Bức tranh trái chiều
Hồi tháng 3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 444/QĐ-TTg giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội cho từng địa phương trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Chính phủ lượng hóa mục tiêu nhà ở xã hội theo địa phương, thể hiện quyết tâm hiện thực hóa Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Theo quyết định này, các địa phương phải hoàn thành 995.445 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2025 - 2030. Riêng năm 2025, chỉ tiêu được giao là 100.275 căn. Việc giao mục tiêu cụ thể được xem là biện pháp thúc đẩy chính quyền địa phương hành động thực chất hơn, tránh tình trạng trì trệ trong phát triển phân khúc nhà ở vốn đã nhiều năm thiếu hụt nguồn cung này.
Sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, một số địa phương đã có kết quả đáng ghi nhận. Tại Nghệ An, năm 2025 tỉnh được giao chỉ tiêu hoàn thành 1.420 căn, nhưng qua kiểm tra thực tế, Bộ Xây dựng cho biết tỉnh dự kiến sẽ bàn giao 2.756 căn, vượt 94% kế hoạch.
Từ năm 2021 đến nay, Nghệ An đã và đang triển khai 37 dự án nhà ở xã hội, tổng quy mô hơn 18.000 căn hộ. Trong đó, đã hoàn thành tổng số 1.756 căn; đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng (dự án đã có chủ trương đầu tư, đã lựa chọn chủ đầu tư, cấp phép xây dựng, đã khởi công xây dựng) 29.245 căn.
Tại Hưng Yên, giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh đã hoàn thành 2 dự án nhà ở xã hội với 1.002 căn và đang triển khai thêm 4 dự án mới quy mô gần 3.600 căn. Với chỉ tiêu năm 2025 là 1.750 căn, địa phương này được dự báo sẽ hoàn thành 2.097 căn, vượt khoảng 20%.
TP. Hà Nội cũng ghi nhận kết quả tích cực khi dự kiến sẽ hoàn thành 4.730 căn nhà ở xã hội trong năm 2025, vượt chỉ tiêu khoảng 60 căn.
Bên cạnh những địa phương ghi nhận kết quả tích cực, không ít địa phương vẫn chưa có chuyển biến rõ nét. Mới đây, Bộ Xây dựng đã phải phát đi Công điện số 19/CĐ-BXD ngày 22/5/2025, yêu cầu các tỉnh, thành chưa có dự án được khởi công hoặc có dự án được khởi công nhưng tỷ lệ hoàn thành thấp; chưa bổ sung chỉ tiêu nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần nhanh chóng vào cuộc.
Một trường hợp điển hình là Hà Tĩnh. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh mới chỉ hoàn thành 01 dự án nhà ở công nhân với 152 căn hộ, trong khi chỉ tiêu được giao riêng năm 2025 là 200 căn. Bộ Xây dựng nhận định, Hà Tĩnh sẽ "khó có khả năng hoàn thành chỉ tiêu" nếu không có giải pháp đột phá. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh đẩy nhanh các thủ tục hành chính và yêu cầu sớm khởi công các dự án trong quý III/2025 để đảm bảo tiến độ.
Việc triển khai chỉ tiêu nhà ở xã hội theo cơ chế bắt buộc là một bước tiến đáng kể trong công tác điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa các địa phương đang cho thấy vấn đề không chỉ nằm ở nguồn lực, mà còn ở mức độ quyết tâm và năng lực tổ chức thực hiện. Nếu không có sự vào cuộc đồng bộ và thực chất hơn nữa, mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 sẽ khó đảm bảo tiến độ.
Sớm ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội để tạo "đòn bẩy" mạnh mẽ từ chính sách
Để đảm bảo tiến độ và chất lượng mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng cần nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, quy hoạch và thủ tục hành chính đang cản trở tiến độ tại nhiều địa phương. Trong đó, việc sớm ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ tạo đột phá thực chất.
Với những đề xuất như thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia; giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu; miễn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; không phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi; việc thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được thực hiện lồng ghép trong thủ tục cấp giấy phép xây dựng… không chỉ giúp các địa phương có cơ chế xử lý thủ tục nhà ở xã hội nhanh chóng mà còn hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia phân khúc này. Việc thí điểm thành công cũng là cơ sở để nhân rộng chính sách trên cả nước trong dài hạn.
Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu Quốc hội, để nhà ở xã hội thực sự được thúc đẩy, chính sách cần đi xa hơn, mang tính mở rộng và linh hoạt hơn nữa. Tại phiên thảo luận ngày 24/5, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, cần cho phép nhà đầu tư góp quyền sử dụng đất để nhận lại nhà ở xã hội thành phẩm nhằm tiết kiệm thời gian và thủ tục.
Đồng thời, ông đề xuất cơ chế "một cửa, một đầu mối" giao cho Sở Xây dựng xử lý toàn bộ thủ tục, kể cả về PCCC và điều chỉnh quy hoạch, với thời hạn cấp phép tối đa là 90 ngày, thay vì kéo dài 18 - 24 tháng như hiện nay.

Đại biểu Trịnh Xuân An tham gia góp ý Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh: quochoi.vn)
Liên quan đến giá nhà ở xã hội, đại biểu đề xuất tách riêng giá bán, giá thuê và giá thuê mua. Đồng thời, để doanh nghiệp chủ động xác định giá, nhưng cần có cơ chế đối chiếu, thẩm định giá để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan.
Về phía địa phương, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) kiến nghị cần cho phép tỉnh được linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất. Ông cũng đề xuất bổ sung quy định miễn bố trí quỹ đất nhà ở xã hội đối với các dự án thương mại được phê duyệt trước khi Luật Nhà ở mới có hiệu lực, thay vào đó là nộp tiền tương đương.
Trong bối cảnh nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân ngày càng cấp bách, việc chậm trễ về chính sách hay thiếu quyết liệt trong triển khai không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội. Do đó, việc ban hành sớm Nghị quyết thí điểm không chỉ mang tính kỹ thuật, mà còn là "đòn bẩy" chính sách cần thiết để nhà ở xã hội được triển khai một cách mạnh mẽ./.