Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 03/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung chấn chỉnh và xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản (BĐS) cũng như thanh tra, kiểm tra các dự án xây dựng BĐS.
Trong suốt thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án BĐS, giúp kiểm soát cũng như ổn định thị trường BĐS, góp phần tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất, chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Dù vậy trong năm 2024, ở một số thời điểm và một số khu vực, giá BĐS và giá nhà đã tăng cao vượt khả năng chi trả của người dân.
Nguyên nhân một phần do các hội, nhóm đầu cơ, nhà đầu tư và cá nhân hoạt động môi giới BĐS lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý đầu tư theo đám đông của nhiều người để "thao túng tâm lý", "đẩy giá tăng cao", "tạo giá ảo" khiến thông tin thị trường bị nhiễu loạn.
Trong khi đó, những thông tin về nhà ở, thị trường BĐS cũng chưa đầy đủ và kịp thời, chưa minh bạch khiến các tổ chức, cá nhân thiếu thông tin, nhiều địa phương bị định hướng bởi một số hội, nhóm đầu cơ, nhà đầu tư, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS làm "nhiễu loạn" thông tin thị trường.
Nhiều chủ đầu tư dự án BĐS lợi dụng tình hình nguồn cung BĐS hạn chế để bán BĐS cao hơn so với mức trung bình của các dự án BĐS để thu lợi.
Các phiên đấu giá đất với mức giá đất trúng cao bất thường đã làm tăng mặt bằng giá đất, nhà ở, giá BĐS lên chóng mặt.
Ngoài ra, nguồn cung nhà ở, BĐS cũng trong tình trạng khan hiếm, đặc biệt việc nguồn cung nhà ở thương mại với mức giá phù hợp khả năng chi trả của người dân có thu nhập trung bình và thấp gần như không còn.
Trước những thực trạng này, nhằm tăng cường kiểm soát cũng như ổn định thị trường BĐS, giá nhà đất cũng như chấn chỉnh và xử lý kịp thời hành vi thao túng, đẩy giá và đầu cơ BĐS, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, công điện,... liên quan đến tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Các đơn vị liên quan có trách nhiệm đẩy mạnh truyền thông, công khai và minh bạch thông tin có liên quan đến nhà ở, thị trường BĐS nhằm đảm bảo kịp thời đầy đủ và chính xác, đồng thời tăng cường kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ, có hiệu quả các kênh thông tin xã hội không chính xác, không chính thống có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý đầu tư, khách hàng cũng như thị trường.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành có liên quan đề xuất Đề án thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý," trong đó hướng đến giao dịch qua hình thức điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường tính công khai, minh bạch của giao dịch bất động sản trên thị trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2025; phối hợp với Bộ Công an để cập nhật, hoàn thiện, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà ở và thị trường bất động sản kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công chứng, đất đai, đầu tư, hoạt động xây dựng,... bảo đảm phản ánh, cập nhật thường xuyên, kịp thời về tình trạng pháp lý của dự án, các bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, các bất động sản tồn kho; về các giao dịch bất động sản; hoàn thành trong năm 2025.
Bộ Xây dựng cũng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT nghiên cứu mô hình giao dịch chứng khoán để thực hiện chuyển đổi số, liên thông các thủ tục từ giao dịch BĐS, công chứng, ký giao dịch đất đai trên môi trường điện tử nhằm đảm bảo công khai, minh bạch về tài sản, giá giao dịch, qua đó quản lý, không để thất thoát thuế, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2025.
Bộ Xây dựng chủ động theo dõi và phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, Bộ Tài chính cùng các địa phương để điều tiết, bình ổn thị trường bất động sản. Các biện pháp bao gồm điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị - nông thôn, chương trình phát triển đô thị, cơ cấu sản phẩm dự án... theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản, đặc biệt tại các khu vực có hiện tượng tăng giá bất thường, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm.
Bộ trưởng Bộ TN&MT chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, rà soát việc xác định giá đất, bảng giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đấu giá quyền sử dụng đất. Đặc biệt, chú trọng ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Bộ này cũng cần phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan triển khai chuyển đổi số, liên thông các thủ tục từ giao dịch bất động sản, công chứng, thuế đến đăng ký giao dịch trên môi trường điện tử.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất chính sách thuế nhằm hạn chế đầu cơ bất động sản, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam và thông lệ quốc tế. Các phương án bao gồm đánh thuế phần chênh lệch giữa giá tính tiền sử dụng đất và giá bán bất động sản, thuế chênh lệch qua các lần giao dịch, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/4/2025. Đồng thời, điều hành linh hoạt các công cụ tài chính, tiền tệ để khơi thông nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo thanh tra các tổ chức tín dụng có tài sản đảm bảo là bất động sản, đảm bảo định giá hợp lý và tuân thủ quy định. Ngân hàng không được tiếp tay cho hành vi thao túng giá gây bất ổn thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương điều tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất, đưa tin sai lệch tạo sốt ảo, lừa đảo trục lợi.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến bất động sản, đồng thời công bố kịp thời thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản, quy hoạch sử dụng đất và các dự án đủ điều kiện kinh doanh, đảm bảo minh bạch và công khai thông tin.
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở và bất động sản, bao gồm: chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất...
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và hoạt động của các sàn giao dịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Các hoạt động này cần được minh bạch hóa, chuyên nghiệp hóa nhằm phòng ngừa và hạn chế tình trạng thiếu kiểm soát, tránh gây bất ổn thị trường.
Đẩy mạnh kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới, và đấu giá quyền sử dụng đất.
Cần chú trọng đến tính pháp lý, điều kiện và sự công khai thông tin của bất động sản trước khi đưa vào kinh doanh, đặc biệt tại các khu vực có hiện tượng tăng giá bất thường; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, Phó Thủ tướng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao theo nội dung của Công điện này.