Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Tài chính hôm 10/1.
Thủ tướng cũng đánh giá năm 2019, ngành tài chính “thắng lợi toàn diện”, nhiều mặt xuất sắc. Điểm nổi bật nhất là thu ngân sách vượt dự toán, cả Trung ương và địa phương (năm thứ 4 liên tiếp vượt dự toán) góp phần tạo thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển. Bộ Tài chính đã làm được việc lần đầu tiên sau nhiều năm toàn bộ các tỉnh, thành đều vượt thu ngân sách. Tính chung, cả nước đã vượt dự toán trên 138.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với dự toán. Bội chi ngân sách chỉ có 3,4% GDP, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 3,6%.
Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương trong công tác điều hành giá, trong đó có việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu, các dịch vụ giáo dục, y tế và quản lý, kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, bảo đảm bình ổn giá và kiểm soát lạm phát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Điều hành giá cũng phải là nghệ thuật, chứ không phải đơn giản là tăng giá ào ào”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được một cách toàn diện xuất sắc thì Thủ tướng nêu rõ, từng cán bộ, công chức ngành tài chính phải nhìn lại mình, tập trung khắc phục những hạn chế yếu, kém để thực hiện hiệu quả hơn chức trách nhiệm vụ được giao.
Không né tránh trách nhiệm, không thoái thác nhiệm vụ
Trước hết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn ngành tài chính tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược, thể hiện rõ tinh thần kiến tạo phục vụ. Không chỉ là mệnh lệnh hành chính, quan liêu, ngành tài chính phải thể hiện tầm nhìn vĩ mô vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì lợi ích chung của cả đất nước, vì quốc gia, dân tộc, đặc biệt là không né tránh trách nhiệm, không thoái thác nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Ngành tài chính phải xông lên phía trước, tiên phong trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, trong việc thúc đẩy phát triển của đất nước.
Cán bộ tài chính phải tiên phong, gương mẫu, khắc phục tình trạng buông lỏng kỷ luật, kỷ cương tài chính, chậm trong đề xuất và xử lý các đề xuất kiến nghị của ngành và địa phương ở một số đơn vị.
Thủ tướng cũng mong muốn ngành tài chính cần tiếp thu, lắng nghe, có tinh thần thái độ làm việc một cách cầu thị, không được để tình trạng chậm chạp, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm các vi phạm nhằm tiếp tục góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trước mắt, Bộ Tài chính cần tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công. Nhắc lại con số giải ngân năm 2019 mới đạt 73,5% dự toán, Thủ tướng nhấn mạnh, điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng và yêu cầu Bộ phối hợp với các bộ, ngành khắc phục tình trạng này ngay từ đầu năm nay, không để “bài ca muôn thuở” về giải ngân chậm tái diễn trong năm 2020.
Trước thực tế tiến độ cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước triển khai chậm (năm 2019 mới phê duyệt được phương án của 12 doanh nghiệp), Thủ tướng yêu cầu Bộ phải đề xuất giải pháp mạnh đối với Chính phủ để xử lý, tháo gỡ ách tắc, nhất là vấn đề đất đai trong cổ phần hóa.
Về kỷ luật, kỷ cương tài chính Nhà nước, dù chuyển biến nhưng vẫn còn bất cập ở một số cơ quan, đơn vị, còn nhiều sai phạm trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đấu thầu, mua sắm, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh ngay vấn đề này, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm.
Về nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng lưu ý bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó thương mại toàn cầu giảm, Bộ cần đề xuất các chính sách để huy động nguồn lực cho đất nước, góp phần thực hiện được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 300 tỷ USD năm 2020.
“Ngành tài chính phải tận tâm, phải lắng nghe”, để sửa mình, để phấn đấu thì mới có bước phát triển mới, Thủ tướng nêu rõ. “Chúng ta đang nói đến khát vọng hùng cường của Việt Nam, vậy thì ngành tài chính với 7 vạn người đóng góp vào sự khát vọng này như thế nào?”. Chính vì thế, ngành cần tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những định hướng, giải pháp cụ thể để nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tận dụng cơ hội khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Đổi mới không phải là từ cái nhà to
Thủ tướng cũng cho rằng, ngành tài chính là huyết mạch quan trọng, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế phát triển và đề nghị Bộ Tài chính “đổi mới tư duy và xây dựng chiến lược chính sách”. Tài chính không chỉ là con số thu chi ngân sách Nhà nước, là khư khư giữ tiền; tài chính phải biết huy động, biết sử dụng tiền hiệu quả hơn và làm tiền đẻ ra tiền. Tài chính là kinh tế, nguồn lực, tiềm lực của đất nước, không chỉ đã có, đang có, mà sẽ có. Tài chính phải vì mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
“Cho nên các chính sách tài chính như thuế, chi ngân sách, thị trường chứng khoán... phải tập trung khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng năng lực sản xuất, phát huy tiềm năng thế mạnh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của Việt Nam".
Nhấn mạnh nguồn thu ngân sách là từ sản xuất trong nước, xuất nhập khẩu, dịch vụ..., Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, ngành tài chính cần phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh phát triển, làm sao cho “chiếc bánh” to hơn để có nguồn thu lớn hơn. Đây chính là câu hỏi về thể chế, chính sách mà ngành tài chính là đơn vị “cầm cân” quan trọng. “Đổi mới không phải là từ cái nhà to mà chính đổi mới từ con người và thể chế. Tôi mong rằng chúng ta có bộ máy với những người giỏi, tâm huyết với sự nghiệp ngành tài chính”.
Thủ tướng cũng nhiều lần nhấn mạnh tại hội nghị này về việc Bộ Tài chính cần phối hợp tốt với các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Đặc biệt, ngành cần phối hợp tốt với Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là trong dịp Tết có thể dễ gây lạm phát tâm lý.
Bộ cần quyết tâm và có giải pháp để năm 2020 vượt thu ngân sách ít nhất 5%; siết chặt kỷ luật ngân sách, trong đó giảm chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước để có nguồn chi cải cách tiền lương. Cùng với nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ nợ công và tái cơ cấu nợ công, giảm chi phí vay vốn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu biện pháp huy động nguồn lực cho phát triển trong bối cảnh tỷ lệ nợ công giảm. “Bộ Tài chính đã đưa ra một chương trình giảm chi phí vay vốn, nhất là vay vốn nước ngoài, rất tốt, rất cần thiết. Nên phổ cập để các cấp, ngành áp dụng, đặc biệt là huy động các nguồn trong điều kiện nợ công giảm”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập và giá dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, trong đó có cải cách tiền lương là việc cấp bách. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Xây dựng ngành tài chính điện tử, đi tiên phong trong xây dựng Chính phủ điện tử. Theo dõi thị trường giá cả, nhất là thị trường thế giới để dự báo sát cung cầu, giá cả thị trường.
Bộ cần chủ động hội nhập tài chính quốc tế, chủ động thực hiện các hiệp định thương mại chúng ta đã ký, thực hiện tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN liên quan đến lĩnh vực tài chính, trong đó có 37 hội nghị liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Thông tin kịp thời hơn, tháo gỡ các vướng mắc hơn nữa để cải thiện đánh giá về triển vọng, hệ số tín nhiệm của Việt Nam ngay trong năm nay.
Dẫn câu nói của một nhà triết học Hy Lạp cổ đại: “Người muốn phụng sự Tổ quốc mình không chỉ phải có năng lực để suy nghĩ mà còn phải có tư duy để hành động”, Thủ tướng tin tưởng, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, tinh thần đổi mới, ngành tài chính sẽ đóng góp quan trọng vào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Quốc hội giao.