Aa

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: "Đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản"

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Bảy, 06/05/2023 - 05:44

Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, sau những chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng cũng như của Tổ công tác, đến nay, bước đầu đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc pháp lý cho các dự án.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, trả lời câu hỏi liên quan đến kết quả quá trình tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản theo tinh thần Nghị quyết 33 của Chính phủ và Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp đã hoạt động rất tích cực và qua quá trình tiến hành rà soát, làm việc với các địa phương đã nhận diện được những khó khăn vướng mắc của thị trường. Cụ thể:

Một là khó khăn về mặt thể chế, vướng mắc về pháp luật của các dự án bất động sản. Qua rà soát các dự án, Bộ Xây dựng thấy nổi lên vấn đề liên quan đến đất đai, quy hoạch, trình tự thủ tục đầu tư và pháp luật về nhà ở cũng như các luật khác có liên quan.

Thứ hai, khó khăn về thực thi ở các địa phương. Trong nhiều báo cáo, Bộ Xây dựng đều làm rõ việc trách nhiệm thực thi ở các địa phương chưa quyết liệt để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án bất động sản. 

Thứ ba là những khó khăn liên quan đến nguồn lực tài chính ở các dự án bất động sản. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều giải pháp trong thời gian qua.

"Trên cơ sở nhận diện khó khăn, vướng mắc như vậy, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, đặc biệt là Nghị quyết 33 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, ổn định, lành mạnh. Thủ tướng đã ra 3 công điện đôn đốc các bộ, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đã có báo cáo cụ thể và trên cơ sở đề xuất của Tổ công tác và các bộ ngành, vừa qua đã có những tháo gỡ cho thị trường bất động sản", Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.

Tại TP.HCM, Tổ công tác đang rà soát để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 30 dự án bất động sản.
Tại TP.HCM, Tổ công tác đang rà soát để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 30 dự án bất động sản.

Thứ nhất về mặt thể chế, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, các bộ ngành đã ban hành nhiều thông tư để tháo gỡ khó khăn. Điển hình là Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, mang lại hiệu quả ngay, bước đầu đã có những tín hiệu tốt để đảm bảo nguồn lực. 

Chính phủ ban hành Nghị định 10 sửa đổi một số điều của Nghị định thi hành Luật Đất đai. Việc này cũng đã tích cực tháo gỡ khó khăn, nhất là những việc như cấp sổ hồng cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Chính phủ hiện đã trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, trong đó đưa toàn bộ nhóm chính sách về vướng mắc liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, báo cáo Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ V, thông qua vào kỳ họp thứ VI và có hiệu lực ngay sau khi Quốc hội ban hành để tháo gỡ ngay cho đầu tư phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. 

Bộ Xây dựng cũng đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó đã đưa ra nhiều sửa đổi để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến quy hoạch, nhà ở, thủ tục, đặc biệt là tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và nhà ở công nhân giai đoạn từ nay đến năm 2030. Đây là một trong những đề án có nhiều nhiệm vụ, mục tiêu rất cụ thể để triển khai, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai ngay gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, đã có văn bản hướng dẫn rất cụ thể cho các đối tượng là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay để thực hiện đầu tư các dự án cũng như cho vay các đối tượng để mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn đầy đủ, chi tiết về điều kiện, chủ yếu là các dự án được vay, công bố cũng như ủy quyền cho các địa phương công bố các danh mục dự án đầu tư nhà ở xã hội để được vay nhanh nhất. 

"Có thể nói, sau những chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng cũng như của Tổ công tác, đến nay, bước đầu đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định. 

Vấn đề thứ hai, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Tổ công tác đã làm việc với các địa phương, rà soát các dự án tại TP.HCM là 180 dự án, Hà Nội 170 dự án, Đà Nẵng 75 dự án, Hải Phòng 65 dự án, Cần Thơ 79 dự án. Ngoài ra, Tổ công tác nhận được 71 văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan đến 121 dự án bất động sản. Tổ công tác đã sàng lọc và có văn bản gửi các địa phương những dự án thuộc nội dung tháo gỡ thuộc thẩm quyền của địa phương, cũng như gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến các nội dung vướng mắc về lĩnh vực đầu tư, đất đai, trên cơ sở đó để các địa phương cũng như bộ ngành tập trung hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ ngay từng dự án. Các địa phương đang tích cực triển khai rà soát, tháo gỡ để thúc đẩy các dự án này sớm triển khai trở lại trong thời gian tới.

Vấn đề thứ ba về kết quả một số địa phương, thời gian vừa qua, bên cạnh hoạt động chung, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Tổ công tác đã làm việc với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận và một số địa phương khác. Trước hết, đối với TP.HCM, bước đầu chúng tôi làm việc cụ thể, rà soát từng dự án, không còn việc tháo gỡ chung.

"Tại TP.HCM, chúng tôi đang rà soát để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 30 dự án bất động sản cụ thể. Trên cơ sở rà soát, chúng tôi thấy nổi lên 30 nội dung vướng mắc. Qua trao đổi, giải thích và xem xét từng nội dung, chủ yếu là do cách hiểu pháp luật chưa rõ, chưa đúng. Sau khi trao đổi, 30 vướng mắc này cơ bản đã rõ, trong đó có 10 nội dung liên quan đến nhà ở xã hội, 10 nội dung liên quan đến cải tạo chung cư cũ, 4 nội dung liên quan đến quy hoạch và 3 nội dung liên quan đến đầu tư và đấu thầu, 2 nội dung liên quan đến đất đai", Thứ trưởng Bộ Xây dựng thông tin.

Đối với Đồng Nai, Tổ công tác cũng làm việc trực tiếp với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ban ngành và các doanh nghiệp có liên quan. Qua làm việc, rà soát có 7 dự án liên quan đến các tập đoàn lớn như Novaland, Hưng Thịnh, DIC.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định: "Chúng tôi nhận diện khó khăn vướng mắc thứ nhất liên quan đến nội dung về quy hoạch, sự không phù hợp giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết và các dự án. Về vấn đề này, chúng tôi đã thống nhất cùng UBND tỉnh và các doanh nghiệp để tháo gỡ. Theo đó, hiện nay tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP. Biên Hòa đến năm 2045. Nhiệm vụ quy hoạch tổng thể chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 252, do đó đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo rà soát đánh giá lại nội dung quy hoạch chi tiết các dự án và nội dung điều chỉnh quy hoạch phân khu C4 trên cơ sở các nội dung đang nghiên cứu của đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung để báo cáo Thủ tướng xem xét việc điều chỉnh một số nội dung quy hoạch phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng đối với TP. Biên Hòa và đảm bảo các yêu cầu về hành lang bảo vệ sông, rạch và thoát nước tổng thể cũng như thực tiễn phát triển. Đồng thời, trong quá trình lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ tiến hành xem xét điều chỉnh các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, đảm bảo yêu cầu đề ra".

Một vấn đề khó nữa là dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Theo ông Nguyễn Văn Sinh, sau khi rà soát lại, hiện nay các quy định để dành quỹ đất nhà ở xã hội có từng giai đoạn, ví dụ giai đoạn từ 2006 - 2010 thì có Nghị định 90 của Chính phủ; giai đoạn 2010 - 2013 có Nghị định 71; giai đoạn 2013 - 2015 có Nghị định 188… Trên cơ sở đó, các dự án này sẽ được rà soát để có điều chỉnh./.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chiều ngày 5/5, làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đây là việc hết sức cấp bách, phải tháo gỡ kịp thời để giải phóng nguồn lực từ các dự án bất động sản.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong "hệ sinh thái" kinh tế: Công nghiệp, dịch vụ, du lịch, lưu trú, sản xuất vật liệu, tài chính, ngân hàng…, tác động đến chuỗi sản xuất như vật liệu, sắt thép, đồ gia dụng, thị trường vốn, tín dụng, thị trường lao động, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, việc tháo gỡ các vướng mắc liên quan thị trường bất động sản hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh nguyên nhân của những tồn tại, vướng mắc của các dự án bất động sản đã được nhận diện, nhất là những vấn đề liên quan đến pháp lý thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu, các địa phương khẩn trương, nghiêm túc giải quyết các nhóm vấn đề tồn tại thuộc thẩm quyền nhằm hoàn thành thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản như: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết dự án bất động sản phù hợp với quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy định về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, xác định giá đất…; đồng thời tiếp tục rà soát, kiểm tra, báo cáo những vấn đề mới phát sinh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top