Chiều tối 23/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương liên quan về tiến độ triển khai giai đoạn 1, nghiên cứu triển khai giai đoạn 2 của dự án sân bay Gia Bình (Bắc Ninh), xây dựng đường kết nối giữa sân bay với trung tâm Hà Nội và phát triển trung tâm logistics tại sân bay này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp.
Trước đó, tại lễ khởi công sân bay Gia Bình giai đoạn 1 vào tháng 12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu, triển khai tuyến đường kết nối giữa sân bay Gia Bình và Hà Nội, đảm bảo có phương án cụ thể chậm nhất vào tháng 6/2025.
Sân bay Gia Bình được quy hoạch cấp 4E, là công trình trọng điểm quốc gia với vai trò kép, vừa phục vụ quốc phòng - an ninh, vừa hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Khi hoàn thành và đi vào hoạt động, sân bay sẽ đảm nhiệm nhiều chức năng chiến lược, từ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Không quân Công an nhân dân, đến dự bị cho Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) và các sân bay lân cận khi có tình huống khẩn cấp.
Bên cạnh đó, sân bay cũng được định hướng để phục vụ các chuyến bay chuyên cơ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính khách quốc tế trên các loại tàu bay cánh bằng lớn. Đồng thời, sân bay có thể khai thác vận tải hành khách, hàng hóa, khi đáp ứng đủ điều kiện, góp phần tăng cường tính kết nối và phát triển kinh tế vùng.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng là 2 vùng động lực tăng trưởng quan trọng của cả nước, với TP.HCM và Hà Nội là 2 cực tăng trưởng chính.
Ở miền Nam, sân bay Long Thành đang được xây dựng với tiến độ khẩn trương, cùng với đó là các dự án giao thông kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần giải quyết bài toán hạ tầng giao thông cho TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ.
Trong khi đó, tại miền Bắc, khu vực đồng bằng sông Hồng hiện chỉ có sân bay Nội Bài là trung tâm hàng không lớn duy nhất. Mặc dù đã khởi công thêm nhà ga mới, nhưng với tốc độ tăng trưởng hiện nay, Nội Bài vẫn trong tình trạng quá tải.
"Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải có thêm một sân bay lưỡng dụng, vừa phục vụ an ninh - quốc phòng, vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội, đồng thời giảm tải áp lực cho sân bay Nội Bài", Thủ tướng chỉ rõ.
Theo Thủ tướng, việc quy hoạch và xây dựng sân bay Gia Bình là hoàn toàn có cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý rõ ràng. Sau khi đã khởi công giai đoạn 1, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan phải nghiên cứu triển khai ngay giai đoạn 2, tận dụng tối đa thời gian, công sức và nguồn lực để làm luôn khi đang "sẵn nong sẵn né" để tiết kiệm thời gian, công sức và nguồn lực, chống lãng phí.
Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần nghiên cứu hướng tuyến, phương án kết nối, xây dựng tuyến đường kết nối giữa sân bay Gia Bình với trung tâm Hà Nội nhanh nhất, thẳng nhất, đẹp nhất, hiệu quả nhất.
"Yêu cầu hoàn thành tuyến đường này trong thời gian tối đa 2 năm, đây là công trình có ý nghĩa quan trọng để quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè, đối tác quốc tế, kêu gọi đầu tư và thu hút du lịch", Thủ tướng nhấn mạnh.

Mô hình tuyến đường kết nối giữa sân bay Gia Bình với trung tâm Hà Nội.
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo xây dựng, phát triển trung tâm logistics tại sân bay theo hướng hiện đại, thông minh, phát triển thương mại điện tử.
"Tất cả những việc nói trên phải làm nhanh, kịp thời, hiệu quả, đỡ tốn kém nhất, có những nội dung cần đi tắt đón đầu, những gì luật pháp đã cho phép thì thực hiện theo đúng quy định, đồng thời nghiên cứu xem xét, đề xuất bổ sung một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, thẩm quyền cấp nào thì cấp đó quyết; tinh thần là làm nhanh nhưng bảo đảm chất lượng, an toàn, bảo đảm môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, đạt được các mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.