Bảo vệ cán bộ sáng tạo dám nghĩ, dám làm
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đặt vấn đề: Trọng dụng nhân tài và thưởng, phạt nghiêm minh là thuật dùng người và cũng là quy luật trị quốc muôn đời từ trước đến nay. Ngày 22/9/2021 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất gì với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để biến chủ trương này thành pháp luật, tức là biến thành các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung đối với toàn bộ máy nhà nước?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là một trong những nội dung mà Bộ Nội vụ phải nói đang quan tâm rất sâu sắc, trong đó có vấn đề về trọng dụng nhân tài gắn với khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bộ trưởng khẳng định: “Trọng dụng nhân tài là một yếu tố truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay rồi và quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về thu hút và trọng dụng nhân tài thì đã được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết, trong các Văn kiện Đại hội của Đảng, trong Chỉ thị, trong Kết luận và nhất là Đại hội XIII của Đảng vừa qua cũng đã nhấn mạnh về vấn đề này. Chúng ta nhìn ra thế giới thì nhiều nước đã làm nên kỳ tích của sự phát triển đất nước họ bằng chính nhân tài, nói gần như là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, có thể nói họ đều rất chú trọng đến vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài.
Hiện nay có Kết luận số 86 của Bộ Chính trị. Để cụ thể hóa vấn đề này, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 140 để triển khai thực hiện, thời gian nó chưa nhiều, bắt đầu từ năm 2018 đến nay thu hút cũng chưa được nhiều, được 258 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học, nhưng quan trọng là tất cả các địa phương đều rất chú trọng vấn đề này, mà điển hình đó là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc và rất nhiều các tỉnh khác. Căn cứ vào chủ trương của Đảng đã phê thông qua Hội đồng nhân dân để xây dựng một hệ thống chính sách rất phù hợp để thu hút và trọng dụng nhân tài”.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết thêm: “Đến thời điểm này, chúng tôi tính được các địa phương đã thu hút được sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ đã được khoảng gần 3 nghìn người, hiện nay chúng ta mới được như vậy. Nhưng thực tiễn rõ ràng còn quá ít ỏi để số lượng này làm việc trong khu vực công, cho nên trong thời gian tới, căn cứ vào chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, Bộ Nội vụ đang xây dựng một Đề án chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài.
Cùng với chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài này sẽ có một cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn, tốt hơn, vì hiện nay chúng tôi đang lấy ý kiến của các bộ, ngành. Thủ tướng Chính phủ đang đôn đốc để cố gắng nhanh nhất năm tới chúng ta có nghị định tổng thể, bao quát, trong đó sẽ có cả tinh thần của 140 để có một bộ chính sách để chúng ta thu hút và trọng dụng nhân tài.
Cùng với thu hút, trọng dụng nhân tài thì việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về lợi ích chung theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị là một việc các đại biểu đang rất mong đợi. Bởi vì, chúng ta chưa có cơ chế này, chưa có hành lang pháp lý này để làm sao khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về lợi ích chung, trong khi hệ thống thể chế của chúng ta có những mặt chưa được đồng bộ, có những vấn đề còn xung đột lẫn nhau. Hệ thống thể chế chưa thật sự đảm bảo đầy đủ các yếu tố cho cán bộ làm. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đang tập trung xây dựng một nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá về lợi ích chung để cụ thể hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị”.
Trong phiên chất vấn chiều nay, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) quan tâm tới vấn đề không ít cán bộ quản lý công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật, gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận. Với tư cách là tư lệnh ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý cán bộ thuộc thẩm quyền về tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng cho biết về nhận xét vấn đề này ra sao và cho biết đâu là nguyên nhân và giải pháp?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hòa, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: “Về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian vừa qua đã tạo ra những dư luận không tốt, hay nói cách khác là tạo những dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Trong quá trình tổng hợp từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm chúng ta đã xử lý 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải xử lý kỷ luật, có trường hợp phải xử lý hình sự. Riêng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã phải xử lý kỷ luật hơn 20.300, trong số này thì cũng có xử lý về mặt hình sự. Số lượng này tính trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta thì khoảng 1%, cũng là con số lớn nhất từ trước đến nay.
Từ thực trạng này, chúng tôi thấy làm thế nào để chúng ta vừa phải thực hiện rất nghiêm theo tinh thần tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, chúng ta thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng và chúng ta thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương công vụ thì chúng tôi nghĩ là trong thời gian tới chúng ta sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh vấn đề này. Về phía Bộ Nội vụ, chúng tôi sẽ tham mưu để ban hành một nghị định về đạo đức công vụ, để chúng ta siết chặt lại hơn nữa kỷ cương, đạo đức công vụ, để làm sao mà đảm bảo được đồng bộ giữa các quy định của Đảng với các quy định của Nhà nước để chúng ta thực hiện việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của chúng ta trong sạch phục vụ nhân dân”.
Đánh giá cán bộ chưa thực chất
Đại biểu Hà Sỹ Huân (đoàn Bắc Kạn) đặt vấn đề: “Việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức luôn là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đánh giá xếp loại vẫn còn biểu hiện chưa thực chất, thậm chí có hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ đã và sẽ triển khai giúp cho công tác đánh giá cán bộ được chính xác và phản ánh thực chất trong thời gian tới?”.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong thời gian vừa qua, Đảng cũng như Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức và viên chức. Thực chất kết quả đánh giá trong những năm gần đây đã có chuyển biến tích cực hơn.
“Tôi chỉ lấy số liệu của năm 2021, số cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ có khoảng 22%. Trước đó, số liệu này khoảng 30%, số liệu mà số cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ của năm 2021 có 1,72%, những năm trước đó tỷ lệ này chỉ có khoảng từ 0,56 đến 0,64%. Trước hết, phải nói đã có sự chuyển biến tích cực hơn, nhưng nhìn một cách tổng thể chúng ta thấy việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả công việc đầu ra và mặt khác cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Chúng tôi thấy trong thời gian tới, để việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tốt hơn thì trước hết sẽ phải tập trung để hoàn thiện một hệ thống thể chế pháp luật về đánh giá, đảm bảo đồng bộ, liên thông với lại các quy định của Đảng và theo hướng xuyên suốt, đa chiều và chúng ta phải có tiêu chí và bằng sản phẩm cụ thể.
Thứ hai, đó là phải cố gắng tập trung để chúng ta hoàn thành xong được việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực, bởi vì từ đó làm cơ sở để chúng ta đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm thì mới đảm bảo được yêu cầu tốt hơn.
Thứ ba, đó là các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ở địa phương thì chúng ta cũng phải căn cứ vào quy định chung của Đảng, quy định chung của Chính phủ để cụ thể hóa ở cơ quan, đơn vị mình cho việc xếp loại, đánh giá cho công khai, công bằng, dân chủ, chính xác, vì chỉ có đánh giá công bằng, chính xác thì mới làm cơ sở, là động lực để cho cán bộ, công chức của chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đương nhiên trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể không ứng dụng công nghệ thông tin và cũng phải có những công cụ để đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng quan tâm tới năng lực cán bộ, Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (đoàn Trà Vinh) nêu: Trong Báo cáo số 330 của Đoàn giám sát, Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 có nêu năng lực của nhiều tổ chức, cá nhân tham mưu xây dựng, ban hành văn bản vi phạm pháp luật còn hạn chế. Cụ thể là còn thiếu kỹ năng phân tích, dự báo, thiếu tầm nhìn, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu chính sách chưa sâu, chưa kĩ, chưa đánh giá hết các tác động của các chính sách ban hành, một số trường hợp còn thiếu trách nhiệm, nặng về lợi ích ngành, cơ quan, chưa quan tâm bố trí đủ công chức làm công tác pháp chế. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lãng phí tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân.
“Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiệu quả, chất lượng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV?”, đại biểu Nga đặt câu hỏi.
Đối với câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ rõ, trong những năm vừa qua, trong hệ thống đào tạo của chúng ta đã rất quan tâm đào tạo lao động trên lĩnh vực về pháp luật, nhưng thực tế lực lượng này vào trong khu vực công cũng không nhiều, nhất là trong những năm gần đây thì do thị trường lao động, đặc biệt trên lĩnh vực này cũng phát triển khá đa dạng, khá phong phú, cho nên việc thu hút lực lượng này cũng có khó khăn hơn.
“Chính vì vậy, chúng tôi xin được tiếp thu ý kiến của đại biểu trong thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để làm sao đó xây dựng một đề án thật căn cơ, thật cụ thể để chuẩn bị một nguồn nhân lực về việc tham mưu để xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới”, Bộ trưởng bày tỏ.