Aa

Tín hiệu mới về gỡ khó quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 17/06/2021 - 06:00

Một trong những nguyên nhân khiến phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn là vấn đề về quỹ đất. Việc Hà Nội yêu cầu rà soát lại quỹ đất nhà ở xã hội được cho là tín hiệu mới gỡ khó cho bài toán này.

Tính đến tháng 5/2021, trên cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu mét vuông. Ngoài ra, cả nước đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219 ngàn căn hộ. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu mét vuông).

Theo đại diện Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu là do tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở các vị trí không thuận lợi; chưa giải phóng xong mặt bằng. Thực trạng này dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội… Nhóm nguyên nhân thứ hai là do hạn chế về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội.

Riêng tại Thủ đô, giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu xây dựng khoảng 6,2 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội thì đến thời điểm này, Hà Nội đã triển khai được 62 dự án (gồm 59 dự án nhà ở xã hội và 3 dự án nhà ở thương mại có dành diện tích sàn nhà ở xã hội), đạt khoảng 4,04 triệu mét vuông sàn. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở xã hội vẫn còn rất lớn, chưa thể đáp ứng hết được mong muốn của người dân có mức thu nhập trung bình thấp. Bên cạnh đó, tình trạng nhiều dự án nhà ở xã hội đang “ế” vẫn diễn ra mặc dù đã mở bán từ nhiều năm nay.

Tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội từ cơ chế, chính sách đến quỹ đất là giải pháp đang được Bộ Xây dựng và các địa phương tích cực thực hiện. Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản 1743/UBND-ĐT về việc thực hiện chỉ đạo của Thành ủy với các nội dung liên quan đến đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội giao các đơn vị báo cáo làm rõ tình hình, kết quả thực hiện các kết luận của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2021; rà soát lại các văn bản kết luận, chỉ đạo của UBND thành phố, cơ quan liên quan để tham mưu điều chỉnh phù hợp với các quy định hiện hành; rà soát, thống kê đầy đủ các quỹ đất quy định là 20% (TP. Hà Nội là 25%) và quỹ đất nhà ở xã hội độc lập mà chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn thành phố có trách nhiệm phải bố trí và dự án nhà ở xã hội; tình hình triển khai thực hiện cơ chế thí điểm 5 khu nhà ở xã hội tập trung; kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025; các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật hiện hành để thực hiện công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố…

Nhà ở xã hội khó phát triển một phần nguyên nhân là do thiếu quỹ đất.
Nhà ở xã hội khó phát triển một phần nguyên nhân là do thiếu quỹ đất. (Ảnh: Internet)

Giới phân tích nhìn nhận, nhu cầu về nhà ở bình dân, nhà ở xã hội vẫn chiếm số đông và luôn trong tình trạng khan hiếm vì không còn quỹ đất. Qua hành động rà soát và kiểm tra, TP. Hà Nội sẽ thống kê được diện tích đất 20% mà chủ đầu tư trích lại từ các dự án, tình trạng sử dụng quỹ đất này. Từ đó, Hà Nội có thể triển khai mạnh các dự án nhà xã hội, Bộ Xây dựng cũng sẽ điều chỉnh văn bản ban hành nếu thực tế có những khiếm khuyết, đặc biệt sẽ có giải pháp để gia tăng quỹ đất nhà ở xã hội. Ngoài ra, việc rà soát cũng để làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan đến quỹ đất nhà ở xã hội, đồng thời cũng có sự hỗ trợ cần thiết nếu các dự án nhà ở xã hội đang triển khai gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.

TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho hay: “Việc thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án, các quỹ đất của Hà Nội trong thời gian qua là cần thiết, trong đó, rà soát quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là tất yếu bởi câu chuyện này được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua. Việc rà soát để Hà Nội có thể nhìn nhận và đánh giá lại tổng thể hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội đã sử dụng hoặc chưa qua sử dụng, từ đó có phương án hợp lý trong tương lai".

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, Hà Nội không thiếu quỹ đất làm nhà ở xã hội. Để tạo dựng quỹ đất nhà ở xã hội khả thi và thiết thực, không nhất thiết phải quy hoạch ở những khu trung tâm với quy mô quá lớn. Vị trí để xây dựng khu nhà ở xã hội cần được tiếp cận tốt nhất tới những nơi làm việc của chính người dân đô thị đó và vẫn phải bảo đảm người dân có sự tiếp cận tối đa tới các công trình tiện ích công cộng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, chợ, trung tâm y tế, khu thương mại vui chơi giải trí… Trong nội thành, quỹ đất cho nhà ở xã hội có thể tận dụng các quỹ đất thu hồi từ những dự án chậm triển khai…

Trước đó, chia sẻ với Reatimes, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Để giải quyết được bài toán nhà ở xã hội cần thiết phải gắn kết các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước và luật pháp lại với nhau. Cách tốt nhất là Nhà nước nên thu tiền của các doanh nghiệp, tự quy hoạch ra một vùng và cho đấu thầu để xây dựng nhà ở xã hội”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, nếu lựa chọn phương án này đồng nghĩa với việc Nhà nước phải đảm bảo được vấn đề kết nối hạ tầng đồng bộ, đáp ứng đúng nhu cầu cần thiết của người dân, phải đảm bảo được chất lượng cho nhà ở xã hội, xóa bỏ quan niệm “nhà ở xã hội là kém chất lượng".

Nếu không đảm bảo được các yêu cầu trên, thì bức tranh về nhà ở xã hội sẽ trở nên nguệch ngoạc, rời rạc hơn. Bởi khi nhà ở xã hội không còn được gắn liền với nhà ở thương mại thì rất dễ bị đẩy ra các vùng heo hút, rìa ngoài của đô thị, rất khó đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt là người có thu hập thấp. Từ đó, bài toán về nhà ở xã hội không những không giải quyết được mà còn khiến nó xoáy sâu vào vòng luẩn quẩn “thiếu mà thừa”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top