Có một điều nực cười là, dù nguồn giáo sư, tiến sĩ của nước ta khá dồi dào, song, thành tựu nghiên cứu khoa học lại tỉ lệ nghịch. Rất nhiều những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật liên quan đến đời sống, phục vụ dân sinh lạ kỳ thay, đều là do những người nông dân chân lấm tay bùn tự mày mò, dò dẫm vừa làm vừa chỉnh sửa sáng tạo ra.
Năm 2010, Bộ Giáo dục có Đề án 911 đào tạo 20.000 tiến sĩ. Khi người ta còn đang nghi ngờ tính thiết thực của Đề án thì mới đây, lại có thông tin, sắp tới, Bộ này tiếp tục xây dựng đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ, với kinh phí đào tạo khoảng 12.000 tỉ đồng. Nguồn ngân sách sẽ xin nhà nước cấp.
Cách đây chưa lâu, dư luận sững sờ, xót xa khi một cô giáo mầm non lúc nghỉ hưu mới giật mình ngã ngửa vì biết mức lương mình được hưởng sau 37 năm công tác, trong đó có trên 22 năm đóng bảo hiểm, chỉ vỏn vẹn 1,3 triệu đồng/tháng. Vậy mà mức lương đó còn cao hơn nhiều đồng nghiệp khác trên cả nước.
Giáo dục muốn phát triển, phải xây dựng từ gốc, bằng chiến lược bài bản. Ngân sách hạn hẹp, tại sao cứ phải mải mê đi đào tạo những tiến sĩ đa phần ngồi bàn giấy, trong khi, nước mắt của các thầy cô mầm non, tiểu học, thậm chí cả trung học khi nhận lương thì chẳng mấy ai để ý, quan tâm!