Aa

Tiền gửi vào ngân hàng ở mức cao, thị trường bất động sản thêm chậm hồi phục?

Thứ Hai, 11/09/2023 - 16:30

Việc lượng tiền gửi vào ngân hàng ở mức cao cho thấy tâm lý của người dân vẫn khá thận trọng đối với việc đầu tư, trong đó có bất động sản.

Tiền gửi vào ngân hàng ở mức cao, vì sao?

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền của người dân và tổ chức gửi vào hệ thống ngân hàng tăng mạnh trong những tháng vừa qua. Tính đến hết tháng 6, lượng tiền gửi đạt gần 12,37 triệu tỉ đồng, tăng thêm hơn 270.700 tỉ đồng so với cuối tháng trước.

Việc lượng tiền gửi vào ngân hàng ở mức cao cho thấy tâm lý của người dân vẫn khá thận trọng đối với việc đầu tư hoặc sản xuất, kinh doanh. Với thị trường bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng việc tiền gửi trong ngân hàng nhiều có thể làm chậm hơn quá trình phục hồi của thị trường này. 

Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng ở mức cao - Ảnh: Thanh Niên

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, lượng tiền gửi vào ngân hàng cao trong thời gian qua xuất phát từ việc lãi suất huy động cao, cộng với việc các thị trường đầu tư đang chững lại. Gần đây, dù lãi suất hạ nhưng lượng tiền trong ngân hàng vẫn cao vì thị trường bất động sản hiện nay vẫn chưa hồi phục, thanh khoản, giao dịch thấp và giá bất động sản vẫn ở mức rất cao nên không hấp dẫn các nhà đầu tư.

“Với tâm lý vẫn còn thận trọng, người dân vẫn để tiền trong ngân hàng để chờ đợi cơ hội trong thời gian tới”, ông Thịnh nói.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này từ nay đến cuối năm cũng là dịp cao điểm của doanh nghiệp mua sắm, sản xuất kinh doanh. Đặc biệt hiện nay lượng đơn hàng đang hồi phục trở lại nên doanh nghiệp cũng chuẩn bị tiền cho sản xuất, kinh doanh thời gian tới.  

Với thị trường bất động sản, ông Thịnh cho rằng, việc người dân vẫn gửi tiền nhiều vào ngân hàng chứng tỏ các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý khá thận trọng. Do đó, thị trường khó có thể phục hồi được trong năm nay. 

“Sự phục hồi của thị trường sẽ tuỳ thuộc vào từng phân khúc, nhưng chí ít phải từ 2024 trở đi. Các phân khúc ở thực hoặc bất động sản ven khu công nghiệp, vùng ven các thành phố... sẽ hồi phục sớm nhất, còn các bất động sản nghỉ dưỡng, cao cấp thì lâu hơn”, PGS Đinh Trọng Thịnh nhận định. 

Chưa kể, ông Thịnh cũng cho rằng các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản vẫn chưa được giải quyết, đặc biệt là nguồn vốn và pháp lý. 

“Vốn và pháp lý là hai yếu tố đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp bất động sản và có liên quan mật thiết đến nhau. Sự kiểm soát dòng tiền vào lĩnh vực rủi ro khiến cánh cửa tiếp cận vốn ngân hàng đóng lại nếu dự án không đảm bảo về mặt pháp lý. Thêm nữa, các vấn đề về thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng chưa được giải quyết triệt để, dù Nghị định 08 có mở đường cho doanh nghiệp gia hạn nợ. Tuy nhiên điều này cũng chỉ làm giảm khó khăn cho doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại, còn áp lực trả nợ vẫn ở phía trước”, ông Thịnh nói. 

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Ảnh: Dân trí

Theo quan sát của ông Thịnh, bên cạnh hàng loạt động thái tháo gỡ khó khăn pháp lý cho thị trường bất động sản, các chủ đầu tư cũng đang có sự tái cấu trúc. Nhiều dự án nhà ở giảm giá, tăng khuyến mại, được chuyển đổi thành nhà ở xã hội… Các chủ đầu tư từ chỗ triển khai ồ ạt nhiều dự án thì giờ đang thu hẹp, tập trung hoàn thiện các dự án sắp đưa vào sản xuất kinh doanh hoặc bán bớt các dự án để có dòng tiền. 

Có chung nhận định, trong báo cáo mới phát hành, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng về tâm lý nhà đầu tư chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đến nay thực sự có tác động tích cực, rất tích cực tới tâm lý nhà đầu tư. 

Các doanh nghiệp còn lại đều cho rằng, sau một thời gian quan sát và theo dõi, không thấy được sự chuyển biến thực sự và rõ rệt của thị trường nên khách hàng/nhà đầu tư sau khi ổn định tâm lý, vẫn xác định “chậm mà chắc”, vô cùng “thận trọng” trước các quyết định của mình.

Ngân hàng “thừa tiền”, doanh nghiệp “khát vốn”

Có thể thấy, cùng với các vấn đề về pháp lý thì “nguồn vốn” là khó khăn dai dẳng, đeo bám nhiều doanh nghiệp bất động sản trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, một nghịch lý là ngân hàng thì thừa tiền nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn.

Thực tế câu chuyện ngân hàng “thừa tiền” nhưng doanh nghiệp vẫn “khát vốn” không mới trong nửa đầu năm nay. Tiếp tục nhấn mạnh điều này tại cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Minh Khái ngày 7/9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thêm một lần nhấn mạnh rằng: “Hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền”.

Theo ông Tú, dù Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục có các giải pháp nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay". 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%). 

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu - Ảnh: Báo Đầu tư

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngoài nguyên nhân các doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện vay thì không ít doanh nghiệp “không muốn vay” vốn, bởi vì tình hình kinh doanh khó khăn, lượng đơn hàng (đặc biệt đơn hàng xuất khẩu ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu) giảm mạnh thời gian qua. 

“Khi nhu cầu hàng hoá giảm thì doanh nghiệp sản xuất càng nhiều thì họ đối mặt với rủi ro tồn kho càng lớn, nếu vay vốn ngân hàng nữa thì áp lực trả lãi lại càng đè nặng”, ông Hiếu nói và cho rằng đây là một nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng 8 tháng vừa qua rất thấp so với mục tiêu. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top