Aa

Tiếp chuyện xứ Thanh

Thứ Hai, 04/11/2019 - 06:30

Giờ toàn trên 60 lụ khụ, gặp nhau có đứa sụt sịt. Mắt như long lanh, má hình như ửng... những câu chuyện cũ được kể, từ đứa nào thích đứa nào tới những chuyện tưởng sống để dạ chết mang theo được tộc tộc khai ra.

Vẫn mạch về Thanh. Chúng tôi về gặp nhau nhân bốn mươi ba năm tốt nghiệp cấp 3, ngôi trường cấp 3 Hậu Lộc một thời vừa thân thương vừa... buồn của chúng tôi. Buồn vì hồi ấy đi học khổ quá, có đến hai phần ba lớp đi chân không đến lớp. Mà mùa đông xứ Thanh lạnh cắt da cắt thịt, chân tay tóe máu, thế mà đi bộ mấy chục cây số tới lớp, à lại còn bụng đói nữa chứ. 

Tôi còn được lưng bát cơm rang mỗi sáng và cái xe đạp Phượng Hoàng, có đôi dép Tiền Phong đẳng cấp thời ấy, các bạn tôi có đứa còn không có cả tiền đò, quấn quần lên đầu, bơi qua sông, mà con gái đấy. Hồi ấy có để ý đâu, sau này vô tình gặp lại, nó mới kể. Nhưng đời không bất công với ai bao giờ, sau này nó là cô giáo, và chồng nó là đại tá lữ đoàn trưởng.

Gặp lại, vài đứa con gái nói, mi ngày xưa là toàn... nhìn lên, còn chúng tao nhìn mi. Ôi giời ôi, tôi còi như cái kẹo mút, nhưng vì là con cán bộ sơ tán về nên có tí điều kiện hơn và được các bạn... để ý, mà tôi đâu có biết. Thanh minh thế nhưng chúng nào có tin, chúng bảo mi còn theo con này con kia, toàn mấy đứa dân thị trấn thời ấy, trắng da đỏ môi hơn, dù đến lớp 10 vẫn có đứa ngộc nghệch tồ hơn trẻ con lớp 4 bây giờ.

Các bạn tôi, áo quần chẳng có, đi học cầm theo ống bơ sữa bò đốt hạt nhãn hoặc quả phi lao bên trong để sưởi. Nhà gần chục người chỉ miệng bò gạo với một nồi nước lõng bõng, không dám quấy, gần chín thì đổ cả rổ rau má vào (ít nhất một ngày trong nhà phải có hai người đi kiếm rau má), lúc múc thì phần dưới để cho ông bà và trẻ con, người lớn chỉ được ăn phần trên, toàn rau má.

Một tháng công điểm, tính ra một người được chừng 8 cân lúa. 8 cân lúa ấy mà xay ra thì được bao nhiêu gạo, các bạn tính đi. Tháng ba ngày tám là cái từ những người dân Thanh Hóa sợ nhất, vì nó đói đến không thể đói hơn, người dặt dẹo, xanh như tàu lá. 

Sáng đi học nhịn đói là tất nhiên, trưa cháo rau má, tối cháo rau má, khuya đói không ngủ được thì dậy... hoạt động, và lại đẻ, con cứ trứng gà trứng vịt, cởi truồng đi lông nhông trong xóm, đói thì thò... ống tay áo lên mút, vì trong ống tay áo là... nước mũi đã khô đặc quánh, cứ thế bài ca đói cho đến Tết. Tết tức là được ăn cơm ba ngày, có cá tát ở ao hợp tác xã, có thịt lợn đụng. Cái xóm tôi ở ngay đền Bà Triệu, hôm nào mà tàu hỏa đụng cho con trâu là trẻ con gặp Tết, mặc người lớn méo mặt.

Chợ huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, thời bao cấp.

Dẫu là có gạo phiếu thì anh em chúng tôi vẫn bị kéo vào cái guồng đói ấy. Có hôm đi học ở trong rừng sơ tán, thấy bên lớp có cây sung quả rất đẹp, mỡ màng, tôi hái ăn lấy ăn để và rất ngạc nhiên tại sao bọn trong lớp đói hơn tôi mà chúng không ăn. Một lúc sau thì tôi nôn, móc họng mà nôn, gập mình mà nôn. Một đứa con gái mới giải thích: Cái thằng gạo phiếu kia, mày ngu thế, đấy là quả sung choóc, không ăn được, chứ nếu ăn được, đã chẳng đến lượt mày.

Đi học buổi sáng, khi về là một cực hình, chân kéo lê không nổi. Tôi vẫn còn sướng, mùa đông về bao giờ cũng có một cặp lồng cơm ủ, canh dưa với cá lòng tong, rau diếp của nhà, còn bạn tôi, nhiều đứa chỉ củ khoai củ sắn rồi kéo trâu bò lên đồi, và lên đấy chúng mới đi kiếm miếng ăn của chúng. Thường là đi nhổ khoai, sắn nướng, nhổ su hào non ăn sống, thậm chí bắt cả vịt gói đất nướng ăn... tất nhiên là nhổ trộm, bắt trộm. 

Còn tôi, mon men lên xin chúng cho cưỡi trâu bò với quà là những miếng thịt miếng cá hoặc thìa đường múc trộm của mẹ. Bao giờ kết cục cũng là roi. Những gói sữa bột bao ni lông, tôi kêu chúng nó vào, dùng kim châm một phát rồi chu miệng mút. Được nhiều ra phết và cũng nhiều thằng bị sặc. Hút một vài lần thì được, hút nhiều là bị lộ và lại... roi.

Nhưng không bao giờ được chỉ "đi bò đi trâu" mà mỗi thằng đều phải kèm một việc, thằng thì tát cá, thằng thì kiếm củi... Chúng nó cực nhọc đi qua tháng ba ngày tám, đi qua cả năm đói khát như thế, đi thoát ly là ước mơ của tất cả thế hệ thanh niên nông thôn thời ấy.

Thời ấy Thanh Hóa có mấy câu nổi tiếng mà ai từng xứ Thanh đều biết: "Nhất Xương, nhì Gia, thứ ba Hậu Lộc", ấy là các huyện đói nhất: Quảng Xương (nơi có làng Quảng Thái nổi tiếng cả làng đi ăn mày và thờ thành hoàng ăn mày), Tĩnh Gia, và Hậu Lộc (nơi tôi sống). Rồi là "ba không hai chống": Không đi dép, không đi xe, không mặc quần dài, chống thuyền, chống gậy..., rồi là "được mùa Nông Cống sống mọi nơi"... Chao ơi, xứ Thanh của tôi một thuở...

Giờ toàn trên 60 lụ khụ, gặp nhau có đứa sụt sịt. Những ý tứ, những giao đãi ban đầu rồi qua, tới một lúc lại trở về gần 50 năm trước. Mắt như long lanh, má hình như ửng... những câu chuyện cũ được kể, từ đứa nào thích đứa nào tới những chuyện tưởng sống để dạ chết mang theo được tộc tộc khai ra. 

Nhưng mà lạ, có những ý tứ thoảng qua chứ hầu như chưa đứa nào biết yêu thời ấy. Đọc cuốn "Phan Nhân" của cô nhà báo xinh đẹp Phan Thanh Phong tặng, thấy thế hệ này, sau bọn tôi chừng... 2 chục năm nhưng đã khác hẳn thế hệ chúng tôi. Thấy các bạn Phan Nhân lớn hơn hồi chúng tôi nhiều. Và mới thấy, té ra hồi ấy, tôi là đứa nhỏ con nhất lớp, thậm chí nhất trường, nhưng đã có cái hơn chúng nó rồi, ấy là tôi đã biết tia một cô bé rất đẹp lớp E. 

Tưởng chỉ mình mình biết, chỉ mình mình hay, vì chỉ thích thế thôi chứ có biểu hiện gì đâu, à, có lần hái hoa ngọc lan bỏ túi quần mang đến rụt rè cho nó, thế mà té ra bọn trong lớp nó biết. Hôm rồi, chúng đồng thanh bảo: "Mi hồi nớ chỉ biết mỗi con T, biết chi tụi tau". Rất tiếc, cái người mà chúng "đổ vạ" cho tôi ấy, giờ mắc một căn bệnh rất lạ: Quên tất cả, chẳng nhớ được gì, thế thì mong gì bạn ấy nhớ tôi, thằng cu lớp 10A loắt choắt mà, quả là, có thích bạn ấy thật...

Thanh Hóa, còn rất nhiều chuyện, dai dẳng nhớ, rồi bùng lên khi gặp mặt, họp lớp, khiến về rồi cứ day dứt. Và vì thế, dù rất hay diễu chuyện họp lớp, tôi vẫn đồng ý ký vào văn bản rằng, từ giờ trở đi, lớp 10A của chúng tôi, sẽ cứ 2 năm gặp mặt một lần, cho đến khi nào... hết người.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top