Aa

Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người yếu thế với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau

Hà Trang
Hà Trang changha1605@gmail.com
Thứ Bảy, 05/11/2022 - 18:12

Chiều 5/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo, giải trình và làm rõ một số nội dung được cử tri cả nước quan tâm.

Củng cố niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế

Qua các báo cáo và thảo luận được đưa ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đã có nhiều ý kiến phân tích, đánh giá sâu sắc, trí tuệ được đưa ra trên tinh thần trách nhiệm cao và bám sát thực tiễn về tình hình kinh tế xã hội của đất nước. 

“Chính phủ xin trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, yếu kém, vướng mắc còn tồn tại và khó khăn, thách thức cần vượt qua. Đồng thời các Đại biểu Quốc hội đã tâm huyết đóng góp, gợi mở cho Chính phủ, các Bộ, ngành nhiều giải pháp trên tất cả các lĩnh vực. Điều đó thể hiện tinh thần đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong công tác quản lý, điều hành”, Thủ tướng phát biểu tại Quốc hội.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng, phù hợp, khả thi của các đại biểu quốc hội và đồng bào cử tri cả nước. Trong đó, nhiều vấn đề đã và đang được triển khai, thực hiện, xử lý từng bước một cách hiệu quả nhưng cũng có những vấn đề cần phải tiếp tục tập trung nghiên cứu, giải quyết, khắc phục cả trước mắt và lâu dài. 

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã có nhiều ý kiến phân tích, đánh giá sâu sắc, trí tuệ được đưa ra trên tinh thần trách nhiệm cao và bám sát thực tiễn về tình hình kinh tế xã hội của đất nước (Ảnh: quochoi.vn).

Tình hình thế giới thời gian qua có nhiều điểm mới và các yếu tố rủi ro cũng gia tăng. Song, với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực của Chính phủ cùng sự đồng lòng chung sức của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, toàn thể nhân dân, tình hình kinh tế xã hội 10 tháng qua tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực.

Thủ tướng dẫn chứng bằng các con số như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 2,89%; thu ngân sách nhà nước tăng 16,2 % so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 17,45 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 616 tỷ USD, tăng 14,1%...

Đứng trước những thách thức khi điều hành kinh tế vĩ mô ngày càng khó khăn, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác hay hoang mang, dao động mà phải luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động và linh hoạt. Cần đặt lợi ích của nhân dân lên trên cùng, củng cố niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp để thúc đẩy phục hồi nhanh và hướng tới phát triển bền vững. 

“Chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực”, Thủ tướng nhấn mạnh tại phiên họp. Làm như vậy không những để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường; minh bạch nền hành chính và kinh tế mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững và đúng pháp luật.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện chính sách tiền tệ một cách chắc chắn, thận trọng, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác, không chuyển trạng thái đột ngột... là những ưu tiên hàng đầu được Thủ tướng nêu ra. 

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Một số vấn đề lớn được Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm đều được Thủ tướng báo cáo, giải trình và làm rõ. 

Thời gian qua, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đều có sự tăng trưởng “nóng”, tiềm ẩn nhiều rủi ro dù cho quy mô đều tăng mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp tăng cao trong khi việc tiếp cận vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ. Đa số các nhà đầu tư là nhỏ lẻ, còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hạn chế; một số ít doanh nghiệp vi phạm quy định trong phát hành trái phiếu. Thị trường bất động sản có cơ cấu chưa hợp lý, mặt bằng giá tăng cao và thanh khoản gặp khó khăn…

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng yếu kém và bảo đảm thị trường hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững theo quy định pháp luật. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và sửa một số nghị định, thông tư liên quan.

“Cần kiểm soát tốt hơn các hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người yếu thế với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ cần thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người yếu thế với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau” (Ảnh: quochoi.vn).

Về cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và quyết tâm xử lý các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, Thủ tướng cho biết đã có chủ trương, giải pháp để xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém, chuyển giao bắt buộc và kiểm soát đặc biệt 1 ngân hàng. Đã có phương án xử lý đối với 5/12 dự án và đang tích cực xây dựng phương án  khả thi, tốt nhất có thể đối với 7/12 dự án còn lại và các dự án phát sinh khác. 

Thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch cơ cấu lại, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý rủi ro, nâng cao năng lực tài chính, quản trị của các tổ chức tín dụng yếu kém và các doanh nghiệp, dự án thua lỗ kéo dài. 

Liên quan đến công tác điều hành giá và đảm đảm nguồn cung xăng dầu, trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng mạnh thì Chính phủ đã chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền. Đồng thời, chỉ đạo sản xuất 2 nhà máy lọc hóa dầu trong nước, vận hành công suất tối đa để phục vụ nhu cầu người dân. Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phòng chống buôn lậu, điều hành giá xăng dầu linh hoạt, nâng tổng mức dự trữ quốc gia và sửa đổi các quy định còn bất cập.

Về giải ngân đầu tư công, đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương và Chính phủ đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ giải pháp để thúc đẩy thực hiện. Tuy nhiên, tình hình giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu và mong muốn của cử tri khi số vốn kế hoạch của năm 2022 còn lại phải giải ngân là khoảng 282.000 tỷ đồng; còn 8,3% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội chưa phân bổ; việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% còn rất chậm. 

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (Ảnh: quochoi.vn).

Đối với vấn đề sức khỏe của người dân, đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác vẫn diễn biến phức tạp nhưng nhiều cơ sở khám chữa bệnh vẫn chậm chạp trong công tác khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như như đứt gãy chuỗi cung ứng, giá thuốc trên thế giới biến động mạnh, số lượng bệnh nhân tăng cao,... thì vẫn còn những nguyên nhân chủ quan như tâm lý sợ trách nhiệm; quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm còn vướng mắc; một số cán bộ chưa phù hợp chuyên môn,... 

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp khẩn trương rà soát, tham mưu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan; đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ người đứng đầu và cán bộ liên quan; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; bảo đảm đấu thầu công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực.

Về tăng năng suất lao động, do chất lượng nhân lực còn hạn chế, trình độ kỹ thuật lạc hậu mà tốc độ tăng năng suất của nước ta chưa đủ nhanh để bắt kịp thế giới. Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, có cơ chế, chính sách phù hợp để đào nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề gắn với đổi mới. Cần phát triển thị trường nhân lực hiện đại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, tích cực tổ chức phong trào thi đua, cải cách tiền lương,... nhằm khuyến khích người lao động hăng say làm việc. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top