Aa

Thừa Thiên Huế: Người dân tái định cư dự án di dân khu vực I - Kinh thành Huế, bây giờ ra sao?

Thứ Hai, 30/09/2024 - 07:00

Từ năm 2019 đến nay, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng khu tái định cư rộng khang trang, hạ tầng giao thông hiện đại trên tổng diện tích 73ha với kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng, tại phường Hương Sơ và An Hòa, TP. Huế.

Năm 1993, quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Khu Eo Bầu, Thượng Thành và các di tích nằm trong Kinh thành Huế trở thành khu vực I bảo vệ di tích. Theo Luật Di sản, nơi này cấm xây dựng, đồng thời phải giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, trước và sau năm 1975, hàng ngàn hộ dân đã đến khu vực này sinh sống, xây dựng nhà cửa kiên cố. Chính quyền đã phải tổ chức di dời người dân, bảo vệ di sản.

Sau hơn 3 năm triển khai Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) khu vực I di tích Kinh thành Huế - "cuộc di dân lịch sử", hàng ngàn hộ dân đã an cư, lạc nghiệp và bước sang trang mới bên khu phố mới.

Thừa Thiên Huế: Người dân tái định cư dự án di dân khu vực I - Kinh thành Huế, bây giờ ra sao?- Ảnh 1.

Hạ tầng hoàn chỉnh tại các khu tái định cư.

Nơi ở mới của các hộ dân được di dời từ di tích Thượng Thành, Eo Bầu nằm ở phía Bắc TP. Huế, cách Kinh thành Huế hơn 2km. Các tuyến đường ở khu tái định cư được quy hoạch rộng rãi, thuận tiện cho người dân đi lại. Kênh nước giữa các khu dân cư ngoài chức năng điều hòa không khí còn giúp thoát nước mưa, tránh ngập úng.

Một cụ bà cho biết: "Ở chỗ cũ, vào mùa mưa thì ướt dột, mùa nắng chật chội và nóng nực. Khi chuyển đến đây, cuộc sống của chúng tôi đỡ vất vả hơn, sau này con cái có tương lai hơn, lấy vợ lấy chồng có chỗ để ở. Bà con rất hạnh phúc khi đến ở nơi này".

Thừa Thiên Huế: Người dân tái định cư dự án di dân khu vực I - Kinh thành Huế, bây giờ ra sao?- Ảnh 2.

Hàng ngàn hộ dân đã an cư, lạc nghiệp và bước sang trang mới bên khu phố mới.

Nhiều người cho biết, nơi ở mới xa hơn một chút, chưa có chợ nên việc mua sắm hơi bất tiện. Tuy nhiên, đổi lại họ có nhà cửa khang trang, sạch sẽ, không bị ngập lụt. "Lúc trước có mơ tôi cũng không dám nghĩ sẽ được sinh sống trong điều kiện tốt như hiện nay", một người dân nói.

Đặc biệt những đứa trẻ mới sinh ra trên vùng đất mới đã được sống trong những ngôi nhà khang trang, hơn hẳn các căn nhà trên Thượng Thành trước đây. Một cụ ông vui mừng kể, về đây sinh sống, các cháu của ông có không gian rộng rãi hơn để vui chơi. Khi trời tắt nắng, ông thường dắt cháu đi thả diều, ngắm cảnh đồng lúa.

Đến nay đã có rất nhiều hộ dân chuyển về sinh sống ổn định ở khu tái định cư. Trên những mảnh đất phân lô có diện tích từ 60-100m2, người dân đã dùng số tiền đền bù xây dựng nhà cửa khang trang, có nhiều nhà 2, 3 tầng.

Thừa Thiên Huế: Người dân tái định cư dự án di dân khu vực I - Kinh thành Huế, bây giờ ra sao?- Ảnh 3.

Người dân đã dùng số tiền đền bù xây dựng nhà cửa khang trang, có nhiều nhà 2, 3 tầng.

Trường mầm non Hoa Mai ở khu tái định cư vừa được đưa vào hoạt động để phục vụ nhu cầu học hành của con em người dân nơi đây. Giai đoạn 1, trường gồm khối nhà học tập 4 phòng học, sảnh đa năng và khối nhà hành chính quản trị, phòng học chức năng kết hợp bếp ăn. Theo quy hoạch, trường sẽ được mở rộng với tổng vốn đầu tư khoảng 19 tỷ đồng.

Thừa Thiên Huế: Người dân tái định cư dự án di dân khu vực I - Kinh thành Huế, bây giờ ra sao?- Ảnh 4.

Trường mầm non Hoa Mai ở khu tái định cư vừa được đưa vào hoạt động để phục vụ nhu cầu học hành của con em người dân nơi đây.

Bên cạnh đó, khu công viên cây xanh được đầu tư xây dựng rộng rãi là nơi bà con thường tham gia tập thể dục mỗi ngày. Đây là nơi các em nhỏ và cả người lớn có thể thoải mái vui chơi vào sáng sớm hay mỗi buổi chiều.

Thừa Thiên Huế: Người dân tái định cư dự án di dân khu vực I - Kinh thành Huế, bây giờ ra sao?- Ảnh 5.

Khu công viên cây xanh là nơi các em nhỏ và cả người lớn vui chơi vào sáng sớm hay lúc chiều tà.

Một vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: "Các hộ dân được di dời đã có hàng chục năm sinh sống tại khu vực 1, di tích Kinh thành Huế. Có thể nói, đây là một "cuộc di dân lịch sử". Cuộc di dân đem lại cuộc sống ổn định lâu dài, an cư lạc nghiệp cho người dân. Đồng thời, trả lại cảnh quan cho di tích để trùng tu, cải tạo, phát huy giá trị di sản. Đến nay, gần 2.000 hộ dân tái định cư đã có cuộc sống ổn định tại nơi ở mới"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top