 1A và khu công nghiệp để giao cho các cơ quan chức năng quản lý, bảo dưỡng tuyến đường, đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai rà soát địa điểm quy hoạch các mỏ cát làm nguyên liệu cho Nhà máy kính nổi trong hồ sơ Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Anh 1, để cùng UBND huyện Núi Thành làm việc, hưỡng dẫn Công ty CP Kính nổi Chu Lai - CFG thực hiện các hồ sơ, thủ tục cấp phép khai thác mỏ cát trắng theo đúng quy định, làm nguyên liệu cho nhà máy.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, chuyển gửi lại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định, tham mưu Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng của Dự án Khu công nghiệp Tam Anh - An An Hòa. Sau khi có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng của dự án, Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND tỉnh để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Trung tâm Phát triển hạ tầng thuộc Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai có trách nhiệm lập phương án, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp hậu cần cảng Tam Hiệp theo hướng khả thi nhất để báo cáo, xem xét, đánh giá khả năng bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện. Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai thông tin rộng rãi, kêu gọi nhà đầu tư có năng lực để tiếp nhận, đầu tư, phát triển và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp hậu cần cảng Tam Hiệp thay cho Trung tâm Phát triển hạ tầng thuộc Ban quản lý Kinh tế mở Chu Lai.
Riêng đối với Khu công nghiệp Đông Quế Sơn, xác định khu vực thực hiện dự án không được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư như các khu công nghiệp trong Khu Kinh tế mở Chu Lai, nên việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai theo dõi, làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để sớm xem xét, điều chỉnh Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư để đảm bảo cạnh trong công bằng giữa các khu công nghiệp trong toàn tỉnh, tạo điều kiện cho chủ đầu tư thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đăng ký sản xuất kinh doanh.
Thu hồi dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC
UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thăng Bình và các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động đầu tư của dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) theo quy định và giải quyết các phát sinh sau khi chấm dứt hoạt động của dự án.
Trước đó, Dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC (do Công ty CP Quốc tế Nam Hội An làm chủ đầu tư) được UBND tỉnh Quảng Nam quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 3/2017. Dự án có tổng vốn đăng ký hơn 4.300 tỷ đồng trên diện tích đất gần 200ha với 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ quý IV/2017 đến quý I/2019, hoàn thành và đưa vào sử dụng các hạng mục khu dịch vụ vui chơi giải trí, khu phức hợp khách sạn văn phòng cao tầng và khớp nối hạ tầng kỹ thuật - giao thông, cây xanh công viên;
Giai đoạn 2 từ quý II/2020, hoàn thiện khớp nối hạ tầng với giai đoạn 1 và hoàn thành các hạng mục khu biệt thự nghỉ dưỡng, công viên cây xanh khu dịch vụ vui chơi giải trí và khớp nối hạ tầng kỹ thuật - giao thông, cây xanh công viên.
Giai đoạn 3 từ quý IV/2021, hoàn thiện khớp nối hạ tầng với giai đoạn 1, 2 và hoàn thành các hạng mục còn lại.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các thủ tục tiếp theo của dự án; chưa thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định của pháp luật và không thực hiện thủ tục giãn tiến độ khi dự án đã chậm tiến độ 36 tháng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND huyện Thăng Bình, các sở, ngành liên quan tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án theo quy định hiện hành của pháp luật. Trong đó, UBND tỉnh lưu ý, rà soát lại hiện trạng sử dụng đất để điều chỉnh quy mô, ranh giới, loại bỏ phần diện tích có dân cư sinh sống đông đúc ra khỏi ranh giới dự án để thuận lợi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án và đảm bảo hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đồng thời, trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, cần xem xét, bổ sung tiêu chí hỗ trợ người dân tại khu vực phát triển sinh kế bằng cách liên kết, hợp tác giữa chủ đầu tư dự án với người dân trong việc phát triển du lịch cộng đồng, làng sản xuất phục vụ du lịch,...