Aa

Tin địa phương (23/9 - 29/9): Hà Nội tăng diện tích tách thửa đất ở tối thiểu lên 50m2; Quảng Ngãi phấn đấu xây dựng 6.300 căn nhà ở xã hội đến năm 2030

Thứ Hai, 30/09/2024 - 11:15

Từ ngày 7/10, Hà Nội tăng diện tích tách thửa đất ở tối thiểu lên 50m2; Quảng Ngãi phấn đấu xây dựng 6.300 căn nhà ở xã hội đến năm 2030 cho công nhân, đối tượng thu nhập thấp; TP. Cần Thơ mời gọi đầu tư 5 dự án nhà ở xã hội... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua tại các địa phương.

Hà Nội tăng diện tích tách thửa đất ở tối thiểu lên 50m2 từ ngày 7/10

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND ngày 27/9/2024 có hiệu lực từ 7/10/2024, quy định một số nội dung quan trọng liên quan đến công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố. Quyết định này nhằm củng cố hệ thống quản lý đất đai, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong việc sử dụng quỹ đất công, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một trong những điểm đáng chú ý của Quyết định này là các quy định về điều kiện và diện tích tối thiểu trong việc tách thửa, hợp thửa đất trên địa bàn thành phố. Theo đó, quy định này được áp dụng nhằm đảm bảo việc sử dụng đất hiệu quả, hợp lý, tránh tình trạng manh mún hoặc vi phạm quy hoạch đất đai.

Cụ thể, theo Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội, diện tích thửa đất sau khi tách phải nằm ngoài phạm vi các công trình hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông và không gian công cộng. Đối với thửa đất sau khi tách, diện tích tối thiểu được quy định không nhỏ hơn 50m2. Bên cạnh đó, các thửa đất phải có chiều dài từ 4m trở lên và bề rộng giáp với đường giao thông phải đảm bảo từ 4m trở lên.

Đối với các xã thuộc khu vực đồng bằng, diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đất là 80m2. Trong khi đó, các xã thuộc vùng trung du yêu cầu diện tích tối thiểu 100m2, đảm bảo phù hợp với đặc điểm địa hình và điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương. Đối với các xã vùng miền núi, nơi có địa hình phức tạp hơn, diện tích sau khi tách thửa phải đảm bảo tối thiểu sẽ là 150m2.

Tại các khu vực xã, quy định về tách thửa đối với đất thương mại dịch vụ yêu cầu diện tích tối thiểu là 800m2. Đối với các loại đất phi nông nghiệp khác, diện tích tối thiểu sau khi tách thửa phải đạt 2.000m2.

Đối với đất phi nông nghiệp, quy định được áp dụng cho những thửa đất không thuộc diện Nhà nước giao hoặc cho thuê để triển khai các dự án. Đối với đất nông nghiệp, quy định diện tích tối thiểu sau tách thửa được xác định cụ thể cho từng loại hình canh tác.

Bên cạnh đó, quyết định còn quy định rõ về việc công nhận quyền sử dụng đất ở đối với các thửa đất được hình thành trước và sau các thời điểm quan trọng.

Đối với thửa đất hình thành trước ngày 18/12/1980, diện tích công nhận đất ở sẽ bằng năm lần hạn mức giao đất ở tối đa, nhưng không vượt quá diện tích thực tế. Đối với thửa đất hình thành từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, hạn mức công nhận sẽ khác nhau tùy thuộc vị trí địa lý của thửa đất. Ví dụ, các quận có hạn mức 120m2, còn các xã miền núi là 500m2.

Quảng Ngãi phấn đấu xây dựng 6.300 căn nhà ở xã hội đến năm 2030

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang yêu cầu phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành ít nhất 6.300 căn nhà ở xã hội. Ngoài ra, tỉnh đặt mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và những người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh hiện nay đã triển khai 6 dự án nhà ở cho công nhân tại Khu kinh tế Dung Quất với tổng số 1.198 căn hộ, đáp ứng nhu cầu cho 4.482 công nhân. Ngoài ra, một dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Vạn Tường, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, đang được xây dựng trên diện tích 87.500m2, bao gồm 532 căn hộ, tương đương với 74.480m2 sàn xây dựng. Tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành 500 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đã kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng, thuê và mua nhà ở công nhân để phục vụ nhu cầu của người lao động.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển đa dạng loại hình nhà ở xã hội như nhà ở xã hội cho thuê, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người thu nhập thấp, học sinh, sinh viên... với giá phù hợp khả năng chi trả. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách như người có công với cách mạng, hộ nghèo và các hộ dân vùng nông thôn, dân tộc thiểu số, đảm bảo rằng tất cả người dân có nhu cầu đều được tiếp cận với nhà ở phù hợp và an toàn.

Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt tại các văn bản pháp luật gồm Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 10/8/2022, Quyết định số 1392/QĐ-UBND ngày 07/12/2022, Quyết định số 1465/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 và Kế hoạch số 126/KH-UBND ngày 11/6/2024. Cùng với đó, Sở Xây dựng sẽ chủ trì và phối hợp với Sở Tư pháp khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản quy định theo thẩm quyền, liên quan đến các nội dung được giao trong Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15. Rà soát các văn bản hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật mới này.

Quảng Ngãi cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, kết hợp giữa sự hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. UBND tỉnh cũng sẽ thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội và chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/10/2024.

TP. Cần Thơ mời gọi đầu tư 5 dự án nhà ở xã hội

UBND TP. Cần Thơ có quyết định mời gọi đầu tư đối với 5 dự án nhà ở xã hội độc lập nằm trên địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Thốt Nốt, huyện Thới Lai và Vĩnh Thạnh, với tổng diện tích gần 10ha. Cụ thể:

Khu đất chung cư (Khu A, B) thuộc Dự án Khu tái định cư phường An Bình - Hợp phần 2 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức thành phố Cần Thơ (gọi tắt là Ban Quản lý dự án ODA) làm chủ đầu tư, với diện tích 15.138m2.

Khu đất tại Hẻm 340 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy cho Công ty Cổ phần Xây dựng Cấp thoát nước số 15 thuê, có diện tích 7.256m2.

Khu đất nhà ở xã hội phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, gồm 03 lô thuộc Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu Tái định cư phường Thới Thuận (giai đoạn 2), quận Thốt Nốt, có diện tích 12.310m2.

Khu đất quốc phòng do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ quản lý chuyển mục đích sang đất dân dụng tại thị trấn Thới Lai, tổng diện tích khu đất là 14.395,8m2, trong đó 50% diện tích khu đất (khoảng 7.197,9m2) đã có chủ trương đầu tư xây dựng Bến xe buýt.

Khu đất Nhà ở công nhân, nhà ở xã hội thuộc Dự án Khu tái định cư và dân cư nông thôn xã Vĩnh Trinh thuộc dự án Khu tái định cư phục vụ Khu công nghiệp huyện Vĩnh Thạnh (Giai đoạn 01) do UBND huyện Vĩnh Thạnh làm chủ đầu tư, có diện tích 57.400m2.

Tin địa phương (23/9 - 29/9): Hà Nội tăng diện tích tách thửa đất ở tối thiểu lên 50m2; Quảng Ngãi phấn đấu xây dựng 6.300 căn nhà ở xã hội đến năm 2030- Ảnh 1.

Dự án nhà ở xã hội Hồng Loan, quận Cái Răng. (Ảnh: Hữu Lễ)

UBND TP. Cần Thơ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, UBND TP giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND các quận, huyện và các đơn vị có liên quan phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai các bước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành.

Hà Nội đề nghị hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây nhà

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, thành phố chỉ đạo các đơn vị tiếp tục hoàn thiện quy định, trong đó hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; ưu tiên việc đấu giá đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư.

Theo UBND TP. Hà Nội, việc này nhằm đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Về triển khai, tổ chức đấu giá, UBND thành phố đề nghị công khai, minh bạch trong việc cung cấp thông tin về các phiên đấu giá trên hệ thống thông tin của Trung ương, Thành phố và địa phương theo quy định.

Đồng thời, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm việc cử đại diện tham dự, giám sát việc thực hiện phiên đấu giá (theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư Liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04/4/2015); truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản; dừng phiên đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá hoặc hành vi bất thường khác theo quy định.

Ngoài ra, đề nghị Công an Thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất; hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã có biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định đấu giá không được tiếp tục tham gia đấu giá; đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao "bất thường" để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định.

UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định gây nhiễu loạn thị trường, công bố danh sách công khai trên trang thông tin của huyện và báo cáo, cung cấp thông tin để công bố công khai trên trang thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Hải Phòng: Cưỡng chế 3 trường hợp lấn chiếm đất dự án ở quận Kiến An

Thông tin từ UBND quận Kiến An (TP. Hải Phòng) cho biết, ông Nguyễn Văn Thường, ông Nguyễn Văn Xuyên và ông Vũ Bá Quý tại tổ dân phố Lê Quốc Uy, phường Bắc Sơn là 3 cá nhân có hành vi lấn chiếm đất thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Bắc Sơn (dự án Hoàng Quốc Việt).

Ngày 26/6/2024, UBND quận đã ban hành các quyết định số 1120, 1121, 1122/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 ông: Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Văn Xuyên và Vũ Bá Quý tại tổ dân phố Lê Quốc Uy, phường Bắc Sơn về hành vi lấn, chiếm đất dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Bắc Sơn (dự án Hoàng Quốc Việt). 

UBND quận cũng yêu cầu 3 cá nhân trên khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trả lại đất đã lấn, chiếm; nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và nộp phạt 30 triệu đồng mỗi người. Tuy nhiên, cả 3 ông đều chưa chấp hành quyết định xử phạt này.

Đến ngày 31/7, UBND quận Kiến An tiếp tục ban hành các quyết định số 1536, 1537, 1538/QĐ-CCXP cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 ông: Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Văn Xuyên và Vũ Bá Quý.

Trong chiều ngày 20/9, tổ tuyên truyền vận động thực hiện quyết định của UBND quận đến nhà 3 ông để gặp gỡ, giải thích, vận động chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND quận. Tuy nhiên, cả 3 trường hợp đều vắng mặt. Tổ tuyên truyền, vận động đã gửi thông báo của UBND quận về việc tổ chức cưỡng chế đến các nhà.

Theo đó, ngày 26/9, UBND quận Kiến An tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp trên.

Lâm Đồng: Ban hành quy định về xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy định về diện tích đất được phép xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng trên đất nông nghiệp và đảm bảo quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Quy định này áp dụng cho hầu hết các thửa đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và còn thời hạn sử dụng đất, diện tích đất nông nghiệp của khu đất đang sử dụng từ 500m² trở lên và không thuộc trường hợp phải chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 121 Luật Đất đai năm 2024. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2024. Người dân có nhu cầu xây dựng công trình cần thông báo đến UBND cấp xã để được hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện.

Theo đó, tùy thuộc vào diện tích khu đất, quy định đã cụ thể hóa diện tích tối đa được phép xây dựng công trình. Cụ thể, đối với khu đất từ 500m2 đến 5.000m2 được sử dụng diện tích đất để xây dựng công trình không quá 25m2.

Đối với diện tích khu đất từ 5.000 - 10.000m2 được sử dụng diện tích đất để xây dựng công trình không quá 50m2. Diện tích khu đất từ 10.000m2 trở lên được sử dụng diện tích đất để xây dụng công trình không quá 75m2.

Người dân được phép xây dựng công trình tại nhiều vị trí khác nhau trong khu đất, miễn là tổng diện tích không vượt quá quy định. Đồng thời, UBND cấp xã sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và lập hồ sơ theo dõi việc xây dựng công trình theo quy định.

Quy định mới này được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế tình trạng xây dựng tràn lan, lấn chiếm đất nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đầu tư xây dựng các công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất và góp phần xây dựng một vùng nông nghiệp hiện đại, bền vững trên địa bàn toàn tỉnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top