Lời tòa soạn:
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cho biết dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đưa tỉnh “đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước”. Mặc dù vậy, do chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững; cải cách hành chính, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có cải thiện nhưng chưa đáng kể; hoạt động và phối hợp công tác ở chính quyền một số địa phương, sở, ngành chưa hiệu quả; chất lượng quy hoạch cán bộ có mặt còn hạn chế…
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5 - 8%, trong giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Trị xác định sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp năng lượng, đưa Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.
Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị, khoảng 2 năm trở lại đây là khoảng thời gian ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về thu hút đầu tư. Hàng loạt dự án với vốn đầu tư từ vài ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng đã được khởi công tại tỉnh Quảng Trị.
Tính riêng năm 2019, tỉnh này có 66 dự án được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có dự án đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài về nhiều lĩnh vực. Đây cũng là năm mà Quảng Trị thu hút được nhiều dự án với qui mô lớn, có vai trò tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn không ít bất cập trong quá trình thu hút đầu tư của địa phương này.
Với tinh thần nghiên cứu và phản biện vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của địa phương, trên cơ sở vận dụng đúng các quy định pháp luật, Reatimes khởi đăng loạt bài: Tận dụng nguồn lực đất đai và tài nguyên để phát triển kinh tế tại Quảng Trị, thành quả và bài học từ thực tiễn. Trân trọng giới thiệu với độc giả!
Cụ thể, ngày 18/2/2022, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản số 616/UBND-KT, phản hồi Reatimes về tình hình phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh. Văn bản này cho biết, hiện nay, các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực đều do nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất đưa vào quy hoạch để triển khai thực hiện và phải chi trả các chi phí liên quan đến quá trình nghiên cứu, đề xuất dự án trước khi được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Điển hình như dự án Nhà máy điện gió LIG Hướng Hóa 1 được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ký Quyết định chủ trương đầu tư số 3393/QĐ-UBND, ngày 27/11/2020, chỉ định cho Công ty Cổ phần LIG - Hướng Hóa 1 làm chủ đầu tư. UBND tỉnh cho rằng dự án này do doanh nghiệp tự nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào quy hoạch chứ không thuộc danh mục dự án do cơ quan nhà nước đưa ra để đấu thầu, nên thuộc trường hợp chỉ định thầu.
Tỉnh này cũng cho rằng đối với các dự án điện gió thì nhà đầu tư được xác định từ giai đoạn lập quy hoạch dự án. Vì vậy hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án điện gió áp dụng theo Điểm d, Khoản 4, Điều 29, Khoản 4, Điều 33 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14. Tuy nhiên, liệu Luật này có được UBND tỉnh Quảng Trị áp dụng đúng thời điểm có hiệu lực hay không? Reatimes sẽ tiếp tục thông tin trong bài tiếp theo.
Theo tìm hiểu, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Trị xác định sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp năng lượng, đưa tỉnh này trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.
Như vậy, điện gió được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh này lại hoàn toàn không lập quy hoạch phát triển điện gió để đưa các dự án ra đấu thầu công khai, minh bạch, lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp nhất, mà lại thả cửa cho nhà đầu tư đi “xin” dự án. Điều này không chỉ khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực của chính quyền địa phương, mà trực tiếp là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương trong việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, mà còn là kẽ hở tạo điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Đánh giá về tình trạng nhiều nhà đầu tư yếu kém năng lực, lợi dụng cơ chế “xin” dự án rồi chuyển nhượng cổ phần kiếm lời, UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, quá trình thẩm định các dự án đầu tư (trong đó có dự án điện gió), có nội dung thẩm định về năng lực nhà đầu tư thực hiện theo quy định pháp luật. Hoạt động chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp (nếu có) phải được thực hiện trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật.
Một điểm đáng chú ý khác là UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đều chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư, phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều trường hợp chưa hoàn thành thủ tục đất đai đã thi công trái phép, điển hình như các nhà máy điện gió ở huyện Hướng Hóa: Phong Liệu (Công ty Cổ phần Điện gió Phong Liệu), Amaccao Quảng Trị 1 (Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh), Tài Tâm (Công ty TNHH Tài Tâm), Hoàng Hải (Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Hoàng Hải), Tân Hợp (Công ty Cổ phần Thành An); Hướng Linh 3, Hướng Linh 4 và Hướng Hiệp 1 (cùng đầu tư bởi Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu)...
Việc không tuân thủ quy định pháp luật của các doanh nghiệp điện gió đã khiến tình hình tranh chấp có những thời điểm diễn biến phức tạp, có trường hợp phải đưa ra tòa án giải quyết. Đơn cử trường hợp ông Phạm Ngọc Vinh (SN 1989, trú tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) khởi kiện Công ty TNHH MTV ĐT Năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị do ông Đỗ Lê Quân làm Giám đốc - người đại diện theo pháp luật ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hướng Hóa liên quan đến vấn đề hợp đồng chuyển nhượng đất.
(Còn nữa)