Aa

Tiền quay trở lại dồi dào sau Tết, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm

Chủ Nhật, 09/02/2020 - 14:08

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu khối lượng lớn trong tuần qua, dòng tiền có xu hướng quay trở lại hệ thống sau Tết, củng cố đáng kể thanh khoản hệ thống, kết quả là lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm.

Tuần qua chứng kiến lãi suất liên ngân hàng (LNH) giảm đáng kể, lãi suất kỳ hạn qua đêm ngày 7/2 đạt 2,43%; kỳ hạn 1 tháng cùng ngày ở mức 3,1%; lần lượt giam 0,7 và 0,43 điểm phần trăm so với một tuần trước đó. Dòng tiền từ cư dân, doanh nghiệp sau Tết có xu hướng trở lại ngân hàng mạnh mẽ là nguyên nhân chính giúp thanh khoản hệ thống dồi dào.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục phát hành tín phiếu kỳ hạn 91 ngày kể từ trước tết tới nay, với tỷ lệ khối lượng trúng thầu/khối lượng gọi thầu đạt 100%. Thêm vào đó, thanh khoản dư thừa, NHNN đã nâng khối lượng gọi thầu từ 5.000 tỉ đồng vào ngày 4/2 lên lần lượt 8.000 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng trong 3 phiên cuối tuần làm việc.

Tổng khối lượng tín phiếu đang lưu hành tính tới hết tuần này đạt mức 61.000 tỷ đồng. Lãi suất các phiên đấu thầu trong tuần đều ở mức 2,65%. Đáng chú ý, các đợt phát hành gần đây được đấu thầu lãi suất, theo đó NHNN gọi thầu khối lượng cho sẵn và lãi suất trúng thầu là mức lãi suất cao nhất mà tại mức đó khối lượng trúng thầu mà các thành viên đăng ký đạt đủ khối lượng do NHNN gọi thầu.

Lãi suất liên ngân hàng do tác giả tổng hợp từ website Ngân hàng Nhà nước

Lãi suất kỳ hạn 1 tháng so với kỳ hạn qua đêm vào ngày 7/2 đạt mức 0,67%; giảm đáng kể so với thời điểm giữa tháng 1/2020 khi độ chênh hai kỳ hạn này có mức lên tới 2,6%. Đà giảm của phần chênh này đang cho thấy xu hướng lãi suất được dự báo tiếp tục giảm và thanh khoản ổn định trong thời gian tới.

NHNN đang hút ròng nội tệ trên thị trường khi lạm phát có xu hướng gia tăng. Yếu tố mùa vụ đang tác động đáng kể lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong khi giá thịt heo chưa cho thấy đà giảm nào đáng kể và diễn biến dịch bệnh viêm phổi do virus mới nCoV sẽ làm tăng lạm phát dự kiến trong tương lai (lạm phát ì). Đây là nguồn cơn của việc tích trữ hàng hóa và sẽ càng đẩy lạm phát gia tăng.

Ở diễn biến khác về tỷ giá cũng đang có xu hướng tăng trong bối cảnh đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang mất giá kể từ khi dịch bệnh phát tán và lan rộng tại Trung Quốc và ngân hàng trung ương nước này tiếp tục giảm lãi suất. 

Nguồn cung ngoại tệ cũng có xu hướng giảm khi cán cân thương mại tháng 1 vừa qua ước tính nhập siêu. Tỷ giá tăng cao cũng gây áp lực cho thị trường LNH. Nếu lãi suất VND giảm quá sâu (do thanh khoản dư thừa hay do NHNN giảm lãi suất), trong khi lãi suất USD ổn định, giữ nguyên thì cơ bản sẽ làm VND có xu hướng mất giá hơn so với USD, càng gây áp lực cho tỷ giá.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top